Tốc độ phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, một chính sách nhân văn với mục tiêu giúp người lao động tự do ổn định cuộc sống, bớt phụ thuộc vào người thân sau khi về già. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, dân cư đông nhưng tốc độ phát triển số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn chậm.

Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh đến tận nhà một người dân ở TP.Biên Hòa tư vấn, vận động tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Ảnh: D.T- H.T

Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh đến tận nhà một người dân ở TP.Biên Hòa tư vấn, vận động tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Ảnh: D.T- H.T

Vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện vốn đã khó, thời điểm dịch bệnh Covid-19, công tác này lại càng khó hơn khi kinh tế của nhiều gia đình giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh.

* Lo khó khăn trước mắt, không dám tính lâu dài

Một thực tế, không ít người làm nghề tự do khi nghỉ việc phải sống cậy nhờ vào con cái nếu không có lương hưu, không có tích lũy. Tình trạng này đã khiến một bộ phận người già bị coi là gánh nặng của con cái. Tham gia BHXH tự nguyện, một cách tự chủ đời sống kinh tế tuổi già là rất cần thiết, nhưng nhiều người dân vẫn chưa quan tâm. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19, không ít người mất việc, buôn bán ế ẩm, thu nhập giảm, không ổn định nên chỉ lo tập trung chuyện áo cơm trước mắt, chưa nghĩ đến lâu dài.

Đang xem xét để điều chỉnh cho phù hợp

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện theo xu hướng tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT để khám chữa bệnh; đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này nhằm tăng tính hấp dẫn. Về thời gian thụ hưởng, khả năng ngành BHXH cũng xem xét giảm thời gian chờ thụ hưởng từ 20 năm xuống còn 15 hoặc 10 năm, hoặc cho mua theo gói với nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng sẽ đề xuất Chính phủ tăng mức hỗ trợ có thể lên đến 50% đối với hộ nghèo, 40% đối với hộ dân tộc thiểu số, 30% đối với hộ cận nghèo và 20% với các đối tượng khác để kích cầu BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Ngọc Hà, một đại lý thu bảo hiểm (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dù bà nỗ lực đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền về ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện nhưng rất khó vận động người dân tham gia.

Mỗi khi ra đường, bà Hà thường mang theo máy tính, cuốn phiếu thu, tập tờ rơi về chính sách BHXH tự nguyện và có mặt tại chợ từ sáng sớm để nói chuyện với mọi người. Nếu ai quan tâm, bà sẽ phân tích cụ thể về mức đóng, mức hỗ trợ của Nhà nước, quyền lợi được hưởng... Trung bình mỗi năm, bà vận động được khoảng trên dưới 100 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay mới vận động được hơn chục người.

Bà Lại Thị Thu (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Vợ chồng tôi bán đồ ăn sáng tại nhà, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng trang trải cuộc sống. Cũng tính tích cóp rồi mua BHXH tự nguyện cho cả vợ chồng để sau này có lương hưu, nhưng năm nay dịch bệnh kéo dài, buôn bán ế ẩm, chi tiêu hằng ngày còn phải tính toán nên chưa dám tính chuyện lâu dài”.

* Cần bổ sung quyền lợi

Trước đây, những người ở nhà nội trợ hay làm nghề tự do không được đóng BHXH và không được hưởng chế độ hưu trí. Bởi thế, có không ít người về già đời sống bấp bênh. Vào năm 2008, chính sách BHXH tự nguyện được triển khai với mục đích giúp người dân an cư tuổi già. Theo đó, mọi đối tượng người dân từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu hằng tháng khi có đủ 20 năm tham gia. Để chia sẻ với những đối tượng lao động tự do, thu nhập không ổn định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ với 30% mức đóng cho những đối tượng thuộc hộ nghèo, 20% cho hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác.

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tốc độ phát triển số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn chậm là người dân chưa có thói quen dự phòng cho những rủi ro trong cuộc sống hoặc cho tuổi già khi không còn làm việc được. Ngoài ra, cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn viên về BHXH tự nguyện còn hạn chế về nghiệp vụ, thiếu kỹ năng tiếp cận đối tượng, chưa làm cho người dân yên tâm khi tham gia. Vì thế, đã 12 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện, nhưng hiện Đồng Nai mới có khoảng hơn 9 ngàn/tổng số 1 triệu đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện.

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp người lao động tự do có lương hưu, đảm bảo cuộc sống tuổi già. Trong ảnh: Người dân lãnh lương hưu tại một phường ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Mai Minh

Thực tế cho thấy, BHXH tự nguyện có những ưu đãi nhất định nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khiến việc phát triển loại hình bảo hiểm này còn chậm. Qua trao đổi với nhiều lao động tự do, không ít người cho rằng, họ không quan tâm đến BHXH tự nguyện vì quá ít ưu đãi. Cụ thể, thời gian đóng BHXH tự nguyện đến 20 năm mới được thụ hưởng là quá dài; mức đóng và mức thụ hưởng chênh lệch cao theo hướng đóng nhiều, hưởng ít; trợ cấp đi kèm của BHXH tự nguyện chưa cân xứng với BHXH bắt buộc khi BHXH bắt buộc có 5 trợ cấp đi kèm (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất), còn BHXH tự nguyện chỉ có 2 trợ cấp (hưu trí và tử tuất).

Một thực tế hiện nay, BHXH tự nguyện đang phải cạnh tranh gay gắt với bảo hiểm nhân thọ đang bùng nổ và rất đa dạng, kèm nhiều dịch vụ tiện ích. Vì thế, muốn phát triển được, BHXH tự nguyện cần thay đổi, hoàn thiện để đưa ra thị trường sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với túi tiền của nhiều đối tượng. Đặc biệt là cần tăng tính tương tác với người dân bằng phương pháp linh động trong tiếp cận, minh bạch trong cung cấp thông tin để người dân tin tưởng và yên tâm tham gia BHXH tự nguyện.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202010/toc-do-phat-trien-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-con-thap-3025447/