Tôi đã vào nghề như thế!

Cho đến giờ tôi vẫn không dám nghĩ mình đã trở thành một PV của một tờ báo. Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, sự ủng hộ từ gia đình, giờ đây tôi đã phần nào có được sự tự tin về quyết định của chính mình…

Chuyển từ công việc ở Phòng Trị sự và trở thành PV tại phòng Bạn đọc của báo, quả thật đối với tôi không phải là chuyện dễ dàng. Chập chững bước đi ban đầu vào nghề, dù đã được công tác trong môi trường báo chí trong nhiều năm trời thế nhưng có vẻ mọi thứ không hề dễ dàng như tôi từng nghĩ. Từ cách tiếp cận nhân vật, sự kiện, đến việc xử lý thông tin viết bài, đối với tôi đều hoàn toàn lạ lẫm và mới mẻ.

Ngày đầu đi làm PV, đề tài tôi khai thác là về những người nông dân trồng quất trong dịp Tết. Tôi thật sự băn khoăn, không biết phải bắt đầu từ đâu, cần khai thác những số liệu gì khi gặp nhân vật. Cầm trên tay cuốn sổ nhỏ và chiếc điện thoại, tôi cảm thấy hồi hộp vô cùng. Cảm giác này, hoàn toàn khác lạ, nó cũng giống như cái thời mà tôi bắt đầu cầm trên tay bộ hồ sơ đi xin việc.

Không chỉ là cảm giác hồi hộp, mà bên trong tôi còn kèm những lo lắng, làm sao để hoàn thành bài viết của mình. Những câu hỏi cứ tự hiện ra trong đầu tôi: “Liệu có thể gặp được nhân vật không?”, “Sẽ phải hỏi họ những gì?”, rồi là “Có khi chẳng may hỏi thiếu thông tin thì khi về sẽ xử lý như thế nào?”,…

Với tôi việc được làm một PV là ước mơ đã trở thành hiện thực. Ảnh: Thanh Tuấn

Với tôi việc được làm một PV là ước mơ đã trở thành hiện thực. Ảnh: Thanh Tuấn

Cứ nghĩ tới nghĩ lui từ lúc lên xe, vậy mà cuối cùng khi đến nhà nhân vật cần trao đổi để lấy thông tin, tôi cũng chẳng biết mình nên làm gì trước, cứ chần chừ, loay hoay kiểm tra đồ dùng tác nghiệp mặc dù trên tay chỉ có mỗi cuốn sổ và chiếc điện thoại.

Có lẽ đọc được biểu hiện trên gương mặt tôi nên người đồng nghiệp đi cùng đã trấn an: “Cứ bình tĩnh! Lần đầu đi làm, ai cũng vậy hết. Cứ tập trung vào vấn đề mình cần hỏi, bám theo đề cương mà làm, thiếu đâu bổ sung đó, mà lúc phỏng vấn cứ linh hoạt vào, biết đâu mình lại gợi mở được những thông tin mà khi ở nhà chưa thể nghĩ tới, cứ làm đi rồi sẽ quen dần thôi!”. Nghe vậy, tôi cũng bớt phần bồn chồn, lo lắng.

Thời gian dần trôi qua, tôi cố gắng không làm nhân vật phân tâm trong quá trình phỏng vấn. Tôi yên lặng lắng nghe, ghi chép thông tin, đôi lúc đặt vài câu hỏi những chỗ tôi chưa hiểu để củng cố thêm cho bài viết của mình. Cuối cùng, quá trình phỏng vấn đã xong, tôi thở phào nhẹ nhõm cất sổ vào cặp và chuẩn bị đi về, bỗng nghe tiếng nói từ người đồng nghiệp đi cùng: “Ra vườn chụp hình đi thôi!”, lúc này tôi mới chột dạ về sự vô tâm của mình!

Thế rồi, loay hoay trong vườn quất, tôi tìm cách để chụp một bức ảnh báo chí. Nếu chỉ chụp một tấm ảnh bình thường, thì trước giờ tôi cũng chụp khá nhiều. Tuy nhiên, để chụp ảnh mang tính thời sự báo chí thì hoàn toàn khác.

Trên thực tế, đã có không ít những tấm ảnh tôi chụp đã không sử dụng được, vì mắc các lỗi: cắt cúp khuôn hình, góc chụp…Vậy là tôi phải nhờ người đồng nghiệp đi cùng chỉ cách chụp để tạo ra được bức ảnh có thể sử dụng hợp lý trong bài viết. Phải chụp đi chụp lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng có được tấm hình đươc cho là tàm tạm. Sau khi tạm biệt nhân vật được phỏng vấn, tôi cảm thấy vui mừng và nhẹ nhõm như trút được cả một gánh nặng đã đeo đuổi mình trong suốt những ngày nhận đề tài.

Thế nhưng đi được một quãng thì người đồng nghiệp đi cùng bảo: “Chiều mình gặp thêm một nhân vật nữa, rồi sẽ phỏng vấn thêm một số người tiêu dùng, rồi qua cơ quan chức năng hỏi một số vấn đề liên quan để có được thông tin đa chiều…”.

Chỉ mới vài phút sau khi cảm thấy nhẹ nhõm, cảm xúc trong tôi lại một lần nữa chùng xuống với sự lo âu. Chiều hôm đó, sau khi chuẩn bị xong, tôi cùng đồng nghiệp đến nhà anh nhân vật để tác nghiệp. Lo lắng là thế, tuy nhiên quá trình phỏng vấn mọi chuyện đều ổn, có lẽ do học theo cách hỏi thông tin trong cuộc phỏng vấn lúc sáng.

Dù còn nhiều câu hỏi của tôi chưa sâu, chưa trọng tâm phải để đồng nghiệp hỏi lại, nhưng tôi cũng tự cảm thấy hài lòng với chính mình và phấn khởi phần nào, vì lần đầu tiên tự mình có thể hoàn thành một cuộc phỏng vấn. Rồi cứ thế tôi dần hoàn thành những cuộc phỏng vấn nhân vật và cơ quan chức năng.

Sau khi đã có đầy đủ thông tin, với tôi, để tạo ra được bài viết hoàn chỉnh lại là một vấn đề khác. Tôi dành nguyên cả ngày hôm sau để viết bài, bắt đầu từ buổi sáng, kéo dài đến tận chiều, vật lộn mãi cuối cùng rồi cũng xong. Tôi mừng rỡ gửi tòa soạn tác phẩm đầu tay của mình. Bài viết của tôi sau khi được gọt giũa, trau chuốt qua các khâu biên tập, đã được sử dụng. Nhìn bài viết cùng tên mình bên dưới phần tác giả, tôi cực kì vui sướng, cảm xúc thật sự vỡ òa. Có lẽ những cảm xúc này, tôi sẽ gom nhặt và sắp xếp thật ngăn nắp trong kí ức của mình. Để rồi thời gian có qua đi, tôi sẽ vẫn lưu giữ những gì đẹp nhất về kỷ niệm lần đầu tác nghiệp khi bước vào công việc của PV báo PL&XH...

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/toi-da-vao-nghe-nhu-the-155774.html