'Tôi có 100 triệu chứng khi mắc Covid-19'

Dù tính mạng không còn bị đe dọa, Anne E. Wallace, giáo sư người Mỹ, vẫn bị các cơn đau dai dẳng hành hạ cơ thể, theo HuffPost.

Covid-19 ập đến gia đình tôi cách đây 1 năm, khi Molly, con gái 16 tuổi của tôi, bị ho. Ngày 17/3/2020, các triệu chứng bệnh của tôi bắt đầu xuất hiện.

Molly bình phục gần như hoàn toàn sau 3 tuần, nhưng tôi vẫn ốm yếu. Tôi trở thành bệnh nhân mắc Covid-19 kéo dài.

Triệu chứng dai dẳng

Ngày 1/1/2021 đặc biệt khó khăn đối với tôi: khớp, cơ bắp đau nhức đến mức khó chịu, cộng thêm nhịp tim nhanh, khó thở ngắt quãng, các vấn đề về tiêu hóa, đau nửa đầu, choáng váng và mệt mỏi.

Ban ngày, tôi cảm thấy rất tệ. Nhưng đêm về, tình trạng sẽ còn nghiêm trọng hơn. Đó là điều luôn xảy đến với tôi và nhiều người bị virus SARS-CoV-2 tấn công khác.

Khi đặt lưng xuống giường, tai tôi ù đi, cánh tay đau nhói. Tôi ngủ li bì và bắt đầu đau nửa đầu từ khoảng 2-4 tiếng trước khi thức dậy.

 Lần cấp cứu thứ 5 do Covid-19 của Ann E. Wallace vào tháng 7/2020.

Lần cấp cứu thứ 5 do Covid-19 của Ann E. Wallace vào tháng 7/2020.

Vì vậy, tôi được nhen nhóm hy vọng khi TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) thuộc Viện Y tế Quốc gia (NIH), chính thức xác định hội chứng xảy đến với nhiều người từng mắc Covid-19 là Di chứng cấp tính của SARS-CoV-2 (PASC). Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố thông tin về bệnh Covid-19 kéo dài.

Sự chăm sóc y tế tôi tìm kiếm suốt nhiều tháng cuối cùng cũng đến.

Tôi từng cố gắng duy trì suy nghĩ lạc quan trong gần 1 năm sống chung với Covid-19. Và tôi không hề đơn độc.

Giữa tháng 2, nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open chỉ ra rằng 30% người mắc Covid-19 gặp phải triệu chứng dai dẳng, kéo dài tới 9 tháng sau khi khỏi bệnh. Điều này xảy ra ngay ở những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

Một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 12/2020 ước tính rằng những người mắc Covid-19 kéo dài trải qua hơn 200 triệu chứng trên khắp cơ thể, có thể kéo dài tới 7 tháng.

Bản thân tôi trải qua khoảng 100 triệu chứng, từ tức ngực, giảm oxy huyết, ngứa, tê ở tay và chân, đau cơ, nhức khớp, sương mù não, suy giảm trí nhớ, kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất, đến mất ngủ và gặp ác mộng.

Việc thức dậy, tắm rửa và mặc quần áo hàng ngày là quá trình đau đớn, kéo dài hàng giờ đồng hồ, khiến tôi bị khó thở. Cứ đến chiều muộn, tôi lại cần chợp mắt và hiếm khi đủ sức để nấu bữa tối. Dù tính mạng không còn bị đe dọa, các cơn đau hoành hành khắp cơ thể khiến tôi không thể bình phục hoàn toàn.

Ann E. Wallace và con gái Abigail trượt tuyết vào tháng 2/2020, chỉ vài tuần trước khi cô mắc Covid-19.

Hy vọng

Khi nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tháng 3/2020, tôi không thể lường được rằng mình vẫn bị căn bệnh hành hạ 1 năm sau đó.

Với hơn 500.000 ca tử vong do Covid-19 gây ra ở Mỹ, tôi biết ơn vì mình vẫn còn sống. Tuy nhiên, bệnh Covid-19 kéo dài khiến tôi ngày càng lo ngại mình có thể không bao giờ khỏe lại hoàn toàn.

Các đợt tái phát và triệu chứng mới cứ kéo đến triền miên. Tôi cảm thấy mình nằm trong số người tiên phong, trải qua sự hành hạ của các triệu chứng, tình trạng thiếu thốn giường bệnh và phương pháp điều trị.

Tôi cùng nhiều người khác tích cực chia sẻ thông tin, đồng thời thành lập cộng đồng hỗ trợ trực tuyến trong khi chờ đợi và hy vọng sức khỏe được cải thiện.

Có thời điểm, tôi nằm liệt giường trong gần 2 tháng, nhưng vẫn cảm thấy được tiếp thêm sinh lực nhờ sự tận tâm của đội ngũ chăm sóc y tế cho mình.

Ann E. Wallace tập phục hồi trên máy chạy bộ tại New York ngày 3/3.

Bác sĩ chăm sóc chính đảm bảo tôi luôn có đủ oxy để sử dụng tại nhà. Tôi có thể nhắn tin cho y tá trong trường hợp khẩn cấp. Trong nhiều tuần, nhân viên phụ trách y tế ngày nào cũng gọi điện để kiểm tra tình trạng của tôi.

Tháng 5/2020, bác sĩ xác định tôi là một trong số người gặp di chứng sau khi khỏi Covid-19. Anh ấy giới thiệu tôi với TS Noah Greenspan và nhà vật lý trị liệu Marion Mackles để tập phục hồi chức năng phổi.

Trong gần một năm, họ tiếp xúc với những người người mắc Covid-19 kéo dài, lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia khác và đưa ra các quy trình phục hồi chức năng cho từng cá nhân.

Mùa thu năm ngoái, bác sĩ Greenspan mời tôi tiếp tục tập phục hồi chức năng tại chỗ, thông qua phương pháp tiếp cận phù hợp với cơ thể của tôi - vốn bị rối loạn chuyển hóa máu và hội chứng nhịp tim nhanh tư thế (POTS). Tuần trước, tôi đã cải thiện 96% khả năng tập luyện trên máy chạy bộ so với lần kiểm tra đầu tiên vào tháng 11/2020.

Dù xuất hiện hàng loạt triệu chứng mới, khả năng tự chữa lành của tôi đang được kích hoạt lại.

Những người mắc Covid-19 kéo dài thường cảm thấy bị phớt lờ. Một số chia sẻ các triệu chứng mình gặp phải trong các nhóm trực tuyến mà không dám nói với gia đình, bạn bè vì sợ không được tin tưởng hoặc lắng nghe.

Tôi nhận ra mình may mắn khi có các bác sĩ chăm sóc cũng như bảo hiểm y tế hỗ trợ. Hầu hết bệnh nhân Covid-19 kéo dài không được tiếp cận với mức độ chăm sóc này.

Một năm là khoảng thời gian dài khi phải chịu đựng cảm giác đau đớn và bấp bênh. Thế nhưng, tôi từng sống sót sau khi mắc ung thư buồng trứng ở độ tuổi 20 và sống chung với bệnh đa xơ cứng hàng chục năm qua. Do đó, Covid-19 kéo dài không phải là cơn ác mộng mới đối với tôi.

Điều khác biệt là sự hoài nghi về di chứng dai dẳng của Covid-19. Thực tế, nhiều bệnh nhân không được bác sĩ tin tưởng rằng họ vẫn còn bị bệnh hành hạ. Người nhà cũng không đủ kiên nhẫn để lắng nghe họ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên cường. Và sự kiên trì đó đang được đền đáp.

Chúng tôi kể câu chuyện của mình trên truyền thông, tham gia vào các nghiên cứu và thực hiện khảo sát. Nhiều nhóm đã và đang đấu tranh cho các nguồn lực mà chúng tôi cần, như việc thành lập các phòng khám trên khắp nước Mỹ để giúp bệnh nhân phục hồi sau Covid kéo dài.

Cuối cùng, căn bệnh chúng tôi mắc phải được gọi tên chính chính thức là PASC. Các bệnh nhân bắt đầu nhận được sự quan tâm của NIH và WHO.

Với ngân sách hỗ trợ, các nghiên cứu về cơ chế phát sinh PASC sẽ được bắt đầu với mục đích tìm ra phương pháp điều trị.

Một năm trôi qua kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều người mất việc làm và không có bảo hiểm y tế, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tàn tật hoặc thất nghiệp, đang phải vật lộn để chăm sóc gia đình. Trên hết, họ không thể tìm thấy sự chăm sóc y tế mà họ cần.

Không có gì lạ khi nhiều người đã từ bỏ hy vọng. Giữa sự hỗn loạn và mất mát của đại dịch, đã có lúc chúng tôi bị bỏ rơi. Nhưng cuối cùng, chính phủ và cơ quan y tế đã quan tâm tới bệnh nhân Covid-19 kéo dài. Ai cũng đều xứng đáng nhận được sự trợ giúp để phục hồi.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-co-100-trieu-chung-khi-mac-covid-19-post1193622.html