Tội ác từ những 'con ma' trong tâm trí

Trong thực tiễn thi hành pháp luật, đã xảy ra nhiều vụ án mạng thương tâm do cuồng tín, nhiều vụ hung thủ sát hại chính người thân của mình vì tin vào thần thánh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một ngày đầu tháng 3 năm 2015, dư luận xôn xao trước vụ án mà nạn nhân là đứa con trai còn hung thủ chủ mưu giết người lại chính là mẹ và bà ngoại của nạn nhân.

Cái chết bất thường ngày mùng 1 Tết

Theo điều tra, trưa mùng 1 Tết Ất Mùi 2015 (ngày 19/2 dương lịch), cán bộ tư pháp trực UBND phường 9, quận 5, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận thông tin về cái chết của em Huỳnh Sơn Vỹ.

Theo thông tin trình báo của bà Huỳnh Lan Thảo (SN 1974), mẹ của Vỹ thì nạn nhân chết do đêm giao thừa vào phòng tắm thì trượt chân té ngã và bị thương, tuy nhiên gia đình không đưa đi cấp cứu mà để tại nhà, đến sáng mùng 1 Tết thì tử vong. Bà Thảo ra phường trình báo để xin giấy chứng tử rồi tổ chức chôn cất.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, người cán bộ trực ban đã cảm thấy nghi ngờ. Am hiểu địa bàn phường, người cán bộ này nắm được thông tin là nạn nhân Vỹ từ trước đến nay có nhiều dấu hiệu bất thường của bệnh tâm thần và được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi.

Thế nhưng thời gian gần đây trên địa bàn có dư luận, tại nhà bà Thảo có việc thờ cúng có dấu hiệu mê tín dị đoan, nhiều người lạ thường xuyên mang lễ vật đến căn hộ này để cúng bái. Những người này còn rỉ tai nhau rằng Vỹ là hiện thân của “thần linh” và thường xuyên được “thánh nhập”.

Thêm vào đó, hàng loạt câu hỏi đặt ra xung quanh cái chết của Vũ như: Tại sao Vỹ té ngã ở nhà tắm nhưng không được gia đình đưa đi cấp cứu? Vỹ té ngã, thương tích thế nào mà dẫn đến tử vong… đã khiến người cán bộ đặt dấu hỏi nghi vấn và thông báo với cơ quan chức năng.

Buổi hành lễ kinh hoàng

Trước nhiều câu hỏi nghi vấn cùng dư luận bất thường xung quanh cái chết của Vỹ, sự việc được chuyển sang công an để tìm hiểu rõ ngọn ngành. Và cũng từ đây, diễn biến của một vụ hành lễ kinh hoàng dần dần được tái hiện.

Theo đó, từ nhiều năm nay, Vỹ có biểu hiện bất thường về đầu óc, có dấu hiệu của tâm thần phân liệt. Gia đình đưa Vỹ đi chữa trị ở nhiều nơi, bằng nhiều phương pháp nhưng trong đó chủ yếu là cúng bái ở các điểm mê tín dị đoan đồng nghĩa với việc bệnh tình của Vỹ không thuyên giảm.

Cách đây gần một năm, thấy con trai ngày càng lơ ngơ, ngớ ngẩn, bà Thảo cùng gia đình quyết định “mượn” thể xác Vỹ để cho thần thánh nhập vào. Từ khi bà Thảo ép con trai mình tu tại gia và biến thành một “vị thánh”, Vỹ được coi như thánh sống, lôi kéo nhiều đối tượng tới căn hộ của bà Thảo để thờ cúng, vái lạy, xin xỏ. Căn hộ chung cư của bà Thảo biến thành tụ điểm mê tín dị đoan phức tạp. Không những Vỹ thường xuyên được tự xưng là “thánh nhập” mà còn được xem là vị thánh có pháp thuật, có khả năng phục sinh sau khi chết (!). Do vậy, vào mỗi buổi làm lễ, một số người dùng dây vải quấn quanh cổ của Vỹ kéo xiết khiến Vỹ ngã xuống đất bất tỉnh, rồi sau đó Vỹ “sống lại”.

Từ niềm tin mù quáng nên chính vào đêm giao thừa, với mong muốn cầu xin một năm mới bình an, bà Thảo cùng mẹ đẻ của mình tức là bà ngoại Vỹ gọi điện cho bốn người bạn đến tụng kinh và làm lễ hồi sinh, nhập thánh.

Buổi lễ tiến hành suốt đêm, đến rạng sáng hôm sau, những người có mặt trong buổi lễ dùng dây vải màu đỏ quấn quanh cổ Vỹ rồi cùng siết mạnh để làm lễ. Siết một lúc thì Vỹ ngất đi vì nghẹt thở, mọi người sợ hãi và dừng lại. Tuy nhiên, chính bà Thảo lại yêu cầu họ: “Không được bỏ ra, tiếp tục siết chặt để thánh không hành xác” nhằm giúp con trai bớt đau đớn khi tỉnh lại.

Nghe vậy, bốn người bạn của bà Thảo tiếp tục siết cổ cho đến khi Vỹ gục xuống nền nhà mới dừng lại rồi cả nhóm để Vỹ nằm đó tiếp tục tụng kinh đến sáng. Thấy con trai nằm mãi không tỉnh bà Thảo lay gọi thì phát hiện Vỹ đã tử vong.

Té ngã hay bị siết cổ?

Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra điều đầu tiên nhận thấy là lời khai của bà Thảo con trai té ngã trong nhà tắm gây tử vong với dấu vết trên thi thể Vỹ hoàn toàn trái ngược nhau. Khám nghiệm tử thi của Vỹ cho thấy có vết hằn rất rõ xung quanh vùng cổ. Nạn nhân chết do bị ngạt thở, vết xiết ở cổ có dấu hiệu của tác động ngoại lực dẫn đến tử vong.

Ngay lập tức, công an đã mời bà Thảo và 6 người trong nhà lên trụ sở để thẩm vấn làm rõ. Bốn đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ giết người gồm Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Rỉ, Nguyễn Hoàng Anh và Lê Hồng Sơn bị tạm giam để điều tra về hành vi giết người. Bên cạnh đó, cũng liên quan đến cái chết của Vỹ còn có 3 người khác chứng kiến toàn bộ vụ việc, trong đó có bà Huỳnh Lan Thảo là mẹ ruột Vỹ và bà Ngô Thị Cang là bà ngoại của Vỹ.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, họ xiết cổ Vỹ để em tiếp tục tái sinh. Sau khi sự việc xảy ra, phát hiện ra mình đã hại chết Vỹ, bà Thảo cùng nhiều người khác vẫn tin tưởng cúng bái các kiểu song nạn nhân không thể… sống lại nữa.

Ngày 9/5/2016, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Huỳnh Lan Thảo 3 năm tù về tội “Hành nghề mê tín dị đoan”, cùng tội danh tòa tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Hoàng Anh, Lê Hồng Sơn 2 năm 6 tháng tù treo, Nguyễn Thị Kim Loan và Nguyễn Thị Ri 2 năm tù treo.

Tại phiên tòa HĐXX nhận định, các bị cáo đều có công việc ổn định, nhưng chỉ vì quá mê tín dị đoan dẫn đến hành vi thiếu suy nghĩ làm nạn nhân tử vong. Mức án được tuyên để các bị cáo nhận ra hành vi sai trái của mình.

Với riêng bị cáo Thảo là mẹ ruột của nạn nhân, ngoài mức án phải nhận, sẽ còn ray rứt lương tâm cả đời bởi giết chết con sự mê tín của mình.

Cần có những quy định cụ thể hơn

Có thể nói, hành vi mê tín dị đoan đã gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, thậm chí gây chết người, giết người như hai vụ án trên đây. Điều đáng nói là mặc dù pháp luật có những điều luật rất nghiêm khắc với tội hành nghề mê tín, dị đoan từ xử phạt vi phạm hành chính cho tới án tù, thế nhưng mê tín dị đoan vẫn diễn ra đưa nhiều người vào u mê lạc lối dẫn tới gây án như gần đây nhất là vụ án bà nội nghe theo lời thầy bói giết chết cháu ruột của mình ở Thanh Hóa gây phẫn nộ trong dư luận.

Lý giải nguyên nhân nhiều quan điểm cho rằng có lẽ do ranh giới giữa tự do tín ngưỡng và mê tín dị đoan rất mong manh. Vì vậy, cần thiết phải có những quy định cụ thể hơn nữa để cơ quan chức năng áp dụng pháp luật nhằm ngăn chặn, xử lý, những trường hợp mê tín dị đoan gây hậu quả chết người.

Tại xã Chiềng Ngần, huyện Mường La tỉnh Sơn La cũng đã từng xảy ra vụ mẹ giết con gái 7 tuổi vì ám ảnh giấc mơ buộc tội con gái là “con ma”. Theo đó, Cà Thị Ón và anh Quàng Văn Hặc sinh được 3 con gái là Quàng Thị Cương (10 tuổi) Quàng Thị Kim (7 tuổi) và Quàng Thị Diên (3 tuổi) tại thời điểm xảy ra vụ án vào năm 2005.

Tháng 4/2005, sau một thời gian đi vắng anh Quàng Văn Hặc trở về nhà và phát hiện vợ cùng hai con gái là cháu Quàng Thị Kim và Quàng Thị Diên biến mất. Cả đêm, những người hàng xóm đốt đuốc đi tìm 3 mẹ con chị Ón nhưng không thấy. Cho đến sáng hôm sau, cuộc tìm kiếm đã ở quy mô rộng hơn thì mọi người tìm thấy cháu Quàng Thị Diên ở nhà mẹ đẻ chị Ón, cách đó vài trăm mét. Trên người cháu Diên có dấu vết dây trói và nhiều vết thương rỉ máu. Cháu cho biết, tối hôm trước, khi cháu vừa tắm xong thì được mẹ trùm một chiếc khăn lên đầu. Sau đó, cháu thấy đầu đau buốt, ngất đi. Khi tỉnh dậy, cháu Kim đã vô cùng hoảng sợ bởi xung quanh là màn đêm dày đặc, gọi mãi không có ai đến cứu.

Cố sức cựa quậy khỏi dây trói bằng vải nilon, cháu đã thoát ra được rồi lại lịm đi, phần vì thấy mình ở một mình giữa rừng, phần vì kiệt sức bởi các vết thương trên người tiếp tục rỉ máu. May mắn cho cháu Kim, tối hôm đó trời không mưa cũng không có con thú dữ nào lẩn quất ở khu rừng đó. Sáng hôm sau, cố hết sức lực còn lại, cháu Kim lê về nhà.

Gia đình anh Hặc đã đi báo chính quyền xã và tổ chức lực lượng tiếp tục tìm kiếm chị Ón. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng gia đình anh Hặc đã tìm chị Ón đang ở nhà một người quen ở xã Chiềng Ngần, huyện Mường La. Tại cơ quan công an, người mẹ này khai nhận mình chính là thủ phạm sát hại con gái. Lý do là một đêm chị Ón ngủ mơ thấy bố chồng hiện về dặn mình: “Nếu muốn gia đình êm ấm, đời con được sung sướng thì phải trừ khử con ma" ở trong nhà này. Con ma đó chính là cái Kim, đứa con gái thứ 2 mới 7 tuổi. Để nó càng lớn, gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo”.

Tỉnh dậy, suy nghĩ đó cứ ám ảnh tâm trí chị. Điểm lại quá trình chung sống, chị Ón thấy rằng, trong 3 đứa con gái, anh Hặc lúc nào cũng chiều chuộng Kim nhất. Thời gian gần đây, anh chị thường hay cãi nhau, đôi lúc nguyên nhân bắt nguồn từ những việc liên quan đến cháu Kim. Càng nghĩ, chị Ón càng quả quyết rằng lời bố chồng nói trong mơ là sự thật, chị phải đuổi “con ma” Kim khỏi nhà.

Tối hôm đó, nhân lúc chồng đi vắng, con gái lớn đã ngủ say, con gái nhỏ mới 3 tuổi chưa biết gì, chị Ón quyết định hành động. Người mẹ trùm khăn lên đầu, dùng dao chém, dùng gạch đập vào đầu Kim khiến cháu ngất xỉu. Nghĩ rằng “con ma” đã chết, chị Ón lấy chiếu cuốn xác Kim vào rồi mang ra địa điểm gần giếng cạn trong rừng vứt, mang đứa con gái út 3 tuổi gửi bà ngoại rồi lang thang từ bản này sang bản đi trốn. Cà Thị Ón đã bị CQĐT khởi tố Cà Thị Ón về tội giết người.

Linh Thụy

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/toi-ac-tu-nhung-con-ma-trong-tam-tri-d150786.html