Tốc độ tuyệt chủng các loài trên Trái đất nhanh hơn dự báo

Theo nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí khoa học Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), tốc độ tuyệt chủng trên Trái đất nhanh hơn nhiều so với mọi dự báo, nhất là trong vài thập niên gần đây.

Nhiều chủng loài động vật đã biến mất trong giai đoạn ngắn - Ảnh minh họa

Nhiều chủng loài động vật đã biến mất trong giai đoạn ngắn - Ảnh minh họa

Con người đã tiêu diệt hàng trăm chủng loài động thực vật và đẩy nhiều chủng loài khác đến bờ vực tuyệt chủng do hoạt động săn bắn, gây ô nhiễm, xâm hại môi trường... Giáo sư Gerardo Ceballos González (Mexico), một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết khoảng 173 chủng loài đã biến mất trong giai đoạn ngắn từ năm 2001 đến 2014. Tốc độ tuyệt chủng nhanh này hơn 25 lần so với điều kiện tiến hóa bình thường của tự nhiên. Còn nếu tính trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã biến mất (do con người), trong khi bình thường thì quá trình này phải mất 10.000 năm.

Trong lịch sử, Trái đất từng trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, khiến khoảng 70-95% chủng loài thực vật, động vật và vi sinh vật biến mất. Đợt tuyệt chủng gần nhất xảy ra cách đây 66 triệu năm, là lúc khủng long biến mất. Năm lần đại tuyệt chủng trước đều do các thảm họa tự nhiên, như núi lửa phun, thiên thạch đâm vào Trái đất, riêng lần thứ 6 đang diễn ra thì “thủ phạm” lại là con người, Giáo sư Gerardo nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu của PNAS ghi nhận nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, tập trung chủ yếu ở các khu vực đang bị bàn tay con người tác động mạnh. Khi một loài biến mất, hệ sinh thái sẽ đổ vỡ dẫn đến cái chết nhanh hơn của các loài khác.

Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ nhóm họp trong năm nay để bàn về cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học này, tuy nhiên, kết quả là điều khó nói vì thế giới đã nhiều lần thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu mình tự đề ra.

Thế giới mất hơn 30% cây cổ thụ

Theo National Geographic, khoảng 1/3 các cây lâu năm toàn cầu đã mất đi. Riêng tại Vườn Quốc gia Kings Canyon (Mỹ), khoảng 38 cây cổ thụ đã chết những năm qua - con số không phải quá khủng khiếp nhưng cũng thuộc loại chưa từng thấy.

Nghiên cứu trên do nhóm hơn 10 nhà khoa học trên khắp thế giới thực hiện, thu thập và phân tích từ hơn 160 nghiên cứu từ năm 1900 đến năm 2015 và sử dụng thêm dữ liệu từ vệ tinh.

Ở những vùng nhiều cây cổ thụ như Canada, miền Tây nước Mỹ hay châu Âu, tốc độ gia tăng số cây lâu năm chết đã gấp đôi qua 40 năm.

Nhóm nghiên cứu cho biết một trong các nguyên nhân là việc gia tăng chặt phá cây rừng, trong đó có nạn trộm gỗ trái phép. Ngoài ra, nhiệt độ thế giới tăng và cùng lượng khí CO2 dư thừa từ quá trình đốt nhiên liệu cũng góp phần làm giảm sức sống của cây. Nhiều người cho rằng CO2 càng nhiều thì cây sẽ dồi dào thức ăn nhưng điều này không đúng. Trên thực tế, lượng CO2 trong không khí quá cao có thể tác động ngược, làm giảm khả năng hấp thụ của cây.

Một số nguyên nhân khác làm cổ thụ nhanh chết như hạn hán, côn trùng xâm hại, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Những vụ cháy rừng diễn ra thường xuyên cũng góp phần tàn phá các cánh rừng, trong đó có cả những cây lâu năm.

Ở một số nơi, lượng mưa trong năm cũng giảm đáng kể, trái lại lũ lụt xuất hiện nhiều hơn làm tăng nguy cơ ngã đổ của cổ thụ.

Với nhiều loại cây, chẳng hạn như thông, sau những đợt cháy rừng, một số nón thông vẫn có thể nảy mầm duy trì sự sống. Nhưng hiện nay, những đám cháy rừng liên tiếp trong thời tiết khô hạn lạ thường gần như quét sạch mọi thứ.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/toc-do-tuyet-chung-cac-loai-tren-trai-dat-nhanh-hon-du-bao/397199.vgp