Tôi chỉ có duy nhất một thứ ngôn ngữ mang đến cho khán giả là âm nhạc

Hiền Nguyễn trở về nước sau nhiều năm tu nghiệp ở Ý. Chị chọn dòng nhạc bán cổ điển để theo đuổi. Đó hẳn là một hành trình dài và khó khăn. Nhưng với nền tảng học vấn đã có, Hiền Nguyễn tin sẽ góp một tiếng nói tử tế vào đời sống âm nhạc hiện nay.

- Có nhiều năm học ở Ý, vì sao chị lại quyết định trở về khi dòng nhạc cổ điển chị theo đuổi không có nhiều đất diễn ở Việt Nam?

+ Có hai lý do khiến tôi trở về. Thứ nhất là vì gia đình và lý do thứ 2 như chị biết đấy, để tồn tại ở nước ngoài với dòng nhạc cổ điển không đơn giản, mình có giỏi đến mấy cũng khó có cơ hội khẳng định mình ở những nơi là cái nôi của cổ điển. Tôi ở lại cũng sẽ chật vật, khó khăn để có một vị trí.

Tôi may mắn được đầu quân vào dàn hợp xướng của một nhà hát ở Rome, với mức thù lao 500 Euro một tháng. Chỉ vậy thôi. Thế nên tôi quay về Việt Nam, về nước sẽ có nhiều thứ để làm. Tôi luôn nghĩ theo chiều hướng tích cực rằng mình có thể góp phần nào đó thay đổi nền âm nhạc nước nhà.

- Chị cũng mất khá nhiều thời gian loay hoay tìm đường khi trở về?

+Tháng 1 năm 2015, khi mới về nước, tôi có làm một concert hoàn toàn cổ điển nhưng lượng khán giả rất hạn chế. Sau đó tôi cùng mấy người bạn lập nhóm, có một concert đánh dấu nhóm nhạc đầu tiên của Việt Nam hát bán cổ điển. Nhưng chúng tôi có nhiều bất đồng khi tất cả không cùng chung một con đường. Tôi luôn khao khát cống hiến và ra những sản phẩm âm nhạc, đó là đích đến cuối cùng của tôi.

Còn mọi người chỉ muốn đi biểu diễn thôi, không muốn ra sản phẩm vì quá vất vả, tốn kém. Tôi quyết định tan rã nhóm dù gần nửa năm đó tôi dành toàn bộ tâm huyết cho nhóm. Sau đó tôi gặp bạn bè, mọi người khuyên tôi hãy tự đi một mình. Sau một thời gian hoang mang, tôi bắt đầu xốc lại chính mình.

- Trình làng MV "La Vie En Rose", đó cũng là cách chị định hình dòng nhạc mình sẽ theo đuổi. Nhưng rõ ràng, nó sẽ kén khán giả?

+ Tôi theo đuổi dòng nhạc semi classic (bán cổ điển). Con đường này đã có nhiều anh chị đi trước, tuy nhiên họ nghiêng về semi pop, còn tôi nghiêng về cổ điển. Đó là cách tôi tiếp cận công chúng. Đất nước đang phát triển, nhiều bạn đi học ở nước ngoài về, tầm nhìn và tư duy của giới trẻ bây giờ cũng đã thay đổi, họ được tiếp cận với những giá trị văn minh, dòng nhạc sang đang bắt đầu được mọi người đón nhận và để ý.

MV trình làng cũng là cách tôi ướm thử xem giọng của mình như thế nào và test khán giả của mình. Rất thú vị là nhiều bạn trẻ vào nghe. Bởi đích đến của tôi cũng là giới trẻ. Tôi lựa chọn nhạc sĩ Dương Cầm và bạn Hà Nguyên đạo diễn cũng có ẩn ý đó. Nhiều bạn trẻ phản hồi âm nhạc của MV hay và dễ nghe.

Thực tế không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn trẻ đang cố gằng làm mềm hóa âm nhạc cổ điển để tiếp cận rộng hơn với công chúng. Dĩ nhiên là chúng tôi không làm biến dạng nhạc cổ điển thành âm nhạc bình dân, vẫn giữ đúng tính chất của âm nhạc cổ điển nhưng làm nó mềm mại hơn, dễ nghe hơn.

- Chị trình làng khi không còn trẻ, nhan sắc cũng không phải là một lợi thế, lại chọn dòng nhạc kén khán giả, chị có tin mình sẽ có cơ hội trong thị trường âm nhạc đang đo đếm bằng những con số triệu, thậm chí hàng trăm triệu view?

+ Tôi đi theo con đường học thuật, không câu view theo kiểu cô ấy rất đẹp, rất gợi cảm, sexy trên sân khấu. Bước đường của tôi đi rất cơ bản. Học xong thể loại âm nhạc này tôi đã là người có tuổi, hoàn toàn khác các bạn trẻ, họ chỉ mới 18-20. Nhưng âm nhạc cổ điển phải cực kỳ chín, đến tuổi này tôi mới ngấm và hát được nó. Tôi lường trước tất cả những khó khăn của mình, tuổi tác, kén khán giả và đặc biệt là cát xê thấp. Vậy làm thế nào để mình vượt qua điều đó.

Về nhan sắc, tôi không thể biến thành một cô gái tươi trẻ, tôi sẽ xây dựng hình ảnh thành một người phụ nữ đằm thắm, có sự hấp dẫn từ bên trong. Còn vấn đề kén khán giả thì phải làm âm nhạc gần gụi hơn, cộng tác với những người trẻ, nắm bắt được thị hiếu của khán giả để rót vào đó những thứ mới mẻ, hấp dẫn.

Riêng cát xê thấp thì phải chấp nhận bù lại bằng việc đi dạy học, chi tiêu tiết kiệm để lấy tiền phục vụ cho con đường mình theo đuổi. Dĩ nhiên tôi không có ngay một số tiền lớn nên sẽ làm mọi thứ từ từ thôi. Tôi đang đơn độc, chẳng có đại gia nào đứng sau để chống lưng.

- Nhưng thực tế, nhiều bạn cũng học hành bài bản nhưng họ lựa chọn con đường khác nhanh hơn, dễ kiếm tiền hơn?

+ Tôi nghĩ điều này liên quan đến đam mê. Mình đam mê đến đâu, yêu âm nhạc đến đâu. Có người chỉ ở cấp độ thích, rồi yêu và cuối cùng là đam mê đến chết. Tôi ở cấp độ cuối cùng. Tôi thường nghĩ đến ngày mai mình sống như thế nào, sẽ làm gì.

Nhưng chỉ nghĩ đến việc được thức dậy, được hít bầu khí quyển này và được hát, được dành tiếng hát cho mọi người, kể cả khi mình bùng cháy trên sân khấu rồi chết cũng là hạnh phúc. Tôi nhớ hình ảnh NSND Y Moan, ông đã chết khi vừa hát xong. Đó là hạnh phúc tột cùng của người nghệ sĩ.

- Thực tế hiện nay trong đời sống âm nhạc, có nhiều bạn trẻ nổi tiếng nhưng không qua học hành. Còn chị, chị đã dành cả tuổi thanh xuân của mình nỗ lực học tập nhưng chắc gì đã có đất dụng võ. Chị nghĩ gì về sự bất công đó?

+ Tôi nghĩ những bạn trẻ đó không tự dưng họ nổi tiếng đâu. Họ vẫn có tài năng, đó là những người tinh tường, nắm bắt được xu hướng của giới trẻ cần gì. Tuy nhiên, mức độ định hướng của họ đến đâu thì cần phải bàn. Tôi là một ca sĩ nhưng tôi cũng là một nhà sư phạm. Tôi vừa mang tiếng hát cho đời nhưng tôi nghĩ mình còn có một trọng trách nữa là định hướng cho giới trẻ.

Tôi chấp nhận mặt tốt và mặt xấu trên con đường mình lựa chọn. Dĩ nhiên tôi sẽ không nổi tiếng bằng các bạn, nhưng điều tôi nhận được là sự tôn trọng của xã hội, những ánh mắt tôn trọng của phụ huynh. Chắc chắn tôi sẽ không trở thành những ngôi sao hot, hít nhưng ít nhất khán giả cũng sẽ biết tôi đang làm gì, có một cô Hiền Nguyễn đang làm gì đó có ích, mang đến cho giới trẻ những tiếng nói tử tế bằng âm nhạc.

- Điều gì giúp chị có quyết tâm như thế?

+ Tôi nghĩ, tư duy rất quan trọng. Nghệ sĩ nếu xây dựng cho mình một tư duy tốt trên một nền móng vững chắc thì cứ thế mà bước đi thôi. Tôi đi học đến bây giờ đã 12 năm, lăn lộn ở nước ngoài, về nước cũng đi dạy tiếng Anh, dạy nhạc trong các trung tâm tiếng Anh… Cuộc sống nếm trải nhiều vất vả. Nhưng tôi có một nền tảng vững chắc nên không bị lay động.

Từ bé tôi đã yêu âm nhạc, hễ âm nhạc cất lên là tôi nhảy múa... Cầm xoong nồi, cầm nón ra giữa vườn múa, vừa nấu ăn vừa hát. Mẹ muốn tôi theo văn hóa, còn bố thì đam mê âm nhạc. Và tôi đã thực hiện cả hai giấc mơ của mình, vừa học Đại học Ngoại ngữ vừa học Nhạc viện. Lúc nào tôi cũng cố gắng. Trong suốt 8 năm trời, tôi ra khỏi nhà từ 6h sáng và 11h đêm mới về đến nhà. Miệt mài học.

- Một người miệt mài học cổ điển, sang tận Ý để học Opera nhưng về Việt Nam chị lại không đi theo nhạc cổ điển. Vì sao?

+ Tôi đã từng sống chết với Opera nhưng không ai biết mình là ai. Nhiều năm qua tôi là cộng tác viên của Nhà hát Nhạc Vũ kịch, cần cù, chăm chỉ làm việc nhưng vở không nhiều, thù lao lại quá thấp. Tôi vừa tham gia nhà hát vừa đi dạy thêm và chạy show ở ngoài. Một ngày trôi qua rất mệt mỏi khi phải lo kiếm sống. Vì thế tôi chọn dòng nhạc bán cổ điển. Trên thế giới cũng có nhiều nghệ sĩ thành danh từ dòng nhạc này.

Từ bán cổ điển, mình dần dần nâng cấp thị hiếu của khán giả, như món ăn mình đưa ra dần dần, họ sẽ nghe từ bán cổ điển đến opera. Không thể bê nguyên hẳn vở opera để bảo khán giả ngồi nghe. Chúng ta phải có lộ trình. Điều này nằm ở chính sách phát triển văn hóa của nhà nước.

Những người làm opera chưa quyết liệt tạo ra một môi trường thực sự để hướng tới khán giả. Nếu chúng ta đầu tư tiền cho họ, họ sẽ không bỏ nghề đâu, họ sẽ quyết tâm làm cho opera nở hoa và phát triển. Còn bây giờ, thù lao bèo bọt quá, không đủ sống thì không thể làm cho âm nhạc thăng hoa được.

- Như chị nói, nghệ sĩ phải chạy theo thị hiếu của khán giả, nhưng điều quan trọng không kém, nghệ sĩ cũng cần góp phần định hướng cho khán giả?

+ Tôi nghĩ nên cân bằng giữa việc hiểu thị hiếu của khán giả và định hướng. Chúng ta quyết tâm đi con dường của mình nhưng cũng phải lắng nghe khán giả. Khán giả bây giờ nghe nhạc điện tử rất nhiều, vì thế tôi nghĩ đến việc kết hợp cổ điển với điện tử, có nhịp điệu của điện tử thì các bạn trẻ dễ nghe hơn. Làm nghệ sĩ nên kiên định với dòng nhạc, cách hát nhưng không nên bảo thủ trong tư duy.

Chúng ta phải biết thay đổi để làm cho âm nhạc của mình màu mỡ hơn, đặc sắc hơn, đó là điều tôi hướng đến. Tôi phải đi hát nhiều mới tìm ra cái gì hợp mình nhất. Phải lắng nghe mình, lắng nghe người bên cạnh. Tôi có nhiều bất lợi nhưng bù lại tôi có niềm đam mê và tôi sẽ gửi gắm đam mê và sức trẻ và tình yêu ấy vào âm nhạc.

Những nguồn năng lượng tích cực thì tôi nghĩ là nó phi giới tính và phi tuổi tác, đó là những giá trị mà âm nhạc mang lại. Tôi chỉ có duy nhất một thứ ngôn ngữ mình mang đến cho mọi người đó là âm nhạc.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Soprano Hiền Nguyễn tốt nghiệp loại giỏi Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2015. Tốt nghiệp loại ưu Ðại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia năm 2015. Năm 2013, nhận học bổng của chính phủ Ý, học tập tại Nhạc viện Milan. Hoàn thành xuất sắc 5 khóa học "âm nhạc thính phòng," "âm nhạc hiện đại," "biểu diễn sân khấu," "âm nhạc baroque," "âm nhạc nhà thờ." Tháng 2/2015, Hiền Nguyễn vinh dự được tham dự live concert "Hanoi mit Roma." Tháng 1/2018, giành huy chương vàng Liên hoan âm nhạc châu Á Thái Bình Dương, tổ chức tại Malaysia. Hiện tại, Hiền Nguyễn vẫn đang theo học cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Lan Tường (thực hiện)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-hot/soparano-hien-nguyen-toi-chi-co-duy-nhat-mot-thu-ngon-ngu-mang-den-cho-khan-gia-la-am-nhac-518039/