'Hối lộ' biến thành tội danh 'nhạy cảm' trong công cuộc chống tham nhũng?

Dường như tội danh 'Hối lộ' trở thành 'nhạy cảm' trong công cuộc chống tham nhũng 'không có vùng cấm' đang được phát động mạnh mẽ?!.

Hình minh họa.

Một vụ án lớn, rất lớn cả về quy mô tội phạm cũng như khối lượng tiền bạc đang được xét xử tại Phú Thọ mà các bị cáo đầu vụ từng là những tướng lĩnh công an.

Một trong những tình tiết mà dư luận quan tâm là để duy trì đường dây đánh bạc với quy mô lớn, thu lãi hàng chục nghìn tỷ đồng thì người điều hành nó phải có một sự “bảo kê” đặc biệt từ những người có quyền chức và họ sẽ được “lại quả” những gì?.

Tuy nhiên, không hề có tội danh “Hối lộ” trong vụ án này mặc dù bị cáo đã khai đưa cho các vị tướng này hàng chục tỷ và hàng triệu USD, riêng tiền rượu trong các bữa ăn đã hàng chục tỷ. Do sự phủ nhận của các bị cáo được “cho và biếu” này và không đủ cơ sở để chứng minh nên “để lại xem xét sau”.

Ngay cả đến tội danh “Đưa hối lộ” của bị cáo điều hành đường dây đánh bạc và rửa tiền khi khởi tố vụ án cũng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với lý do “khoan hồng của pháp luật”. Dư luận được một phen hụt hẫng và buộc phải tin rằng “tội phạm trong cơ quan chống tội phạm” dung dưỡng và bảo kê, chống lưng cho tội phạm chỉ để nhận một cái áo sơ mi và một lọ thuốc bổ gan!.

Trở lại với các vụ án trước đây mà bị cáo là cán bộ bị truy tố với các tội danh “Cố ý làm trái”..., “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”... tức là các tội phạm về chức vụ, tham nhũng, nhưng rất ít khi tội danh “Nhận hối lộ” được “xướng” lên ở chốn công đường. Thậm chí, có các vụ án chỉ có người đưa hối lộ mà không hề có người nhận hối lộ, cái lô-gic thông thường không thể chấp nhận thì lại được cái “lô-gic pháp lý” công nhận. Dường như tội danh “Hối lộ” trở thành “nhạy cảm” trong công cuộc chống tham nhũng “không có vùng cấm” đang được phát động mạnh mẽ?!.

Mục đích của tham nhũng chính là tài sản, không vì cái đó thì chẳng tham nhũng để làm gì. Thế nhưng, ngay nơi nghị trường còn chưa tìm ra một phương án hữu hiệu nhất để xử lý với loại tài sản mà cán bộ “không giải trình được nguồn gốc”. Bên cạnh đó, cũng không ít sự trăn trở về “đánh tham nhũng to, lo tham nhũng vặt” và nghi ngại không thu hồi được tài sản trong các vụ tham nhũng lớn vì theo tính toán của một đại biểu Quốc hội thì chỉ thu được không quá 2% số tài sản phải thu hồi.

Trong khi đó, tội “Hối lộ” lại không được phanh phui đến tận gốc, trừng phạt để răn đe thì tham nhũng sẽ diễn biến ngày càng phức tạp - như nhận định từ nghị trường là có lý do của nó.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/toi-danh-nhay-cam-d82659.html