'Tôi chưa từng thấy thứ gì như vậy'

Đến giờ, ở nhiều nơi, người dân vẫn vật lộn để gây dựng lại cuộc sống. Nhưng ở một số nơi, cây xanh đã bắt đầu nảy mầm dù tương lai còn nhiều bất trắc.

Vào tối 30/12/2019, Ron Corby, 88 tuổi, đi ngủ ở Cobargo, một ngôi làng nằm tại bờ tây nam Australia. Nhưng khoảng 2h30 sáng, con gái ông gọi điện, bảo ông lập tức sơ tán khỏi nơi ở.

Trong vòng vài phút, con gái ông đã lái xe đến bên ngoài, ngọn lửa sắp lan đến sát. Ngôi nhà của cô, vốn chỉ cách đó vài cây số, cũng đã cháy thành tro.

Ông Corby đã sống ở Cobargo suốt nhiều thập kỷ. Là một nông dân, ông đã trải nghiệm mọi loại hình thời tiết khắc nghiệt của Australia, từ hạn hán, đến lũ lụt và cháy rừng. Nhưng ông chưa từng thấy thứ gì như những ngọn lửa khủng khiếp quét qua thị trấn của mình vào đêm giao thừa năm 2020, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó, trong đó có nhà của ông.

Đám cháy thảm họa

Một năm trước, đám cháy thảm họa lan rộng ở Australia đã khiến 33 người thiệt mạng, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và giết chết hơn một triệu động vật. Hơn 3.000 người đã mất tài sản, nhà cửa. Gần 42 triệu héc-ta đã cháy rụi, trong đó có những khu rừng mưa và hệ sinh thái đặc hữu, đẩy những loài vật vốn đã bị đe dọa đến bờ vực tuyệt chủng. Các nhà khoa học mô tả những đám cháy là ví dụ đáng ngại và vô tiền khoáng hậu về thảm họa do biến đổi khí hậu.

Trong một buổi phỏng vấn, Corby kể lại: "Ngọn lửa đó nóng hơn bất cứ thứ gì. Tôi thấy vành nhôm của xe tan ra và chảy xuống cống như nước. Lửa bao vây mọi góc, tạo thành những cơn gió lửa xoáy".

David Bowman, giáo sư địa nhiệt và lửa học tại Đại học Tasmania, Australia, cho biết bản thân mùa đó đã rất khắc nghiệt, do hạn hán kéo dài và nhiệt độ cao hơn trung bình. Ông nói: "Đất đai và cây cối khô cằn đến mức chỉ cần một tia lửa nhỏ là sẽ bốc cháy. Sự biến đổi khí hậu đã mang lại một mùa cháy mà chưa ai từng nghĩ tới, chưa ai có thể tưởng tượng ra".

 Ngọn lửa thiêu rụi công viên quốc gia Wadbilliga (New South Wales) và thị trấn vùng Cobargo, Australia. Ảnh: National Geographic.

Ngọn lửa thiêu rụi công viên quốc gia Wadbilliga (New South Wales) và thị trấn vùng Cobargo, Australia. Ảnh: National Geographic.

Khi hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến những sự kiện trên trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, người dân Australia sẽ phải có nhiều biện pháp thích ứng mạnh mẽ hơn - trong đó có việc cân nhắc lại nơi ở và cách quản lý môi trường xung quanh - để có thể đương đầu với những mùa cháy trong tương lai.

Một cuộc truy vấn độc lập vào tháng 10/2020 cho thấy chính phủ liên bang cần có vai trò lớn hơn trong việc phản ứng với những đám cháy ở cấp độ quốc gia, và tuyên bố rõ Australia cần cân nhắc yếu tố biến đổi khí hậu trong quá trình hoạch địch.

Bầu trời màu đỏ máu

Những đám cháy thuộc cấp độ tàn phá lớn nhất mùa 2019-2020 bùng lên và lan khắp các bang New South Wales, Victoria vào sáng sớm năm mới. Khói và lửa khiến bầu trời buổi sáng chuyển từ đỏ máu sang đen ngòm, hút hết oxy của không khí và khiến chim chóc chết hàng loạt.

Cả thế giới dõi theo những bản tin cập nhật liên tục, trong đó có cảnh tượng những du khách mắc kẹt trên bãi biển vây quanh bởi lửa dữ. Quân đội được điều động cho một trong những chiến dịch lớn nhất thời bình, lính cứu hỏa từ nhiều quốc gia bay đến Australia để tham gia hỗ trợ.

Đám cháy khiến bầu trời chuyển màu đỏ máu. Ảnh: Boston Globe.

Những ngôi làng có lịch sử lâu đời như Cobargo, nằm rải rác trên bờ đông nam Australia giữa Melbourne và Sydney, nằm trong số bị thiệt hại nặng nề nhất. Đầu năm 2020, nhiếp ảnh gia Gideon Mendel (sống tại London, Anh) đã tới Cobrgo và các thị trấn bị lửa tàn phá để ghi lại những mất mát không thể bù đắp của người dân, bằng cách ghi lại chân dung người có nhà cửa bị tàn phá đứng giữa đống đổ nát.

"Chúng tôi không bao giờ muốn thấy lại cảnh tượng này", Corby nói với Mendel vào tối mất sạch nhà cửa và tài sản. Tổng cộng, bảy ngôi nhà của ba thế hệ trong gia đình ông đã bị thiêu rụi.

Cũng vào tối hôm đó, ngày 30/12, khi Corby chuẩn bị đi ngủ ở Cobargo, Jenni Bruce - một nghệ sĩ sống tại Upper Brogo cách đó 17 km - đang lái xe về nhà sau khi đến thăm một người bạn. Đó là lúc cô thấy quầng đỏ đáng sợ ở chân trời.

"Đó không phải là một đường lửa cháy, mà là một con quái vật nuốt chửng đất", Bruce (65 tuổi) cho biết. Cô đã có hơn 30 năm phục vụ trong đơn vị phòng cháy chữa cháy ở New South Wales. "Tôi chưa từng thấy thứ gì như vậy" - bà nói với Mendel.

Thay vì về nhà, Bruce quay ngược lại và lái xe đến điểm trú ẩn ở Bermagui - một thị trấn ven biển, nơi hàng nghìn người cùng gia đình và thú cưng đang tập trung, chờ đợi tin tức về ngôi nhà và những người thân của mình.

Hai ngày sau, khi Bruce quay lại nhà mình - nơi từng có một khu vườn trù phú đầy việt quất và những bức tranh cô vẽ suốt hai năm qua, cô khóc thét lên. Tất cả, trừ ống khói, một bức tượng và một bánh xe cầu nguyện, đã cháy thành tro. "Mọi thứ biến mất" - cô nói, "Bị xóa sổ".

Loạt ảnh ghi lại cuộc sống của người dân Australia sau đám cháy của nhiếp ảnh gia Gideon Mendel.

Tương lai bất định

Đến tháng 3/2020, nhiều bang Australia áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Những nạn nhân của thảm họa cháy rừng cho biết họ cảm thấy bị cô lập và lãng quên hơn. Nhiều người vẫn sống trong lều, trong xe RV ở khu đất của mình, trong lúc cố gắng xây lại nhà.

Năm nay, các đám cháy rừng được dự đoán sẽ không quá nghiêm trọng, do thời tiết sẽ có nhiều mưa hơn trung bình, đặc biệt là ở khu phía đông Australia. Nhưng quốc gia này ngày càng nóng và khô hơn trong những năm tới, và các nhà khoa học cho rằng sẽ có những mùa cháy tương tự 2019-2020.

Richard Thornton cho rằng những đám cháy năm ngoái là "chưa từng xảy ra", nhưng có thể sẽ trở thành chuyện thường xuyên trong nhiều năm nữa. Ông là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phối hợp về cháy rừng và thiên tai, đơn vị tiến hành nghiên cứu về các thảm họa tự nhiên khắp Australia. "Các cộng đồng sống ở khu vực bị cháy, mà nói thật là ở khắp Australia, cần được chuẩn bị để đối mặt với biến đổi khí hậu".

Vài tháng sau ngọn lửa, những mầm xanh đã mọc lên ở New South Wales, nhưng mọi thứ không bao giờ có thể trở lại như trước. Ảnh: National Geographic.

Với những người đã mất nhà cửa, việc phải học cách sống chung với biến đổi khí hậu thật đáng buồn. Suốt nhiều tháng trời, Bruce phải cắm trại trên đất của mình trong lúc xây lại nhà cửa. Dù khu vực này vẫn có nguy cơ cháy, cô bảo sẽ không bao giờ rời đi, vì như thế khác nào bỏ rơi một người bạn đang ốm.

Cô nói: "Cây cối sẽ trở lại, nhưng mọi thứ sẽ khác đi. Có thể, thời của tôi sẽ không thấy lại, nhưng con cháu tôi sẽ thấy một khu rừng".

An Ngọc

Theo National Geographic

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-chua-tung-thay-thu-gi-nhu-vay-post1179412.html