Tôi đã vượt qua COVID-19 như thế nào ?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi đã chia sẻ những ngày bản thân anh đã chiến đấu và chiến thắng COVID-19. Anh đồng ý để Sức khỏe & Đời sống đăng 'nhật ký' những ngày khó khăn này (*)

COVID-19, một từ khóa ám ảnh. Đó là căn bệnh không loại trừ bất cứ ai. Hiểu rằng đây là mối quan tâm lớn của mỗi người, Sức khỏe & Đời sống sẽ lần lượt đăng những câu chuyện chiến thắng COVID-19 người thật việc thật. Qua đó mỗi chúng ta sẽ tự rút cho mình những kinh nghiệm và có thêm niềm tin về khả năng chiến thắng căn bệnh đã và đang phủ bóng đen u ám lên toàn thế giới.

10 ngày không thể nào quên trong cuộc đời

Hôm nay, tròn 1 tháng tôi được chữa khỏi COVID-19 và được ra viện. Tôi vẫn nhớ từng khoảnh khắc trong 10 ngày ở viện. Nó đã trở thành một phần cuộc sống của tôi. Một kỷ niệm buồn nhưng đã để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc, tính nhân văn, yêu thương bệnh nhân của các bác sĩ, y tá, hộ lý của bệnh viện truyền nhiễm TW Skopje, Macedonia.

Những khoảnh khắc đầu tiên nhập viện. Hoang mang, sợ hãi và trống rỗng...

Những khoảnh khắc đầu tiên nhập viện. Hoang mang, sợ hãi và trống rỗng...

Đồng hành cùng tôi phải kể đến bạn của tôi, bác sĩ Nguyễn Quang Thắng từ Việt Nam hàng ngày chat, gọi điện theo dõi tình hình hình sức khỏe, động viên tôi và gia đình.

54 tuổi tôi chưa một lần nằm viện, lần đầu tiên đi viện mà lại là do nhiễm COVID-19! Điều này làm cho tôi vô cùng hoảng sợ và lo lắng… Tôi được đặc cách cho ở một mình 1 phòng, phòng tôi nằm số 320 rộng rãi, tràn đầy ánh sáng, có toilet và tắm riêng rất sạch sẽ.

Nhớ tối đầu tiên nhập viện với một nỗi sợ hãi, lo lắng tột cùng… Sau khi nhận phòng, 2 y tá vào lấy ven cho tôi để truyền mà ven lặn đâu hết do stress. Hai cô tận tình chọc kim cả 2 cánh tay đến gần cả chục chỗ, cuối cùng thì cũng được 1. Tôi được cắm ống trợ thở vào mũi từ lúc này cho đến 2 hôm trước khi ra viện 24/24.

Đêm đầu tiên tại bệnh viện sau khi truyền thuốc, tôi hết sốt sau 10 ngày tại nhà sốt liên tục 38.5-38.9. Hết sốt người nhẹ hơn và tinh thần cũng sảng khoái hơn nhưng tôi vẫn mất ngủ cả đêm. Cứ ngủ chập chờn 1 giờ đồng hồ là lại tỉnh dậy.

Thời gian biểu trong bệnh viện

- 6h00 y tá tới thăm bệnh nhân, đo nhiệt độ, độ hòa tan oxy trong máu - điều này đặc biệt quan trọng đối với những người đang điều trị phổi. Chỉ số phải trên 90% mới được, của tôi luôn luôn 94%-96%.

Tôi được đặc cách truyền huyết tương hiếm để tăng kháng thể, chống lại COVID

- 7h00 là dọn vệ sinh và khử trùng phòng và nhà vệ sinh. Những người làm công việc này thật cần mẫn, trách nhiệm. Tiếng cười đùa của họ vang hành lang. Họ giải thích là vì quá căng thẳng bởi sức ép của công việc nên phải cố tình đùa nghịch cho giảm bớt stress.

- Tiếp theo bắt đầu điều trị bằng truyền 2 chai kháng sinh khác loại, uống một số thuốc bảo vệ dạ dầy và tiêm 1 mũi chống đông máu.

- 8h-9h ăn sáng. Đồ ăn thường là bánh mỳ, bơ, pho-mát và sữa chua. Có ngày có thêm trứng luộc. Người phát đồ ăn cũng rất tận tình, luôn hỏi thăm sức khỏe của tôi và nói vài câu chuyện ngắn để an ủi tôi.

- Từ 9h-10h là giờ bác sĩ chính thăm bệnh nhân và khám bệnh: Đo nhiệt độ, huyết áp, độ hòa tan oxy trong máu và nghe phổi bằng ống nghe. Những ngày đầu tiên tôi không thể hít sâu vào lồng ngực, hơi thở ngắn và cứ hít vào là ho. Bác sĩ nói tôi đã có vấn đề cả 2 lá phổi, chưa nghiêm trọng nhưng phải điều trị cấp tập để ngăn sự lan rộng của virus. Lại những khoảnh khắc lo âu…

Những đêm trắng với tôi và các bác sĩ, y tá trực...

- Từ 10h-13h thời gian tự do. Tôi chọn thời gian này để đi bộ quanh phòng, không dám ra ngoài hành lang vì cửa các phòng khác luôn mở để thông thoáng. Tôi sợ phải nhìn những cảnh bệnh nhân khác trong tình trạng nặng hơn tôi… Từ phòng của tôi luôn vọng sang các tiếng động của bệnh nhân từ các phòng khác…

- 13h là giờ ăn trưa. Món ăn bao giờ cũng có 2 món: 1 món súp loãng và 1 món thường là khoai tây nghiền với thịt gà. Thêm hoa quả hoặc quả chà là khô cho tráng miệng. Tôi thường ăn hết súp và 1/2 món chính vì ngày nào vợ tôi cũng nấu bữa trưa theo yêu cầu của tôi và mang vào cho tôi cùng nước quả ép, trà thảo mộc pha với mật ong để tôi uống cả ngày. Rất may là bệnh viện cho phép người nhà tiếp tế thực phẩm cho bệnh nhân. Điều này làm cho tâm lý bệnh nhân bớt cảm thấy cô đơn hơn…

- 14h-16h là giờ nghỉ ngơi sau bữa trưa. Tôi thường tranh thủ ngủ để bù lại cho tối ngủ ít. Rồi lướt Facebook, gọi điện, video call cho gia đình, bạn bè.

- 17h bắt đầu đợt truyền thứ hai với kháng sinh. Đến ngày thứ 4 thì tôi được đặc cách truyền một túi huyết tương - loại được chiết xuất từ máu của những bệnh nhân đã khỏi bệnh và có chỉ số kháng thể cao. Truyền huyết tương để tăng cường kháng thể. Huyết tương rất hiếm nên chỉ những trường hợp nặng mới được truyền.

Chậu cây cảnh là người bạn thường xuyên duy nhất của tôi mỗi ngày, đặc biệt là mỗi sáng sớm khi bình minh lên. Nó biểu hiện cho một sự sống bất diệt, động viên tôi rất nhiều

- 18h bệnh viện bắt đầu chìm vào yên tĩnh cùng với ráng chiều buông xuống. Thời gian này luôn cho tôi một cảm giác buồn mênh mang. Tôi thường đứng nhìn qua cửa sổ xuống dưới một sân chơi của trẻ em của một tòa nhà sát hàng rào bệnh viện và thầm hỏi “Liệu mình có thể một ngày nào đó ra lại bên ngoài thở hít tự do hay là không bao giờ?!”

- Buổi tối thường trôi qua rất nhanh, tôi đọc báo tin tức, xem thời sự Macedonia và Việt Nam qua điện thoại. Tôi không mang laptop vào bệnh viện vì không muốn mình mất nhiều thời gian vào màn hình.

- 21h-22h thường là bác sĩ trực và y tá đi khám lại một lần nữa trước khi ngủ. Suốt đêm cứ vài giờ y tá lại ghé qua chỉ để kiểm tra xem bệnh nhân có vấn đề gì không. 2,3 đêm liền tôi bị lên huyết áp 160/90. Lập tức được uống thuốc hạ huyết áp và an thần để ngủ cho ngon.

Từ 22h tôi cứ gà gật 1 giờ đồng hồ lại tỉnh một lần, đến tầm 0h00 thường bao giờ tôi cũng uống một cốc Kefir (một dạng sữa chua) tốt cho dạ dầy do chính tay vợ tôi làm tiếp tế từ ban ngày và nhâm nhi hạt hạnh nhân tươi đã bóc vỏ để có năng lượng, cũng chính tay vợ tôi bóc gửi vào.

Nếu không ngủ được thì bật VTVgo xem “Hướng dương ngược nắng” hoặc “Hương vị tình thân”… Thật may là có VTVgo đã đồng hành với tôi trong suốt 10 ngày tại bệnh viện! Tôi thường hay dậy và đi lại nhẹ nhàng, tránh tình trạng nằm bệt một chỗ, vừa hại người, vừa ảnh hưởng tâm lý…

Thời gian ban đêm đối với tôi là lúc đáng sợ nhất trong ngày, khi mà lý trí biết là phải ngủ để nạp năng lượng cho cơ thể, mà tôi thì lại không ngủ được. Mấy đêm đầu tôi bị stress nên các y tá phải cho thuốc an thần. Sau rồi cũng quen, tự nhủ không ngủ đêm thì ngủ ngày. Vợ tôi là người rất tâm lý, mỗi tối trước khi đi ngủ đều nói với tôi “em để chuông điện thoại, nếu anh không ngủ được thì cứ gọi em nói chuyện cho đỡ buồn”. Tôi không gọi một lần nào, biết rằng ban ngày cô ấy đã rất vất vả ngược xuôi. Cô ấy cần giấc ngủ hơn tôi!

Bữa trưa thường lệ: Súp, gạo nấu thành cháo với đùi gà, bánh mỳ và tráng miệng quả chà là khô

- 5h00 sáng trời bắt đầu hửng, vạn vật bắt đầu thức dậy. Tôi luôn nhìn chậu cây cảnh duy nhất treo ngoài ban công trước cửa sổ phòng tôi và “chào buổi sáng, bắt đầu một ngày chiến đấu mới nhé cây ơi!”. Cái ban công là nơi các y tá, hộ lý thường ra hút thuốc uống cà phê, tranh thủ những giây phút nghỉ hiếm hoi để trút bỏ bộ đồ bảo vệ mặc trên người trong suốt ca làm. Chỉ cách nhau có một bức tường giữa tôi với cuôc sống bên ngoài… Tôi từng phút từng giờ mong đến khoảnh khắc mà mình sẽ được “trả” lại tự do…

- Mặt trời dần dần lên, cảnh vật vắng lặng ban đêm dần dần thức dậy trong ánh nắng ban mai. Mỗi ngày lại một tia hy vọng sáng hơn. Tôi yêu những buổi sáng sớm nhất vì nó báo hiệu là đã thêm một ngày sức khỏe của tôi ổn định và tốt hơn, không bị xấu đi…

Hành lang tầng 3 tại bện viện truyền nhiễm. Sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều ánh sáng. Bệnh viện được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước thời Nam Tư cũ

Tôi rất nhớ ngày thứ 4 đặc biệt tôi được báo là sẽ được chụp phổi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần đi sang khu chụp chiếu ở tòa nhà khác trong viện, ai ngờ tầm 9h00 cô y tá gọi tôi ra hành lang. 3 chàng trai lực lưỡng chùm kín mít đứng cạnh một máy chụp phổi di động hiện đại, mới tinh ở hành lang và tiến hành chụp cho tôi ngay tại đây. Ngạc nhiên tột cùng bởi sự quan tâm tận tình của bệnh viện tới từng bệnh nhân. Trong suốt những ngày nằm viện, nhân sinh quan của tôi về cuộc sống đã có một sự thay đổi lớn. Trước hết là sự lạc quan, tin tưởng là mình sẽ khỏi bệnh, sẽ được quay trở lại với cuộc sống quí giá. Tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng tận hưởng cuộc sống hơn, sống cho bản thân, cho gia đình, bạn bè, xã hội… hơn là trước đây lúc nào cũng bận rộn, vất vả lo làm việc, công danh, sự nghiệp. Sẽ tự kiềm chế để giảm stress tới mức tối đa, sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, tập thể thao nhiều hơn để một mục đích duy nhất là sức khỏe phải thật tốt. Không có gì quý hơn sức khỏe !

Phòng của tôi tràn ngập ánh sáng, như tình cảm, tình yêu thương của bệnh viện và các bác sĩ, ý tá, hộ lý... dành cho tôi!

Tôi biết ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong suốt thời gian tôi nằm viện đã nhắn tin, gọi điện, video chat từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Macedonia và Việt Nam- đó là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho tôi để tự tin, lạc quan chiến đấu chống lại con cô-vi khủng khiếp.

Cho đến hôm nay tình trạng của dịch COVID ở Macedonia đã giảm đi rất nhiều, vaccine cũng đã được tiêm trên diện rộng toàn dân số. Tôi vô cùng mừng rỡ cho cuộc sống đã được hồi sinh, đặc biệt là mừng cho các cán bộ ngành Y sẽ được nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, bù lại một năm rưỡi quay cuồng chống dịch 24/24.

Tôi sẽ nhớ mãi nơi này, những ngày này…

(*) Title bài và các title phụ do Sức khỏe & Đời sống đặt

Lê Phi Phi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/toi-da-vuot-qua-covid-19-nhu-the-nao--n194449.html