Tội danh quấy rối tình dục chưa được đưa vào Bộ luật Hình sự

Những đối tượng sàm sỡ, xâm hại, quấy rối, thậm chí là tấn công tình dục đối với phụ nữ chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt rất nhẹ. Nguyên nhân là do quấy rối tình dục chưa được đưa vào Bộ luật Hình sự như một tội danh.

Vụ việc sàm sỡ nữ sinh trong thang máy, đến thời điểm này, kết luận của cơ quan điều tra đã có, đối tượng bị phạt hành chính 200 nghìn đồng và phải công khai xin lỗi nạn nhân. Thế nhưng, đã hơn 20 ngày trôi qua, nạn nhân trong vụ việc vẫn chưa nhận được bất cứ lời xin lỗi chính thức nào.

Nạn nhân: Hắn cứ hẹn em gia đình em vài lần đến để xin lỗi, nhưng lại không đến, thế là bố em bực quá bảo bây giờ cũng không cần nhận lời xin lỗi nữa…. Bây giờ vào thang máy là thấy sợ….

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội: “Luật pháp hiện hành chưa có quy định về bù đắp những tổn thương cho người phụ nữ, ở các nước khác hình phạt rất nặng…Chẳng hạn nạn nhân bị sốc về tâm lý, bị ảnh hưởng về sức khỏe nhưng không đi làm được … Tất cả hình phạt đều nhằm vào thủ phạm, thương tổn của nạn nhân chưa được đề cập đến.”

Theo các chuyên gia, những hành vi trong vụ việc trên chính là quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ. Tuy nhiên, trong luật lại chưa có quy định về tội danh này nên rất khó để xử lý hình sự. Việc xử phạt được các cơ quan chức năng vận dụng nghị định 167, điều 5 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự. Nhưng nghị định 167 điều chỉnh rất nhiều hành vi và ra đời từ năm 2013, tức là nó đã có độ lùi, trễ rất lớn về mặt thời gian và không có sự tương thích với tình hình xã hội hiện nay.

Luật sư Nguyễn Văn Tú – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: “Việc xử phạt hành vi này chỉ là một ý nhỏ trong nghị định, quy định rất chung chung, Có cảm giác nhà nước đang quan tâm đến những thứ hữu hình hơn, quan trọng về tài sản hơn là danh dự…”

Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico

Mức xử phạt này đã được duy trình 20, 30 năm, người ta không quan tâm đến sửa đổi,,, có những hành vi thì xử phạt rất cao như đổi ngoại tệ, nhưng liên quan đến danh dự, nhân phẩm lại không ai để í.

Vụ việc này là một ví dụ cho thấy, nhiều văn bản pháp luật ở nước ta đang tồn tại tình trạng lỗi thời, thiếu tính dự báo, dự đoán, nhiều điều khoản khó đi vào cuộc sống, thậm chí có những Luật vừa có hiệu lực đã cần phải sửa đổi.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng: “Tôi cho rằng không ai dự báo hết được những tình huống xảy ra sau 7 -8 năm, nhưng đừng để phải sửa đổi quá nhiều, thực tế làm luật hiện nay tính khả thi chưa cao…Để một văn bản luat ra đời thì còn nghị định, thông tư nên thời gian đến khi có hiệu lực rất chậm…”

Các chuyên gia cho rằng, trong quá trình xây dựng luật cần cụ thể hóa thật chi tiết những điều khoản, thường xuyên rà soát đánh giá tình hình xã hội để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Và quan trọng nhất, luật phải có tính bao quát, nghiêm minh, cơ chế xử phạt phải đủ sức răn đe. Vì nếu tình trạng như hiện nay còn tiếp tục tái diễn sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, đó là sự nhờn luật, coi thường pháp luật của một bộ phận người dân.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/toi-danh-quay-roi-tinh-duc-chua-duoc-dua-vao-bo-luat-hinh-su