Tội ác từ nỗi đau trầm cảm

Người mẹ đang tâm ra tay giết chính con ruột của mình - đó là ác thú. Nhưng có trường hợp, tội ác ấy lại khiến chúng ta phải day dứt khi nó diễn ra trong một cơn đau trầm cảm. Xã hội đã thực sự quan tâm đến điều đó hay chưa?

T (24 tuổi, ở Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã dìm chết con trai 9 tháng tuổi của mình trong xô nước chỉ vì cháu bé khóc lóc không chịu ngủ. Đến khi người nhà phát hiện thì cháu bé đã tử vong. Sự việc xảy ra hôm 18/11, chỉ sau 1 ngày T đi điều trị trầm cảm về.

Một sự việc đau lòng. Một cái chết oan uổng. Nhưng không phải chưa từng xảy ra.

Hẳn nhiều người chưa quên vụ việc rúng động ở Thạch Thất, Hà Nội xảy ra năm 2017. Người mẹ trẻ đã đặt đứa con mới 35 ngày tuổi nằm sấp vào chậu nước rồi bỏ mặc cho đến chết, sau đó để lại dòng chữ nguyệch ngoạc: “Tao sẽ giết cháu mày, Lăng” (Lăng là ông nội cháu bé).

 Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm, đặc biệt là đối tượng trí thức và người trẻ đang ngày càng tăng. Ảnh minh họa.

Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm, đặc biệt là đối tượng trí thức và người trẻ đang ngày càng tăng. Ảnh minh họa.

Tết Đinh Dậu 2017, tại căn phòng trọ ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), chị H đã cùng con trai 7 tháng tuổi treo cổ tự tử trong nhà vệ sinh. Nguyên nhân sự việc đau lòng được xác định do chị H. bị trầm cảm.

"Tôi đã giết con tôi rồi" - lời nói của người mẹ trẻ (Khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội) sau khi dùng một chiếc thắt lưng siết cổ con trai và cháu gái đến chết. Vụ thảm án ấy ám ảnh tất cả những ai theo dõi. Người nhà cho biết, người phụ nữ này cũng vừa được gia đình đưa đi điều trị trầm cảm về.

Những sự việc xảy ra gần như có chung một kịch bản, một nguyên nhân gốc rễ. Nhưng vì sao chúng ta chưa thể ngăn chặn?

Chủ quan. Nhiều người vẫn nghĩ trầm cảm chỉ là một trạng thái cảm xúc, con người ai chả có lúc vui, lúc buồn. Sau khi sinh con, thức khuya, dậy sớm, con quấy khóc… đương nhiên là dễ cáu gắt, bực bội. Nhưng sự khác nhau cơ bản giữa bệnh lý và trạng thái cảm xúc thường thấy đó là mức độ kiểm soát. Khi đã mắc bệnh trầm cảm, tất cả cảm xúc và hành vi đều vượt qua giới hạn bình thường, không được chế ngự, kiểm soát bởi lý trí.

Với trầm cảm sau sinh còn là do sự mất cân bằng với nội tiết tố hoặc sang chấn tâm lý. Mỗi người trầm cảm đều có xu hướng tìm đến các hành vi tự hại. Có người tự làm đau bằng cách lấy dao lam rạch, cắt trên cánh tay mình. Có người lại cào cấu cơ thể mình. Có người là tự sát. Còn với những người mẹ bị trầm cảm sau sinh thì sẽ hoang tưởng dẫn đến hủy hoại đứa con, sau đó tự sát.

Bệnh lý trầm cảm nặng nề là vậy nhưng thực tế, không nhiều người hiểu đúng, nếu không muốn nói là thường là xem nhẹ. Những trường hợp gây tội ác kể trên đều đã được xác định là mắc bệnh trầm cảm hay chí ít, gia đình đã nhận thấy có biểu hiện trầm cảm nhưng vẫn chủ quan, để bệnh nhân sống chung với “nguồn” gây bệnh – được xác định là đứa trẻ.

Cái chết thương tâm và oan uổng của những đứa trẻ này liệu có đủ đánh thức một xã hội đang ít quan tâm về một căn bệnh đang dày vò hàng triệu con người và là nguồn cơn dẫn đến tội ác khó lòng dung thứ?

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần, có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ người có biểu hiện trầm cảm chiếm 25% (tương đương khoảng 7 triệu người). Một con số không hề nhỏ. Vậy nhưng, số lượng cơ sở y tế chuyên khoa về các bệnh lý tâm thần chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, bệnh nhân đông, số giờ dành để khám và tư vấn cho mỗi người chỉ vỏn vẹn có 5-10 phút, chỉ đủ để kê một đơn thuốc và hỏi han vài lời. Trong khi ở nhiều quốc gia khác, người ta dành cả giờ đồng hồ cho một bệnh nhân trầm cảm nặng.

Đó là từ phía cơ sở y tế. Còn từ phía người bệnh, nhiều người chỉ đến bệnh viện khi không chịu đựng nổi những cơn trầm cảm dày vò. Đến khi đó bệnh nặng, khó điều trị, khiến họ dễ bỏ cuộc.

Thực tế trầm cảm vẫn thường được coi là căn bệnh của ai đó, ở đâu đó chứ không phải của mình và rất gần mình. Chính suy nghĩ này khiến những cánh tay cầu cứu của người bị trầm cảm chơ vơ, không có người nắm lấy. Khi kể nỗi đau trầm cảm của mình với người thân, cái họ nhận được thường là sự phê bình: “có gì mà phải buồn”, “đàn ông mạnh mẽ lên chứ”…, hoặc là sự coi thường: “đồ yếu ớt”, “đáng xấu hổ”, “đáng hổ thẹn”… Vậy là, họ đành một mình đối diện và chịu đựng.

“Mình sợ không kiềm chế được bản thân, mình sợ sẽ giết chết con của mình…” “Mình rất sợ nghe tiếng con khóc. Những lúc đó dường như mình không kiểm soát được. Mình đánh con, có lúc mình bịt miệng và bóp cổ con. Nhưng chỉ trong 1- 2 giây thôi. Mình lại ôm con vào lòng, xin lỗi”…. Đây là những dòng kêu cứu được đăng trong một Hội nhóm có tên gọi “Vượt qua trầm cảm”. Những người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh này đang phải vật lộn để giành lại tâm trí của một người mẹ bình thường, để không làm hại đứa con mình dứt ruột đẻ ra.

Chúng ta khi đã hiểu, đã chứng kiến sự việc đau lòng thì xin đừng để họ một mình. Họ cần được điều trị, cần có người nhà kề cận từng phút giây. Đó là cách duy nhất để không biến nỗi đau trầm cảm thành tội ác./.

Thanh Phượng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/toi-ac-tu-noi-dau-tram-cam-820410.vov