Tốc độ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tăng trưởng khá

Khu vực phía Bắc đang chuyển dịch cơ theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2019 tăng 7,8%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng đầu năm cũng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Duy trì tốc độ tăng trưởng khá

Sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm 2019 khu vực phía Bắc tăng 7,8%. Ảnh minh họa

Theo báo cáo tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XIV – năm 2019 thì trong Năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại khu vực phía Bắc duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2019 tăng 7,8% so với cùng kỳ, chuyển dịch cơ cấu ngày càng rõ nét theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng tăng 13% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua tăng 4,5% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, sản phẩm xuất khẩu đa dạng, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ...

Cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần xuất khẩu sang thị trường Châu Á, tăng dần xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Châu Mỹ.

Một số lĩnh vực có kết quả nổi bật như công nghiệp; hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp; phát triển cụm công nghiệp; hoạt động thương mại; Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành...

Năm 2019, ngành công thương khu vực phía Bắc phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp hơn 4.571 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 1.669 nghìn tỷ đồng, tăng 11,47%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 137 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 137 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2018.

Khả năng cạnh tranh còn hạn chế

Tuy đạt được những kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm, nhưng tại Hội thảo, có nhiều ý kiến của đại diện cho rằng, sự chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp đã được quan tâm phát triển nhưng tốc độ đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn thấp ngay cả với các nước trong khu vực, do đó hạn chế đáng kể vào khả năng sản xuất những sản phẩm, dịch vụ có tính ưu việt, chất lượng và giá trị cao.

Thêm vào đó, việc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp còn chậm. Cung cầu hàng hóa tuy được bảo đảm nhưng thiếu tính bền vững do thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Từ đó, một yêu cầu được đưa ra là nếu ngành công thương không tìm ra giải pháp hữu hiệu và sớm triển khai thì việc hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp, thương mại của vùng trong năm 2019 sẽ khó khăn...

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, ngành công thương khu vực đang có những dấu hiệu bất thường khi giá trị sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại. Nếu như năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt cao nhất so với các khu vực trên cả nước thì mức tăng của những tháng đầu năm 2019 lại thấp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để tháo gỡ những khó khăn, theo chủ trương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện tối đa cho các địa phương để phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại. Cụ thể, Cục Công Thương địa phương đã đề ra 8 nhiệm vụ chủ yếu.

Trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình hành động của ngành về thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng phương thức thông tin tuyên truyền, cải tiến nội dung thông tin tuyên truyền để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về cơ chế, chính sách, các hoạt động khuyến công và công nghiệp địa phương tới các cơ sở công nghiệp nông thôn; đẩy mạnh vận động tư vấn phát triển công nghiệp của các Trung tâm khuyến công.

Đối với các địa phương, khi nhận diện được những khó khăn cần sớm triển khai giải pháp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại. Cùng với đó, các tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Công Thương; xây dựng các cơ chế, chính sách chủ yếu hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao. Sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh.

Lê Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/toc-do-san-xuat-cong-nghiep-va-hoat-dong-thuong-mai-tang-truong-kha-post62489.html