Tôi đi mua… sáng kiến online!

'Cò kè bớt một thêm hai', cuối cùng một tài khoản (xưng là cô giáo) nâng giá bán sáng kiến lên tới… 7 triệu đồng chỉ với 5 trang giấy.

Nghe đồng nghiệp xôn xao về chuyện mua bán sáng kiến trên mạng đã lâu, tôi quyết định “mục sở thị” xem thực hư thế nào.

Tôi tìm đến một trang Facebook dành cho giáo viên có số lượng thành viên đông đảo lên đến hàng trăm ngàn người để “nghe ngóng” tin tức.

Trang Facebook này hàng ngày đăng tải những tin tức có liên quan đến chuyên môn và kể cả chuyện mua bán tài liệu tham khảo rất rôm rả.

Lần tìm trên timeline (dòng thời gian), tôi dừng lại trước một status (trạng thái): “Thầy cô nào cần sáng kiến thì inbox (nhắn tin) nhé!”.

Tôi liền nhắn tin cho chủ tài khoản (xin không nêu tên tài khoản cá nhân) với nội dung cần mua gấp một sáng kiến cho môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông.

Chỉ ít phút sau tôi nhận được tin nhắn trả lời: “Tôi có một sáng kiến được giải cấp tỉnh năm ngoái và hai cái của mấy năm trước”.

Tôi liền hỏi tên sáng kiến là gì, bao nhiêu trang và giá cả thế nào thì tài khoản kia cho biết: “Tên sáng kiến ‘Cách viết mở bài và đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận cho học sinh giỏi’, khoảng 5 trang, anh tự đưa ra giá cả”.

Thấy tôi hài lòng vì sáng kiến đúng chuyên môn, người bán liền giới thiệu lai lịch kèm với lời than vãn về gia cảnh.

Người bán cho biết là một giáo viên, giảng dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở một tỉnh phía Nam.

“Công sức và tâm huyết là vô giá! (dành cho sáng kiến). Hoàn cảnh tôi rất khó khăn, phải làm thêm từ việc bán hải sản, nên tôi mới nghĩ đến chuyện bán sáng kiến”, giáo viên này than thở.

Được tôi tỏ ra đồng cảm, thấu hiểu việc bất đắc dĩ phải bán sáng kiến, người xưng là giáo viên tiếp tục trút bầu tâm sự:

“Tôi có thể tặng anh sáng kiến, (với điều kiện) anh có thể giúp tôi tháo gỡ khó khăn lúc này. Tôi cần vay ngân hàng, nhưng tôi bị cái tì nợ xấu (dù đã tất toán lâu rồi) nên không vay được.

Anh có quen biết ngân hàng nào giúp tôi vay dễ dàng không? Hoặc có thể giúp tôi vay tư nhân lãi suất thấp không?

Có người ở ngân hàng Nhà nước giúp tôi nhưng không vay được nhiều. Tôi cần tiền để chuộc lại miếng đất nhưng không đủ”.

Tôi trả lời, hàng ngày tôi chỉ quen việc dạy học nên nên không biết chuyện vay tiền của ngân hàng hay tư nhân nào cả.

Tôi ra giá 500 ngàn đồng cho sáng kiến nhưng người bán chê quá rẻ, với lại khi đã bán thì mất luôn bản quyền.

Đoạn đối thoại giữa tác giả và người bán sáng kiến

Đoạn đối thoại giữa tác giả và người bán sáng kiến

“Có người bên mua bán sáng kiến (những trang web chuyên mua bán tài liệu) mua đứt bản quyền giá cao lắm anh.

Sáng kiến của tôi, anh không phải lo gì cả, đã đạt giải cấp tỉnh năm rồi. Độc quyền, cũng có người hỏi nhưng tôi không nghĩ tới chuyện bán. Anh có thể trả cho tôi số tiền cao hơn không?

Hôm trước có một thầy cán bộ quản lí hỏi xin tôi sáng kiến cho cháu thầy để kiếm danh hiệu bằng khen Ủy ban tỉnh và ngỏ ý tặng tôi chiếc xe gắn máy mà tôi không chịu”, người này nói thêm về giá trị của sáng kiến.

Tôi liền trả giá 3 triệu, rồi 5 triệu nhưng người bán vẫn không chịu với lí lẽ: “Tôi bán cho anh, anh cũng có thể chia sẻ cho nhiều người (ý là bán lại) thì coi như không còn là của riêng tôi nữa, nên giá thấp thì thiệt thòi cho tôi”.

Người này tiếp tục quảng cáo về uy tín bản thân:

“Năm ngoái có trang web sáng kiến (chuyên bán sáng kiến) trên mạng liên hệ kêu tôi hợp tác, đưa sản phẩm cho họ, họ đăng lên mạng, mỗi lượt người ta tải về thì được một số tiền.

Một sáng kiến dùng được nhiều năm với nhiều lượt tải về thì tính ra cũng rất nhiều tiền. Tôi cũng định làm thế…”.

Và người bán chốt luôn giá… 7 triệu với lời hứa chắc nịch, bài viết chỉn chu từng câu chữ, không phải chỉnh sửa gì cả.

“Trong trường các giáo viên khác cũng hay nhờ tôi giúp hoàn thiện sáng kiến của họ”, người bán minh chứng.

Biết tôi đắn đo vì giá cả quá cao, người này vẽ ra tương lai tươi sáng (sau khi mua được sáng kiến tốt) bằng những lời có cánh:

“Nếu mọi thứ thuận lợi (sau khi sáng kiến đạt giải) thì anh được nhiều lắm. Chính tôi khi cần cũng không biết nhờ ai, không thể lên tiếng với đồng nghiệp quen biết được. Còn mua hàng trôi nổi trên mạng thì càng không nên.

Khi đạt danh hiệu này thì sẽ kéo theo nhiều danh hiệu khác. Năm nay đạt sẽ làm đòn bẩy cho năm sau, năm sau nữa... dồn thành tích cho các danh hiệu khác ở những năm tiếp theo. Mặt công đoàn, đảng, chính quyền đều ảnh hưởng tích cực hết. Cái được không thể mua bằng tiền”.

Tôi kết thúc giao dịch ở loạt đối thoại này. Sau đó người xưng “cô giáo” còn gọi điện, nhắn tin trách móc một số lần nữa nhưng tôi không trả lời.

Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc, một sáng kiến sao có giá cao vậy, trong khi được danh hiệu thi đua có đáng là bao, sao phải đánh đổi.

Thế nhưng, đây là kiểu kinh doanh sáng kiến bằng cách mua đi bán lại cho nhiều người, nhiều năm liên tục.

Cũng có thể người bán giả danh giáo viên để lừa những người nhẹ dạ cả tin với lời hứa hươu hứa vượn.

Theo lời giới thiệu của đồng nghiệp, tôi tiếp tục tìm đến quản trị viên một trang Facebook dành cho giáo viên Ngữ văn cấp 2, 3 có hơn 10 ngàn thành viên tham gia.

Khi nghe tôi muốn mua sáng kiến cho môn Ngữ văn, tài khoản này (xin không nêu tên) cho biết chỉ còn đề tài cấp 3, cấp 2 thì đã được bán sạch từ trước.

Một sáng kiến được bán cho hàng loạt giáo viên.

“Đề tài ‘Nâng cao hứng thú học Ngữ văn thông qua việc tổ chức hoạt động khởi động’, gồm 55 trang, giá 500 ngàn đồng. Sáng kiến này mới, không có trên mạng anh nhé!”, tài khoản này khẳng định.

Lấy cớ từ chối, tôi hoài nghi, nếu sáng kiến này đã được đưa lên mạng, lỡ Ban Giám hiệu phát hiện ra thì tôi sẽ bị kỉ luật, có khi mất việc như chơi.

Cuối cùng người bán thú nhận, sáng kiến này đã được bán cho 5 giáo viên ở 5 tỉnh khác nhau.

“Năm ngoái em làm mới một sáng kiến về trải nghiệm sáng tạo. Em chưa gửi cho ai cả. Nếu mà sợ thì chỉ có cách tự làm thôi anh ạ”, người này không quên giới thiệu thêm sáng kiến khác và đưa ra lời khuyên.

Theo quy định hiện hành, giáo viên muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở trở lên thì phải có sáng kiến.

Nhưng thực tế, nhiều giáo viên vì yếu chuyên môn, lười nhác hoặc thiếu lòng tự trọng nên viết sáng kiến bằng cách sao chép, đi xin hay mua bán như thế.

Xem ra, nếu giáo viên thiếu liêm chính học thuật, tham danh hiệu nhưng không có thực tài và các cấp quản lí chưa có giải pháp thiết thực thì sáng kiến vẫn còn là câu chuyện dài tập…

Bài, ảnh: Ánh Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toi-di-mua-sang-kien-online-post207504.gd