Tôi chọn jeans rách: Khi 'bánh bèo' phá cách

'Nàng' – đó là cách mà tôi gọi mẹ, nàng 'xì tin' đến mức, không ngại đi theo những xu hướng thời trang hot 'điên đảo' mà người trẻ đua nhau diện. Và trước khi tôi yêu thích quần jeans rách, thì từ hồi 'nàng' còn son trẻ đã từng diện những chiếc quần jeans với kiểu cách khác nhau.

Nhưng hồi đó, mới chỉ gọi là đang "thai nghén" với những vết cào, xước... chứ không kiểu rách te tua như hiện nay.

Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh những chiếc jeans rách đã xuất hiện từ lâu. Mỗi lần nhìn thấy ai mặc quần rách, tôi nghĩ hẳn người đó có cá tính mạnh, phải thật ngầu thì mới lên đồ “chất” đến thế. Không ngờ rằng, có thời điểm tôi lại mặc chiếc quần jeans rách te tua. Phải chăng, nó là sự mong muốn phá cách trong mỗi con người. Thật khó để tin được, một cô nàng hiền lành, bánh bèo lại có lúc muốn nổi loạn, mạnh mẽ, muốn mình trở nên bụi bặm.

Nó mới lạ, nó trẻ trung, nó cho người ta cảm giác khác biệt nên người ta đôi lúc biết là không đáng, biết là không nên nhưng vẫn thèm muốn… và thậm chí là nhất định phải có. Đôi lúc sự phá lệ làm người ta trở nên mới mẻ và duyên dáng đến kì lạ, đem lại làn gió mới cho cuộc sống.

Mỗi lần đi ngang qua dãy cửa hàng lung linh, tôi đôi lần không kìm chế được lại đem về một chiếc quần jeans rách. Tôi vẫn thích mặc jeans rách với áo phông hoặc blazer không cài khuy dạo bước trên phố với nắng và gió, tôi vẫn thấy mình nữ tính và năng động.

Những chiếc quần bò rách được ưu chuộng đến mức không thể thiếu trong tủ đồ mỗi người.

Những chiếc quần bò rách được ưu chuộng đến mức không thể thiếu trong tủ đồ mỗi người.

Không khó để nhận ra quần bò rách là xu hướng thịnh hành trong làng thời trang thế giới. Chúng ta có thể thấy người diện những chiếc quần “không lành lặn” như thế ở bất kỳ đâu, trên đường phố, trong giảng đường, trường học, những nhà hàng sang trọng hay chỉ là những quán xá vỉa vẻ đầy mùi dầu mỡ.

Và cũng có thể gọi tên chiếc quần rách một cách ngọt ngào hơn như “cục cưng” của thời trang thế giới. Từ những sao hạng A châu Âu, những idol châu Á đến những hot boy, hot girl trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam đều “cưng sủng” kiểu quần này.

Ai nói jeans rách chỉ dành cho giới trẻ ăn chơi? Kể cả những người trưởng thành đã đi làm hay những người có tính cách bánh bèo đều có thể mix- match quần rách với nhiều item khác, để tạo ra một diện mạo mới cho mình.

Tại thời điểm denim rách được khai sinh, chúng ta lần lại thời điểm mà jeans cổ điển ra đời. Chúng chào đời vào năm 1873 do một nhà thiết kế người Đức là Loeb Strauss tạo ra, đó cũng là một trong hai người cha, bên cạnh Jacob Davis khai sinh ra thương hiệu Levi’s – kẻ khổng lồ trong lĩnh vực jeans/denim. Strauss đã sử dụng vải cotton dệt chéo go với độ bền cao, lúc đó, những chiếc quần jeans được nhuộm thành màu xanh sẫm, trầm tối để phù hợp với người lao động.

Sau gần một thế kỷ, tại thời điểm thập niên 1970, những người trẻ nổi loạn đã khai sinh ra một item cực hot đó chính là jeans rách, một biểu tượng gắn liền với sự phá cách, phóng khoáng. Họ mua những chiếc quần bò cổ điển về rồi tự cắt, rạch, mài tùy theo sở thích của mỗi người. Điều này đã tạo nên một cơn sốt trong giới thời trang và ngay lập tức được các nhà thiết kế đón đầu, sản xuất hàng loạt những chiếc jeans rách cực “cool ngầu”.

Jeans rách được khai sinh bởi những người trẻ có cá tính mạnh, thích sự phóng khoáng, mạnh mẽ, nổi loạn.

Jeans rách xước chính là một định nghĩa hoàn hảo cho kiểu ăn mặc “muốn hở lại muốn không hở”, “sợ hở nhưng lại không thích kín như bưng”. Đằng sau những vết rách là phần da thịt lấp ló, không tạo sự phản cảm mà còn được nhìn nhận như một sự phá cách, sành điệu sau khi bạn đã phát ngán với những chiếc jeans trầm cổ điển.

Để tạo ra những chiếc quần jeans rách thời thượng là cả một quá trình từ lên ý tưởng thiết kế cho đến các công nhân xưởng phải xé rách sao cho giống với bản mẫu, và nghiễm nhiên quá trình để tạo rao một chiếc quần rách sẽ mất nhiều thời gian hơn những chiếc quần “lành lặn”, theo đó mà giá thành của jeans rách sẽ cao hơn một chút so với jeans thường.

Những mẫu jeans rách theo nhiều kiểu: mài xước không hở, rách xước và hở, rách nhưng không hở, rách “te tua”, rách mảng lớn, rách từ trên xuống dưới, khoét nhiều mảng để lộ da – cái mà chúng ta hay gọi là “quần què”.

Jeans rách có thể coi là “vũ khí tối thượng” ngang ngửa jeans cổ điển, bởi khả năng phối đồ siêu chuẩn của nó, thậm chí quần rách còn tạo nên điểm nhấn hơn cả jeans thường.

Nếu bạn không thích kiểu jeans rách nhiều, thì những chiếc quần mài nhẹ, tỉa gấu sẽ là một sự lựa chọn phù hợp. Kết hợp cùng một chiếc phông trắng và đôi sneaker sẽ tạo ra một diện mạo đầy năng động, nhẹ nhàng. Lối kết hợp này sẽ phù hợp với các bạn học sinh, sinh viên.

Nếu bạn thích sự an toàn nhưng vẫn cá tính thì có thể kết hợp jeans rách với áo phông rộng và sneaker, tạo nên một cảm giác về sự trẻ trung và năng động.

Hay bạn muốn trở nên thanh lịch hơn một chút thì có thể kết hợp với áo sơ mi, sơ vin phần trước, buông thụng phần sau, đi cùng một đôi giày gót thấp…

Kết hợp jeans cùng một chiếc tank top và đôi boost thấp cổ cũng là một kiểu kết hợp an toàn mà trông vẫn mạnh mẽ, năng động.

Xu hướng chỉ là nhất thời, quần jeans rách cũng vậy. Chúng ta không thể phủ nhận độ phủ sóng rộng rãi của quần jeans trên thị trường thời trang thế giới, nhưng jeans rách ngày nay đang đứng trước rất nhiều đối thủ là những kiểu jeans biến thể khác, như jeans tỉa gấu, jeans không gấu, jeans thêu,… thì một câu hỏi đặt ra là liệu jeans rách sẽ đánh mất vị thế vốn được rất nhiều người “cưng sủng” không?

Tôi nghĩ rằng, dù có bị tước đi vị thế theo vòng chuyển động ngẫu nhiên của thời trang, thì những chiếc jeans rách vẫn sẽ giữ vững được thương hiệu của nó, chúng là thương hiệu của những con người cá tính mạnh, điều mà kể cả những kiểu jeans khác sau này không thể nào tạo nên được.

Hà Trang

Ảnh: Mai Linh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/toi-chon-jeans-rach-khi-banh-beo-pha-cach-a369114.html