Tội ác từ sự mù quáng

Trong những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến vụ án 4 phụ nữ sát hại hai người và đổ bê tông phi tang thi thể.

Câu chuyện càng trở nên đáng quan tâm bởi người phụ nữ cầm đầu nhóm được cho là một người có trình độ, hiểu biết thông thạo 3 ngoại ngữ, từng có thời gian du học ở nước ngoài. Đồng phạm với người này là một phụ nữ có trình độ thạc sĩ và từng là giảng viên đại học.

Cách sống của nhóm người này cũng rất đáng nói khi họ bán nhà cửa từ bỏ công việc, gia đình, người thân để thuê nhà, khách sạn cùng sống tập thể và “khổ tu”. Trong quá trình khổ tu, hai người đàn ông không chịu đựng được và có ý phản đối đã bị bốn phụ nữ ra tay sát hại. Sau khi giết người họ vẫn tiếp tục sống chung với xác nạn nhân, chỉ đến khi thi hài phân hủy họ mới cho vào thùng và đổ bê tông.

Có thể khẳng định nhóm người này đã rơi vào trạng thái thường được gọi là “cuồng tín”. Không chỉ dị biệt trong lối sống, họ sẵn sàng ra tay giết hại người khác với suy nghĩ cho rằng mình đang thực hiện “sứ mệnh đặc biệt”.

Câu chuyện làm nhiều người nhớ tới vụ án bà nội sát hại cháu ruột 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa từng gây xôn xao dư luận năm 2017. Kết quả điều tra cho thấy, đối tượng được thầy bói phán “cháu gái bà là yêu nghiệt trong gia đình, nếu cháu gái sống thì bà sẽ tử vong và ngược lại”. Tin lời thầy bói, bà đã sát hại chính cháu nội của mình và dựng lên màn kịch bắt cóc trẻ em.

Tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, các tôn giáo chân chính đều hướng con người đến điều thiện, bằng những hình thức, cách thức và những triết lý khác nhau. Về mặt đời sống, các tôn giáo chân chính cũng không khuyến khích, không cổ súy con người từ bỏ người thân, phá bỏ nếp sống thường nhật để có những cách thức “tu luyện” thần bí nào.

Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ những cá nhân thực sự mộ đạo, tự nguyện muốn dành cuộc đời của mình cho tôn giáo sẽ được tiếp nhận như những tu sĩ. Các tôn giáo đều hướng cho số đông con người tìm thấy sự an hòa, tĩnh tâm và sống hài hòa với cộng đồng với cuộc sống xung quanh mình.

Trong cuộc sống, mỗi người có thể gặp những thăng trầm, thử thách, tuy nhiên với các tôn giáo chân chính, thử thách đó cũng chính là cơ hội để con người thể hiện bản lĩnh, kiên tâm vượt qua với chính những giá trị mà mình đã trân trọng theo đuổi. Nhưng với một số người, khi họ gặp khó khăn, chính là lúc họ dễ sa ngã lầm lạc và rơi vào trạng thái "cuồng tín".

Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, rao giảng, lôi kéo người khác bằng những điều họ đang tin, họ còn thậm chí cưỡng bách người khác phải tin theo. Sai trái này kéo theo những sai trái khác. Khi những “đồng đạo” làm trái ý họ, họ cảm thấy có sứ mệnh phải thanh trừng, thanh tẩy, thậm chí họ thực hiện tội ác một cách tàn nhẫn nhất.

Không ai có quyền tước đoạt mạng sống của người khác và phải khẳng định rằng, dù có bất kỳ lý do gì cũng không biện minh được hành vi giết người, cả về lý và tình. Cho nên, dù họ có cho là hoặc viện tới niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, thì việc giết người vẫn hành vi phạm tội, hành vi đó cần bị lên án và xử lý.

Để có đời sống tinh thần lành mạnh, dù là tín đồ của tôn giáo nào hoặc không theo tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng cần không ngừng tự xét mình, vừa để đáp ứng những nhu cầu nội tâm, vừa sống một cuộc đời trần thế hài hòa, không làm ảnh hưởng tới người bên cạnh và tốt hơn nữa là mang lại hạnh phúc cho người bên cạnh, cho xã hội.

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/toi-ac-tu-su-mu-quang/366961.vgp