'Tôi đang sống cho hai người với quả tim được tặng'

Đó là tâm sự của ông Trần Tuấn, người đã được ghép tim hiến trong cuộc gặp bất ngờ chan chứa nước mắt...

Cuộc gặp xúc động giữa ông Tuấn với người vợ của ân nhân hiến tạng

Cuộc gặp xúc động giữa ông Tuấn với người vợ của ân nhân hiến tạng

Sự sống mang về từ cõi chết

Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối hiến, ghép tạng Quốc gia vào sáng 29/11, nhiều cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và xúc động giữa những người được hồi sinh từ nguồn tạng hiến với những gia đình hiến tặng.

Nhắc lại hành trình “từ cõi chết” trở về của mình, đôi mắt ông Trần Tuấn (Thừa Thiên - Huế) ngân ngấn nước. Phát hiện suy tim giai đoạn cuối cách đây 2 năm, sự sống của ông Tuấn chỉ trông chờ vào ghép tim. Từ người trụ cột trong gia đình, đã có lúc ông Tuấn chỉ thoi thóp chờ đợi phép màu đến với mình. “Với tôi, thời điểm đó, dù đăng ký vào danh sách nhận tạng hiến nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là sự chờ đợi vô vọng mà thôi. Cả gia đình như thấy sẵn một kịch bản của ngày cuối trong đời vậy. Thế rồi, sự may mắn đã đến khi tôi nhận được thông tin có trái tim hiến tặng từ một người chết não hoàn toàn trùng khớp với tôi về các chỉ số. Ngày nhận tin, cả tôi và gia đình vẫn không tin nổi đó là sự thật. Ca phẫu thuật ghép tim thành công đã đưa tôi từ cõi chết trở về. Sự may mắn trong đời không thể tưởng tượng được của tôi là nhờ bàn tay vàng, khối óc nhiệt tình của y, bác sĩ, là sự rộng tình “cho đi” của người tình nguyện hiến tạng”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối hiến, ghép tạng Quốc gia, tập thể trung tâm cùng 2 cá nhân là GS. TS. Trịnh Hồng Sơn (Giám đốc trung tâm) và BS. Nguyễn Hồng Phúc (Phó giám đốc trung tâm) đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Tuấn, sau 6 tháng từ ngày được thực hiện phẫu thuật ghép tim đến nay, ông vẫn mòn mỏi đi tìm những thông tin về người đã hiến tạng cho mình với mong muốn được chia sẻ niềm biết ơn. “Bất ngờ và vô cùng xúc động, hôm nay tôi được gặp chị Hằng, vợ của anh Khiêm, người đã tình nguyện hiến tạng sau chết não. Với trái tim đang đập trong lồng ngực, giờ đây tôi sẽ không chỉ sống cho riêng mình mà còn cho cả người đã mất”, ông Tuấn tâm sự.

Nước mắt tràn mi đầy xúc động khi nhắc đến người chồng đã mất của mình, chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: “Tôi thật sự thỏa nguyện khi hôm nay được gặp chú Tuấn, người nuôi dưỡng trái tim của chồng mình. Khi quyết định hiến trái tim của chồng, tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là việc làm ý nghĩa. Một người khác sẽ được hồi sinh và chính trái tim của chồng vẫn còn đập. Tôi thường nói với con, cha các con vẫn còn sống chỉ là không ở bên cạnh. Khi con lớn, chắc rằng chúng sẽ tự hào về việc cha chúng đã làm”.

Cũng từ Huế ra Hà Nội, mẹ con bệnh nhân Phạm Văn Cơ (15 tuổi) bùi ngùi khi nhắc đến hành trình tìm lại sự sống. Khuôn mặt rạng rỡ, Cơ cho hay, sau phẫu thuật giờ sức khỏe em đã bình phục, ăn uống, ngủ được và tăng thêm 10kg. Đó là kết quả nằm ngoài tưởng tượng của chính Cơ và gia đình. Đôi mắt bà Huỳnh Thị Ánh (mẹ của Cơ) nhòe lệ khi cất lời cảm ơn BV T.Ư Huế và gia đình hiến tim ghép cho con trai bà. “Tôi có 2 con trai, con lớn đã mất vì bệnh tim. Còn đứa kia cũng nối tiếp anh mắc bệnh tim, giãn to. Chính vì thế, năm 2016, mẹ con đưa nhau vào Sài Gòn đề nghị thay tim… nhưng nói vậy thôi chứ tiền làm gì có. Bác sĩ ở Sài Gòn cũng lắc đầu bảo cơ hội thay tim hiếm hoi lắm. Những ngày chờ đợi ở Sài Gòn, con ốm, không ngủ, không ăn được, mấy mẹ con lại rút về BV T.Ư Huế. Ở đây, may mắn gặp bác sĩ Đông, bác bảo chỉ có thể thay tim mới cứu được con. Lúc ấy, tôi vừa mừng, vừa sợ vì không có tiền, chồng mất, nheo nhóc nuôi 4 đứa con… khó khăn trăm bề. Khi nhận điện cho con ra thay tim, tiền không có nhưng cứ nhắm mắt đưa con ra… 300 triệu đồng vay mượn khắp nơi chỉ với quyết tâm phải cứu con”, bà Ánh nhớ lại và chia sẻ: “Cảm động lắm khi đích thân bác sĩ Hiệp, Giám đốc BV T.Ư Huế lúc đó đang họp Quốc hội đã xin nghỉ để mang trái tim từ Hà Nội vào Đà Nẵng rồi đưa về Huế, cùng với ê kíp các y, bác sĩ khác mang lại sự sống cho thằng Cơ”.

“Cho đi là còn mãi”

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cả nước đã có 19.300 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Đến ngày 31/8 đã có 3.378 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có 3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim… mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo.

Theo ông Tiến, năm 2013, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia ra đời trong bối cảnh nền y học nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu về ghép tạng. Tuy nhiên, quan điểm về hiến mô, tạng tại Việt Nam còn hạn chế, nhiều người vẫn hồ nghi và sợ hãi khi nhắc đến lĩnh vực này.

Tuy nhiên, sau một năm hoạt động, trung tâm vận động được hơn 200 người hiến mô, tạng sau khi chết não, trong đó chủ yếu là lãnh đạo, cán bộ trung tâm, bạn bè, người thân và một số y, bác sỹ. Năm 2017, trung tâm đã vận động được thêm nhiều người tiếp cận với câu chuyện hiến tặng mô, tạng; đưa tổng số người đăng ký hiến tặng mô tạng lên tới 12.000 người.

Bước sang năm 2018, từ sự kiện bé Hải An hiến tặng giác mạc, đã có hàng nghìn người đến trung tâm đăng ký sẵn sàng hiến mô, tạng sau khi chết não.

Hàng loạt trường hợp như Thiếu tá Lê Hải Ninh, bé Vân Nhi, anh Nguyễn Ngọc Khiêm hay kỹ sư Nguyễn Xuân Hải… ra đi và gia đình đã trao tặng lại mô, tạng của họ để hồi sinh nhiều người bệnh đang ngày đêm chờ đợi cơ hội được sống.

Ông Tiến cũng cho rằng, về kỹ thuật, đội ngũ các y, bác sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể cứu nhiều người khi cần chỉ định ghép tạng. Tuy nhiên, số người cần ghép rất đông, nhưng người tình nguyện hiến sau qua đời, chết não còn hiếm.

“Chúng ta cần tuyên truyền để người dân thấu hiểu rằng hiến mô, tạng là việc làm nhân đạo, góp phần cứu người bệnh hiểm nghèo để tích cực, sẵn sàng hiến mô, tạng khi bị chết não. Cần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp đầy tính nhân văn “Cho đi là còn mãi”. Đồng thời, tiến tới, cũng sẽ cần thiết hình thành nhiều trung tâm điều phối ghép tạng để nhiều người có cơ hội được hiến, được nhận nguồn tạng quý báu này”, ông Tiến cho biết.

Vũ Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/toi-dang-song-cho-hai-nguoi-voi-qua-tim-duoc-tang-d280631.html