'Tôi chỉ mong có căn nhà an toàn để khỏi lo chạy lũ'

'Thiên tai phải chấp nhận thôi, nhưng mong được hỗ trợ xây nhà an toàn để sống những năm cuối đời không còn chạy lũ cả đêm nữa', người vùng lũ Quảng Bình mong mỏi.

Nằm cạnh hai con sông Kiến Giang và Cẩm Lệ, phía sau là phá Hạc Hải, nhiều đời nay xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) được xem là rốn lũ với địa thế thấp trũng, không có gì che chắn. Gần như năm nào người dân xã Sơn Thủy cũng gánh chịu lũ lụt, ngập úng nên họ cũng đã có kinh nghiệm nhất định để ứng phó với từng đợt thiên tai.

Thế nhưng, trận lũ lịch sử tháng 10 vừa qua đã vượt mọi dự tính và kinh nghiệm thích nghi của họ. Lũ rút, khung cảnh còn lại là cảnh xơ xác, tan hoang, toàn bộ tài sản bị cuốn theo dòng lũ đục ngầu.

4 tháng sau lũ, hàng nghìn hộ dân đã dần tái thiết lại cuộc sống. Những mảng bùn non đặc quánh, phủ kín cả đồng ruộng, con đường nay đã thay bằng màu xanh của ruộng lúa, nương ngô xanh mơn mớn. Nhưng với họ, ước mơ lớn nhất bao đời nay là xây được những căn nhà kiên cố, cao ráo để có nơi trú ngụ ngày lũ về.

Trắng tay sau lũ

Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, trống rỗng, bức tường phía sau bị sóng đánh vỡ chưa kịp sửa sang, bà Võ Thị Thạnh (67 tuổi, thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy) xót xa khi nơi trú ngụ hơn nửa đời người của bà đang phải bịt tấm bạt tạm để tránh từng đợt gió mùa.

“Nhà tôi nằm sát với đầm phá nên vào mùa lũ gió mạnh, sóng to lắm, cánh cửa bị giật tung hết. Nếu không có lũy tre quanh vườn chắc căn nhà cũng đã sập rồi. Các vật dụng trong nhà bị nước lũ làm hư hại hết”, bà Thạnh nói.

Căn nhà của bà Thạnh tan hoang sau trận lũ. Ảnh: Phạm Trường.

Căn nhà của bà Thạnh tan hoang sau trận lũ. Ảnh: Phạm Trường.

Vợ chồng bà Thạnh có 5 người con, họ đều đã lập gia đình và sinh sống ở xa nhưng chẳng khấm khá hơn. Chồng mất nhiều năm nay, trước lũ, người con trai của bà cũng qua đời trong lúc đi kiểm tra lưới điện khiến cuộc sống của người phụ nữ càng khó khăn hơn.

Cuộc sống bà Thạnh không có gì ngoài hai sào ruộng lúa lúc được vài tạ thóc, có lúc lại chẳng còn cái ăn. Thế nhưng, đợt lũ vừa qua đã cuốn trôi tất cả. Trở về nhà sau những ngày tránh lũ tại nhà văn hóa thôn, bà đau đớn khi toàn bộ tài sản đã bị dòng lũ nhấn chìm, trơ trọi dưới lớp bùn dày nửa gang tay. Căn nhà cấp 4 là thứ duy nhất bà có cũng đã đổ sập một phần tường, hở hàm ếch nền móng vì sóng lớn xô đẩy.

“Thiên tai đành phải chấp nhận chứ biết làm sao, nhưng mong được hỗ trợ xây nhà an toàn để sống những năm cuối đời không phải chạy lũ cả đêm nữa”, bà Thạnh mong mỏi.

Bà Thạnh bần thần nghĩ lại ngày chạy lũ chỉ kịp thoát thân. Ảnh: Phạm Trường.

Nửa đời người sống giữa vùng đất lũ, bà Thạnh nói rằng chưa bao giờ chứng kiến cảnh nước dâng triền miên và lớn đến như thế. Không còn nhớ mình đã chạy lũ biết bao lần suốt hơn 60 năm qua nhưng với bà, cuộc đời đã gắn với hình ảnh nước ngập mái nhà, bà chỉ mong có được căn nhà kiên cố để không còn cảnh nước chưa lên đã phải tháo chạy cả đêm.

Còn tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) – nơi đây cũng được xem là vùng rốn lũ của huyện với địa thế thấp trũng, đón lũ, bên cạnh là dòng Kiến Giang. Cũng như các địa phương khác của dải đất miền Trung, người dân xã Hiền Ninh dù đã quen sống với cảnh lũ lụt, nhưng đợt lũ lịch sử kéo dài gần 2 tuần hồi tháng 10 vừa qua khiến họ không kịp trở tay.

Bà Vang rơi nước mắt khi nhớ lại cảnh dỡ ngói giữa đêm để kịp thoát thân. Ảnh: Phạm Trường.

Nhớ lại đợt lũ lịch sử, bà Đỗ Thị Vang (70 tuổi, thôn Tân Hiền, xã Hiền Ninh) không cầm nổi nước mắt mà chỉ biết thốt lên: “Quá khủng khiếp, mưa lũ triền miên, cả đời tôi chưa từng chứng kiến đợt lũ lớn như thế. Nước dâng quá nhanh, con tôi phải dỡ ngói đưa mẹ qua nhà hàng xóm chạy lũ”.

Người phụ nữ đã ngoài 70 kể chồng mất sớm, bà sống cùng người con trai đã gần 40 tuổi chưa lập gia đình vì cái nghèo cứ bám riết lấy họ. Cuộc sống khó khăn, bà lại đau ốm thường xuyên với căn bệnh thoái hóa khớp nên mọi gánh nặng đặt lên người con trai không có việc làm ổn định.

Với bà, căn nhà xây bao cũ kỹ từ những năm 1980 là tài sản duy nhất. Thế nhưng, đợt mưa lũ vừa qua khiến khối tài sản còn lại xuất hiện những vết nứt lớn, dài cả mét, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Bà Vang đang phải sống tạm trong căn nhà tốc mái, dọa đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Phạm Trường.

“Lũ về nhỏ thì còn lên gác chứ lũ lớn như đợt rồi thì chỉ có mở ngói mà chạy thoát thân thôi. Giờ nhà cửa thế này không ở không được, ở lại không biết đổ sập lúc nào. Tôi chỉ mong được hỗ trợ xây căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt để còn có chỗ mà trú tránh, cất ít bao lúa khi lũ về…”, bà Vang nói.

Mở rộng đối tượng, tăng nguồn kinh phí xây nhà vượt lũ

Chia sẻ với Zing, ông Dương Văn Thoại, cán bộ chính sách xã Sơn Thủy nói rằng hiện toàn xã có 10 thôn với hơn 2.100 hộ dân. Đợt mưa lũ vừa qua làm ngập gần như toàn bộ thôn, trong đó hộ ngập sâu nhất đến gần 3 m. Tuy nhiên, đến nay xã chỉ có 29 nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã và đang được xây dựng.

“Để có những căn nhà này, ngoài nội lực của người dân, còn nhờ nguồn hỗ trợ theo dự án xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt của Quỹ khí hậu xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Mỗi căn nhà an toàn có thể giúp thêm những nhà bên cạnh trú tránh bão, lũ đem lại cảm giác yên tâm, an toàn khi mùa lũ đã tới gần”, ông Thoại cho hay.

Còn ông Lê Hoài Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Hiền Ninh, nói rằng người dân địa phương rất mong được hưởng chương trình xây nhà phòng chống bão lũ.

“Nhà an toàn chống chịu bão, lụt là rất cần thiết cho người dân vùng lũ, địa phương mong muốn chính sách hỗ trợ sẽ được mở rộng ra đối tượng và cả nguồn kinh phí. Hiện việc xét hỗ trợ chỉ dự vào các hộ nghèo và cận nghèo, song còn rất nhiều trường hợp vùng ven sóng lũ, gia đình khó khăn, người có công nên nếu được mở rộng đối tượng hưởng chính sách này sẽ rất hiệu quả”, ông Vũ nói.

Theo một đánh giá gần đây của UNDP và Bộ Xây dựng, nhu cầu xây dựng nhà an toàn an toàn tại 28 tỉnh ven biển là rất lớn, lên tới 109.211 ngôi nhà, trong đó có 24.884 ngôi nhà thuộc diện cần được hỗ trợ ngay để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Điều này cho thấy mạnh sự cần thiết phải nhân rộng các mô hình nhà an toàn có khả năng chống chịu bão, lụt ở Việt Nam, đặc biệt là cho người nghèo và cận nghèo ở 28 tỉnh ven biển. Điều này đòi hỏi nỗ lực phối hợp của Chính phủ, khu vực tư nhân, các cá nhân và các đối tác phát triển.

“Chúng tôi tin rằng càng nhiều ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt được xây dựng, càng ít người bị thiệt hại và mất mát, và với những ngôi nhà an toàn cũng như tài sản được bảo vệ thì càng ít người cần hỗ trợ khẩn cấp hơn trong tương lai. Chúng tôi mong muốn mời tất cả các đối tác tham gia cùng chúng tôi để xây dựng thêm các ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau,” bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP nhấn mạnh.

Độc giả có thể chung tay xây dựng nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho người dân tại khu vực đang chịu ảnh hưởng thông qua dự án "Nhà an toàn - Sống an tâm".

Để có thêm thông tin chi tiết, độc giả truy cập website: safeforpoor.undp.org.vn.

https://safeforpoor.undp.org.vn

Phạm Trường - Phan Châu Giang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-chi-mong-co-can-nha-an-toan-de-khoi-lo-chay-lu-post1184520.html