'Tội dâm ô muốn thiến sinh học phải nghiên cứu kỹ'

Sáng 3.4, bên lề buổi giám sát về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM của Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14, phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi ngắn với ông Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tình hình bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gần đây.

Theo ông Triệu Thế Hùng, những vụ việc xảy ra vừa qua rất đau lòng. Dù đã có nhiều điều luật, quy định… bảo vệ quyền trẻ em nhưng cần bổ sung để hoàn thiện pháp luật hơn so với thực tiễn; các quy định xử lý, trừng phạt phải đủ tính răn đe mới có thể hạn chế được những vụ việc xâm hại trẻ em vừa qua.

Ông Triệu Thế Hùng trả lời báo chí về nạn xâm hại trẻ em và bạo lực học đường. Ảnh: H.V

Ông Triệu Thế Hùng trả lời báo chí về nạn xâm hại trẻ em và bạo lực học đường. Ảnh: H.V

Do đâu thời gian gần đây, nạn bạo lực học đường, xâm hại trẻ em xảy ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng, thưa ông?

- Ngày xưa những vụ thế này cũng có xảy ra, tuy nhiên gần đây xảy ra nhiều là do truyền thông phát triển mạnh, nhanh chóng đưa các vụ việc ra công luận, báo chí vào cuộc với yêu cầu làm rõ và minh bạch các vụ việc. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của xã hội mạnh mẽ, lên án các hành vi này nên chúng ta thấy nhiều.

Mới hôm qua lại xảy ra vụ việc một người đàn ông đã có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn một bé gái trong thang máy ở quận 4,TP.HCM và gần đây là các vụ bạo lực học đường ở Hưng Yên, Nghệ An…, trong khi có rất nhiều cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em...?

Hình ảnh ghi lại cảnh một người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy ở một chung cư quận 4, TP.HCM. Ảnh: TL

- Vấn đề chính sách, pháp luật chăm sóc sức khỏe và bảo về quyền trẻ em tương đối đầy đủ. Nhưng câu chuyện đặt ra ở đây là chúng ta thực hiện nó như thế nào?

Chúng tôi thấy các cấp, các ngành phải tuân thủ tốt, triệt để tinh thần của luật giáo dục về trẻ em. Trong luật có các điều khoản, quy định rất đầy đủ để bảo vệ trẻ em. Chẳng qua chúng ta có vận dụng đúng, đủ hay không mà thôi.

Các sự việc xảy ra vừa qua là rất đau lòng, chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành ngoài vấn đề quan tâm phát triển kinh tế, phải quan tâm giáo dục con người - tương lai của đất nước.

Cần giám sát chặt chẽ hơn, nhất là những người trực tiếp như thầy, cô giáo… ngoài giảng dạy kiến thức, vấn đề cần quan tâm giáo dục để các em hoàn thiện văn-thể mỹ-đức-trí và cả kỹ năng sống. Cái cần là yếu tố nhân văn, đạo đức làm người, tương thân tương ái…

Về các vụ xâm hại, dâm ô, bạo lực học đường… dù có những chế tài, luật quy định, nhưng để đưa đối tượng ra chịu sự trừng phạt của pháp luật rất khó, hình thức chưa đủ sức răn đe?

- Tôi cho rằng ở đây là cả hai phía, pháp luật cần bổ sung hoàn thiện so với thực tiễn, trừng phạt, chế tài cần mạnh để tính răn đe quyết liệt hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng thực thi chính sách ở các địa phương trong các vụ việc như trên lại khác nhau, lên các cấp cao hơn thì xử hình thức lại khác.

Trong vấn đề này, tôi cũng cho rằng cần đặt trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật, làm không tốt, không đúng cũng phải chịu xử lý của pháp luật.

Hình thức xâm hại, dâm ô… có nhiều nước đã thiến sinh học, nước ta có cần hay không, thưa ông?

- Nước ta cũng có nghiên cứu, giao lưu với luật pháp của các nước tiên tiến. Nhưng để ra một đạo luật phải phù hợp với thực tiễn mà nhất là phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của đất nước đó, nền văn hóa của nước đó. Vì thế, thiến sinh học hay các hình thức khác phải nghiên cứu phù hợp thực tiễn của đất nước ta.

Ông nhìn nhận thế nào khi mà một thanh niên được coi là “giang hồ Khá Bảnh”, xăm trổ đầy mình lại được giới trẻ thần tượng, tung hô?

Hình ảnh "giang hồ Khá Bảnh" được tung hô như thần tượng. Ảnh: TL

- Theo tôi, một phần là do truyền thông và mạng xã hội tung hô trước khiến các em lầm tưởng. Vì vậy, truyền thông cần giáo dục lý tưởng sống lành mạnh, đạo đức, hướng các em về những tấm gương người tốt, việc tốt.

Có lẽ do thông tin truyền thông ồ ạt, mạng xã hội cũng rầm rộ… khiến các em cảm thấy ngợp, bão hòa thông tin, choáng và thiếu định hướng. Vì vậy, vấn đề giáo dục các em phải là cả xã hội vào cuộc.

Với truyền thông, cần lan tỏa tốt, có sự định hướng cho các em. Chúng tôi rất mong truyền thông giảm bớt tất cả những thông tin mang tính chất sự vụ, cổ súy cho cái không tốt. Bên cạnh đó, việc quản lý mạng xã hội cũng rất bức thiết trong thời buổi hiện nay. Mạng xã hội đúng là thành tựu khoa học của xã hội nhưng cần quản lý để hạn chế mặt trái của nó.

Xin cảm ơn ông !

Hồ Văn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/toi-dam-o-muon-thien-sinh-hoc-phai-nghien-cuu-ky-968645.html