Tôi đi chấm ảnh

Tôi không nhớ lần đầu được mời đi chấm ảnh bao giờ, chỉ nhớ là được chấm đủ loại. Từ cuộc ảnh ý tưởng toàn quốc, Festival nhiếp ảnh trẻ, ảnh báo chí 'Khoảnh khắc vàng' thông tấn xã, Liên hoan ảnh khu vực, ảnh Vẻ đẹp Việt Nam - Truyền hình Nhân Dân, ảnh thi Canon…, từ chấm ảnh trên giấy đến ảnh online rồi vừa online vừa giấy…

Giải Nhất Cuộc thi “Vẻ đẹp Việt Nam” tháng 6.2018 của Trần Việt Phương (HN).

Chấm ảnh có gì vui?

Chấm ảnh rất hay vì khi làm giám khảo tôi học được nhiều điều.

Trước tiên, việc chuyển đổi vai trò từ thí sinh (tôi dự thi nhiều cuộc thi quốc tế) thành giám khảo có cảm giác rất lạ. Và khi đó, mình phải tự thay đổi mình. Tôi thích ảnh chân dung, ảnh ý niệm… nhưng khi ở cương vị “cầm cân nảy mực” thì không thể vì ý thích riêng của mình mà ưu tiên các thể loại đó hơn các dạng khác.

Với tôi, cái thuận khi chấm ảnh là xem ảnh bằng con mắt của người chụp ảnh trước khi bằng mắt của người phê bình. Vì đã trực tiếp tác nghiệp trên hiện trường, nên tôi nhận ra được độ khó trong những bức ảnh của thí sinh gửi đến dự thi. Thông cảm với điều kiện tác nghiệp khó khăn trong nhiều trường hợp nhưng không thể cộng những vất vả của thí sinh vào bức ảnh quá nhiều vì xét cho cùng hiệu quả cuối cùng của tác phẩm mới là quan trọng nhất.

Chấm ảnh còn là cơ hội để tham khảo cách thẩm định ảnh của các giám khảo khác. Không bao giờ chủ quan và luôn nhìn lại chính mình. Đôi khi chính ý kiến hay và có lý của giám khảo khác lại làm tôi thay đổi ý kiến ban đầu. Nhưng cũng có khi, tôi đã thuyết phục các giám khảo khác bằng chính kiến riêng có lý lẽ vững chắc của mình.

“Sự cố trên đường đua” của Nguyễn Xuân Hãn (Bạc Liêu) giải Nhì Cuộc thi “Vẻ đẹp Việt Nam” tháng 6.2018.

Khổ nhất là chấm online

Nhất là giờ đây khi chụp ảnh trở nên thú vui đại chúng, người người chụp ảnh, nhà nhà chụp ảnh. Có cuộc thi như Liên hoan khu vực 15 tỉnh miền núi phía Bắc cả mấy nghìn ảnh dự thi, theo cách làm mới là chấm ảnh online, từng ảnh một đều phải cho điểm. Cách làm này đảm bảo sự khách quan cho thí sinh khi bức ảnh nào cũng được cân nhắc cho điểm. Nhược điểm là rất tốn thời gian, thường phải mất mấy ngày mới hoàn tất. Chưa kể số ảnh “rác” khá nhiều, cảm giác nhiều khi thật chán.

Để đảm bảo chất lượng, trước đó, giám khảo phải load tất cả các ảnh dự thi xuống xem qua 1 lượt để có cái nhìn tổng thể.

Chả bù cho ngày xưa toàn rải ảnh lên bàn chấm thả phiếu điểm. Nhanh hơn và nhìn ảnh rõ ràng hơn, nhưng có bất lợi là không phải bức ảnh nào cũng ở vị trí tốt để có được cái nhìn công bằng của giám khảo.

Nói về chuyện “nhìn rõ” thì có cuộc liên hoan khu vực khi căng to ảnh ra trên máy tính mới nhận ra thí sinh ghép ảnh. Bức ảnh mấy bà dân tộc thiểu số trước cửa nhà, ánh sáng đẹp, không khí ấm cúng, tình cảm của các nhân vật tốt. Nhưng không hiểu sao thí sinh lại ghép thêm lá cờ đỏ sao vàng vào bối cảnh phía sau. Thể lệ cuộc thi không cấm ghép ảnh, nhưng rõ ràng việc ghép ảnh khiên cưỡng gây khó chịu cho giám khảo và bức ảnh đó không được chọn. Thật là tiếc. Có bức ảnh để màu nguyên là đẹp, nhưng thí sinh lại đi tăng sắc độ của màu lên, ảnh thành rợ xem nhức mắt. Có ảnh, thí sinh ghép thêm nón vây kín chặt lấy người làm nón, làm giám khảo phải tự hỏi: Thế làm nón xong, người kia bước ra bằng lối nào?

Có cuộc kết hợp vừa chấm online vừa chấm ảnh giấy. Chấm online để chọn ảnh vào triển lãm, sau đó thí sinh phải tự phóng ảnh to gửi đến để giám khảo chấm ảnh trực tiếp trên bàn.

Còn nhớ Festival Nhiếp ảnh trẻ toàn quốc, chính khi rải ảnh ra bàn mà tôi cùng các giám khảo khác như Hồng Vĩnh (Báo Tiền Phong), Nguyễn Á… nhận ra một số bức ảnh đã photoshop quá đà và không sạch nước cản.

Cũng ở cuộc thi đó, giải nhất tranh luận nảy lửa và cuối cùng bức ảnh giải nhì và nhất chỉ chênh nhau đúng 1 phiếu.

“Nhành lan rừng” của Trịnh Thu Nguyệt (Đà Nẵng) đoạt giải cao trong cuộc thi ảnh “Đất và người” do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức.

Sôi nổi khi chấm “Vẻ đẹp Việt Nam”

“Vẻ đẹp Việt Nam” là Cuộc thi ảnh của Truyền hình Nhân Dân có chủ đề hằng tháng và thu hút khá đông người dự thi cả chuyên và không chuyên.

Thường ba giám khảo trực tiếp bình luận ảnh trên trường quay của Truyền hình Nhân Dân. Chương trình có sức hấp dẫn riêng và được bình tán sôi nổi trên Fanpage.

Có người bảo sao lần này không hẹn mà nên, cả ba ông giám khảo đều râu ria. Người khác lại kêu: chấm ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam” có cần mặt mũi căng thẳng nhiều lúc không?

Thực ra chấm ảnh bao giờ cũng khó. Có những bức ảnh phải nâng lên đặt xuống mấy lần và không phải ai cũng đồng thuận. Nhưng nguyên tắc quá bán 2/3 là chọn (trừ ảnh giải nhất phải thống nhất 3/3) , và cái hay của chương trình là để các giám khảo được tự do tranh luận và nói chính kiến của mình. Thường giám khảo thích những ảnh chụp tự nhiên, bắt lấy khoảnh khắc sống động cuộc sống, có thông tin và mang ý nghĩa nhân văn.

Thí sinh ngồi xem trước màn hình cũng có dịp đánh giá lại Ban giám khảo, xem ông nào tán, ông nào nói chuyên môn sâu, ai hay, dở điểm gì.

Ở đây, sức khỏe tâm lý và thể chất có tiếng nói riêng của nó. Có hôm, tôi thấy hào hứng và bình luận rôm rả, nhưng có hôm tự thấy mình nói cũng có lúc nhạt.

Quan trọng là trung thực với cảm xúc của chính mình.

Và từ đó thẩm định bức ảnh với 1 thái độ nghiêm túc, không thiên kiến. Cảm xúc dĩ nhiên là điều vô cùng quan trọng. Bởi có những tấm ảnh hoàn hảo kỹ thuật, nhưng xem cứ khô khan, lạnh lẽo làm sao. Nó hệt như những con ma-nơ-canh vô hồn. Chỉ có sự mới mẻ, lạ lẫm ẩn chứa sự công phu, tìm tòi, nỗ lực chuyên tâm của tác giả mới được chú ý.

Điều vui nhất khi làm giám khảo là số đông (không bao giờ là tất cả) thí sinh thừa nhận “tâm phục khẩu phục” kết quả chấm ảnh. Còn không vui khi sự lựa chọn của mình không chuẩn và thầm tiếc: Giá như…

Đôi khi cũng phải tự… AQ: Giám khảo cũng là con người, cũng có lúc sai lầm, miễn là cái sai đó không phải là “cố ý” để bênh vực một “đệ tử” hay “chiến hữu” thân tín nào đó!

Việt Văn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/toi-di-cham-anh-624647.ldo