Tốc độ tối đa của môtô là bao nhiêu?

Đa số superbike được giới hạn tốc độ hiển thị ở 299 km/h. Đây chưa phải là vận tốc nhanh nhất của một chiếc môtô.

Hiện nay, đa phần các mẫu môtô đời mới đều có hiệu suất "khủng" nhờ sự hỗ trợ của nhiều công nghệ vận hành hiện đại. Nói về tốc độ, đây là cuộc chơi của những mẫu sportbike từ 1.000 cc trở lên. Tuy nhiên, 299 km/h vẫn chưa phải là giới hạn tốc độ cuối cùng của môtô.

Giới hạn 299 km/h và hiệp ước ngầm Gentlemen's Agreement

Các mẫu sportbike 1.000 cc đình đám như Honda CBR1000RR-R, Yamaha R1 hay BMW S1000RR đều dễ dàng chạm ngưỡng 299 km/h. Thật ra, mốc vận tốc này đã được phá từ giai đoạn cuối thế kỷ 20. Đây được xem là thời kỳ vàng son của ngành công nghiệp môtô thế giới với hàng loạt kỷ lục về tốc độ được phá vỡ trong thời gian này.

Năm 1997, chiếc Honda CBR1100XX Blackbird, còn được gọi là "Super Blackbird" có thể đạt vận tốc tối đa lên đến 287 km/h. Chiếc sport-touring của Honda trở thành mẫu môtô thương mại nhanh nhất thế giới lúc bấy giờ. Hai năm sau, Suzuki ra mắt "thần gió" Hayabusa với tốc độ tối đa 303 km/h. Sau đó, thần gió được nâng cấp ở các đời sau và có thể đạt mốc vận tốc 312 km/h.

Một hãng xe Nhật khác là Kawasaki cũng tham gia cuộc chơi môtô nhanh nhất thế giới với chiếc ZX-12R. Kawasaki ZX-12R có vận tốc tối đa lên đến 322 km/h và trở thành vị vua mới trong làng môtô.

Tuy nhiên, cuộc đua tranh của các hãng xe Nhật đã dấy lên lo ngại về an toàn ở các nước châu Âu. Lo ngại của chính phủ các nước châu Âu hoàn toàn có lý do. Với vận tốc 300 km/h, chiếc xe sẽ đi được hơn 83 m mỗi giây - thời gian tương đương cái chớp mắt. Chỉ cần một thoáng mất tập trung ở vận tốc 300 km/h, người lái có thể gặp tai nạn nghiêm trọng. Thật ra, liên minh châu Âu cảm thấy e ngại xe Nhật Bản từ thập niên 1980 khi các mẫu sportbike vượt mức 100 mã lực.

Biết được điều này, các hãng xe Nhật Bản đã dừng cuộc đua này. Honda là hãng đầu tiên ra thông báo sẽ không sản xuất xe chạm mốc vận tốc 300 km/h. Sau đó, các hãng xe Nhật còn lại như Yamaha, Suzuki hay Kawasaki cũng hưởng ứng. Từ năm 2001, tất cả xe của các thương hiệu Nhật Bản đều được giới hạn vận tốc ở 299 km/h. Đây được gọi là hiệp ước ngầm Gentlemen's Agreement. Sau đó, một số hãng xe châu Âu cũng tham gia hiệp ước này.

Hiện nay, các hãng xe không còn tuân thủ nghiêm ngặt hiệp ước Gentlemen's Agreement. Kawasaki ra mắt chiếc H2 với vận tốc hơn 300 km/h trong khi Suzuki hồi sinh Hayabusa với vận tốc tương tự thế hệ trước. Honda, Yamaha, BMW hay Ducati vẫn giữ vận tốc tối đa 299 km/h nhưng đó chỉ là con số trên đồng hồ, tốc độ thực tế đều vượt mức 300 km/h.

Môtô đua chuyên nghiệp không phải xe nhanh nhất

MotoGP và WSBK là những giải đua môtô nổi tiếng nhất thế giới, quy tụ nhiều tay đua đình đám như Marc Marquez, Valentino Rossi...

Xe đua tại các giải này đều có tốc độ tối đa vượt ngưỡng 300 km/h. Theo quy định, xe tham dự giải WSBK phải có nền tảng là xe thương mại. Nói cách khác, xe đua WSBK là xe thương mại được nâng cấp.

Với khối động cơ 1.000 cc được tinh chỉnh, các mẫu xe đua WSBK dễ dàng chạm mốc 320 km/h. Ở mùa giải WSBK 2020, tay đua Chaz Davies đã lập kỷ lục về tốc độ ở 330,3 km/h trên chiếc Ducati Panigale V4 R.

Trong khi đó, xe MotoGP là chiếc xe được thiết kế riêng cho giải này. Do đó, khung xe, động cơ hay kiểu dáng đều được phát triển độc lập với xe thương mại. Xe đua MotoGP hội tụ những tinh túy về công nghệ của hãng và là nền tảng để các hãng xe phát triển xe thương mại. Ví dụ: Honda CBR1000RR-R hay Ducati Panigale V4.

Hội tụ tất cả nền tảng công nghệ của một hãng xe, xe đua MotoGP như quái thú trên đường đua. Năm 2019, tay đua Andrea Dovizioso đã lập kỷ lục tốc độ 356,7 km/h trên chiếc Ducati Desmosedici GP.

Vận tốc hơn 350 km/h của xe đua MotoGP vẫn chưa phải là tốc độ nhanh nhất đối với một mẫu môtô. Với những công nghệ hàng đầu mà các hãng xe áp dụng, chiếc xe đua MotoGP có thừa khả năng đạt vận tốc cao hơn. Tuy nhiên, một chiếc xe đua khác với một chiếc xe được sinh ra chỉ để phá kỷ lục tốc độ. Xe đua phải được cân đối giữa tốc độ, gia tốc đầu và khả năng xử lý.

Đâu mới là giới hạn tốc độ cuối cùng của môtô?

Như đã đề cập ở đầu bài, các mẫu môtô đã vượt mốc 300 km/h từ cuối những năm 1990. Hiệp ước Gentlemen's Agreement được tuân thủ trong khoảng 10 năm, bắt đầu từ năm 2001. Sau khoảng thời gian đó, các hãng không còn mặn mà với hiệp ước ngầm này. Rõ ràng là khi công nghệ hỗ trợ ngày càng hiện đại, những chiếc môtô có thể chạy nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Năm 2015, Kawasaki ra mắt bộ đôi Ninja H2 và H2R như tiên phong phá vỡ hiệp ước Gentlemen's Agreement. Có thể trước đó, một vài mẫu xe có vận tốc thực tế vượt mốc 300 km/h nhưng đồng hồ chỉ hiển thị 299 km/h vì e ngại hiệp ước ngầm. Trên Ninja H2, không có bất cứ giới hạn nào về tốc độ, kể cả con số hiển thị trên đồng hồ. Vận tốc tối đa mà superbike này đạt được là hơn 330 km/h.

Ngày 30/7/2016, tay đua Kenan Sofuoglu cầm lái chiếc Kawasaki Ninja H2R đạt tốc độ 400 km/h trên cầu Osman Gazi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếc H2R này sử dụng động cơ nguyên bản, bộ lốp đặc biệt của Pirelli và xăng cho xe đua. Đáng chú ý là chiếc H2R đạt vận tốc này chỉ sau 26 giây xuất phát. Trước đó, Kawasaki công bố vận tốc tối đa cho H2R là 380 km/h.

Kawasaki Ninja H2R gần như là mẫu môtô sản xuất thương mại nhanh nhất thế giới hiện nay. Xét rộng ra với các mẫu xe độ hoặc sản xuất giới hạn, 400 km/h vẫn chưa phải là vận tốc nhanh nhất.

Trong năm 2011, người đàn ông tên Bill Warner được cả thế giới biết đến khi đạt kỷ lục tốc độ 502 km/h cùng chiếc Suzuki Hayabusa. Nguyên bản, Hayabusa đã là một trong những mẫu môtô nhanh nhất thế giới. Warner đã độ lại động cơ tăng áp 4 xy-lanh, sản sinh công suất lên đến 650 mã lực. Bên cạnh đó, khung sườn và thân xe cũng được sửa đổi để tối ưu tính khí động học. Người đàn ông này dự định phá vỡ kỷ lục của chính mình vào năm 2013 nhưng thất bại ở vận tốc 459 km/h.

Bên cạnh đó, người ta còn tạo ra một số biến thể khác của môtô để phá vỡ giới hạn tốc độ như streamliner (xe dài, mảnh, có thiết kế như máy bay) hay xe gắn động cơ siêu xe, máy bay. Với các mẫu xe này, vận tốc nhanh nhất được ghi nhận đến nay là 634 km/h của chiếc Ack Attack (streamliner). Kỷ lục này được công nhận bởi Liên đoàn Môtô Quốc tế (FIM).

Hoàng Trọng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toc-do-toi-da-cua-moto-la-bao-nhieu-post1195014.html