Toàn văn nội dung giao lưu trực tuyến: 'Đưa tiến bộ kỹ thuật về nông thôn miền núi'

Sáng 22/12, tại Tòa soạn Báo Khoa học và Phát triển diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: 'Đưa tiến bộ kỹ thuật về nông thôn – miền núi'. Buổi giao lưu diễn ra từ 9-11h.

Các vị khách mời sẽ tham gia chương trình giao lưu trực tuyến trên Báo Khoa học và Phát triển. Từ trái sang: ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Thế Ích - Chánh văn phòng Chương trình Nông thôn - Miền núi, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Khoa học và Phát triển Phạm Trần Lê và TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ Phát triển KH&CN địa phương.

Khách mời là Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Nguyễn Đức Kiên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, ông Nguyễn Thế Ích – Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi. Các khách mời sẽ trực tiếp giải đáp thắc mắc, băn khoăn của độc giả trên mọi miền của đất nước. Cụ thể những thông tin xung quanh về cơ chế chính sách, thủ tục hồ sơ, kinh nghiệm triển khai các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi.

Báo Khoa học và Phát triển trân trọng cảm ơn sự tham gia của các quý vị khách mời và sự tham gia của bạn đọc, chia sẻ những thông tin hữu ích về Chương trình Nông thôn - Miền núi, tới đông đảo nhân dân cả nước.

Dưới đây là nội dung chi tiết của Cuộc giao lưu:

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu (phải) - Vụ trưởng Vụ KH&CN địa phương tại chương trình giao lưu.

9h05 | 22 / 12 / 2017:

Thưa ông, Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi (Chương trình Nông thôn miền núi) đã đi vào thực tiễn 15 năm. Ông đánh giá như thế nào về việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất? (Bạn đọc Nguyễn Huy Ba – Ba Vì – Hà Nội)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, từ năm 1998 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” (gọi tắt Chương trình Nông thôn miền núi). Chương trình đã được triển khai qua 3 giai đoạn nối tiếp nhau: Giai đoạn từ năm 1998-2002 (theo Quyết định số 132/1998/QĐ-TTg ngày 21/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ); Giai đoạn từ năm 2004-2010 (theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 05/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ) và Giai đoạn từ năm 2011-2015 (theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/10/2010).

Qua 3 giai đoạn, các dự án của Chương trình đã huy động được gần 100 tổ chức KH&CN ở Trung ương, chuyển giao gần 5.000 lượt công nghệ, đào tạo về công nghệ, quản lý dự án cho gần 12.000 kỹ thuật viên cơ sở và trên 1.700 cán bộ quản lý KH&CN ở địa phương, tập huấn kỹ thuật cho gần 250.000 lượt người dân, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN vào trong đời sống và sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm cho hàng chục ngàn người dân trực tiếp tham gia các dự án và tăng thu nhập cho.

Chương trình đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống.

Hầu hết các dự án thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội thiết thực trên các địa bàn thực hiện dự án, góp phần giải quyết lao động nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi.

Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt của cả 3 giai đoạn. Các dự án của Chương trình đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi. Kết quả Chương trình đã được duy trì và phát huy nhân rộng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

9h15 | 22 / 12 / 2017:

Ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các doanh nghiệp và các tổ chức chuyển giao công nghệ đối với thành công của chương trình này?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Qua từng giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình thì số doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án ngày một tăng. Trong hai năm triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình giai đoạn này, sơ bộ thống kê chúng tôi thấy có khoảng 70% dự án là do doanh nghiệp chủ trì thực hiện. Nhiều dự án khác không do doanh nghiệp chủ trì nhưng cũng có tham gia phối hợp thực hiện.

Việc doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án thuộc Chương trình đã đảm bảo cho sự thành công của các dự án án bởi lẽ doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hoặc tạo được sự kết nối trong chuỗi sản xuất, lo được việc tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất. Hơn nữa, do doanh nghiệp là tổ chức kinh tế nên có điều kiện hơn về vốn đối ứng (vốn tự có) hoặc huy động vốn đối ứng (vốn vay từ ngân hàng). Chính những lợi thế này nên Chương trình rất ưu tiên cho các dự án do doanh nghiệp chủ trì hoặc có liên kết với doanh nghiệp thực hiện.

Về việc tham gia của các tổ chức KH&CN với vai trò là Tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ, chúng tôi thấy cơ bản là các tổ chức KH&CN, nhất là các tổ chức KH&CN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đều mong muốn được tham gia chyển giao công nghệ trong các dự án. Vì việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình là một kênh rất quan trọng để chuyển hóa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Thông qua việc tham gia Chương trình, các tổ chức KH&CN cũng đã quan tâm nhiều hơn tới công tác đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ đổi với các sản phẩm khoa học của mình. Chính vì vậy, Chương trình đã gián tiếp thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và phát triển thị trường công nghệ ở trong nước.

9h25 | 22 / 12 / 2017:

Từ thực tế đã triển khai, theo nhìn nhận của ông để chương trình hiệu quả hơn nữa, xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất để thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp của địa phương cần lưu ý thêm những yếu tố nào? (Phạm Văn Hòa - Kon Tum)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Từ thực tiễn triển khai Chương trình để chương trình hiệu quả hơn nữa, xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất để thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp của địa phương cần lưu ý trong thực hiện các công việc sau:

- Làm tốt việc hướng dẫn tổ chức trong đề xuất dự án để đảm bảo các dự án đề xuất đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu của Chương trình.

- Ưu tiên lựa chọn các dự án hướng vào phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương.

- Ưu tiên các dự án do doanh nghiệp chủ trì thực hiện để tạo nòng cốt trong chuỗi giá trị sản xuất; ưu tiên các dự án có sự tham gia của doanh nghiệp và các khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm; hướng việc đẩy mạnh liên kết trong tổ chức thực các dự án, xây dựng mối liên kết “4 nhà” hiệu quả, bền vững.

Làm tốt các công việc trên thì Chương trình sẽ thiết thực hơn trong thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn.

9h37 | 22 / 12 / 2017:

Hiện nay vẫn có nhiều ý kiến của địa phương phản ánh về việc tiến độ giải ngân của chương trình còn chậm. Theo ông việc này có thể khắc phục được như thế nào? (Nguyễn Đức Hải - Quảng Nam)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Đúng là tiến độ dải ngân của nhiều dự án thuộc Chương trình, nhất là các dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2016 có chậm so với kế hoạch. Việc này chủ yếu là do các quy định về tổ chức đấu thầu các dự án thuộc Chương trình chậm được Bộ KH&CN ban hành (ban hành ngày 30/9/2016) nên công tác thẩm định kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đấu thầu để thực hiện chậm 6 – 9 tháng so với kế hoạch làm cho tiến độ thực hiện dự án nói chung cũng như tiến độ giải ngân nói riêng bị chậm lại.

Hiện nay các văn bản quản lý liên quan tới Chương trình đều đã được ban hành nên các dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2017 sẽ ít gặp khó khăn về tiến độ dải ngân. Trường hợp chậm tiến độ nếu có thì nguyên nhân chắc chắn là ở khâu tổ chức triển khai thực hiện dự án của Tổ chức chủ trì và Tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ.

Để hạn chế việc chậm tiến độ thì việc quan trọng nhất là phải cụ thể hóa kế hoạch thực hiện cho từ năm và kế hoạch được xây dựng phải có tính khả thi cao. Khi thực hiện phải bám sát kế hoạch tiến độ. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn vướng mắc phải tập trung xử lý dứt điểm. Trường hợp các đơn vị thực hiện không xử lý được thì phải báo cáo với các cơ quan quản lý để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ông Nguyễn Đức Kiên (trái) - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang tham gia Cuộc giao lưu trực tuyến

9h09 | 22 / 12 / 2017:

Bắc Giang được đánh giá là có nhiều thành tựu trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật – công nghệ vào phát triển kinh tế địa phương. Xin được hỏi ông Nguyễn Đức Kiên, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương mình? (Nguyễn Tuấn Linh – Hà Nội – 35 tuổi)

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Bắc Giang là một tỉnh nông nghiệp có nhiều sản phẩm chủ lực. Vì vậy việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế xã hội là một nhu cầu bức xúc của tỉnh. Chính vì vậy tỉnh Bắc Giang rất quan tâm đến việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào phát triển kinh tế xã hội.

Trong những năm qua, Sở KH&CN Bắc Giang xác định đưa các tiến bộ KH&KT vào sản xuất các sản phẩm chủ lực là một ưu tiên.

Đầu tiên Sở xác định những nhiệm vụ KH&CN phải xuất phát từ nhu cầu của các địa phương (các huyện). Các huyện dựa trên nhu cầu của mình đề xuất các nhiệm KH&CN sau đó gửi UBND tỉnh, trên cơ sở đó Sở KH&CN đề xuất với Bộ KH&CN triển khai nhiệm vụ.

Thứ hai, trên cơ sở xác định sản phẩm chủ lực của tỉnh, Sở KH&CN trình UBND tỉnh thực hiện các đề tài dự án.

Thứ ba, chọn các chủ trì dự án thực sự có năng lực và chọn lựa các công nghệ được chuyển giao phù hợp với địa phương và nhu cầu của người dân.

Trên cơ sở triển khai các đề tài dự án Sở tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện đề tài dự án với mục tiêu dự án đó phải được nhân rộng và có điều kiện để phát triển ở địa phương.

Một kinh nghiệm nữa tôi muốn chia sẻ đó là làm khoa học thì phải dấn thân, vất vả và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì các dự án đó mới hiệu quả.

ông Nguyễn Thế Ích - Chánh văn phòng Chương trình Nông thôn - Miền núi (trái) tham gia chương trình giao lưu.

9h12 | 22 / 12 / 2017:

Chương trình nông thôn miền núi đã trải qua 3 giai đoạn triển khai (1998-2002, 2004-2010, 2011-2015) và hiện đang triển khai giai đoạn 2016-2025. Ông có thể cho biết so với năm 1998 đến nay thì việc triển khai đã có những thay đổi thuận lợi hơn như thế nào? (Nguyễn Văn Hưng, Nam Định, 40 tuổi)

Ông Nguyễn Thế Ích: Qua 19 năm thực hiện, Chương trình NTMN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện 4 giai đoạn và mỗi giai đoạn đều có những thay đổi nhất định. Giai đoạn sau xây dựng chính sách đã khắc phục những tồn tại của giai đoạn trước, chính sách hỗ trợ phù hợp với các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đáp ứng được yêu cầu thực tiễn góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Có thể đánh giá sự thay đổi chính sách thông qua 4 nội dung chính quyết định sự thành công của dự án, đó là:
- Cơ quan chủ trì dự án;
- Vốn để thực hiện dự án;
- Về công nghệ chuyển giao;
- Chính sách và kinh nghiệm của cơ quan quản lý.

* Về cơ quan chủ trì dự án

- Giai đoạn 1998-2002:
Các Sở KH&CN là cơ quan chủ trì thực hiện dự án và Lãnh đạo Sở là Chủ nhiệm dự án. Bộ KH&CN ký hợp đồng với Sở KH&CN và Sở KH&CN ký hợp đồng với cơ quan chuyển giao công nghệ để triển khai dự án tại địa bàn (huyện, xã là đơn vị tiếp nhận công nghệ). Sở KH&CN có trách nhiệm cấp kinh phí, phối hợp, đôn đốc thực hiện theo tiến độ, tổ chức nghiệm thu kết quả và báo cáo Bộ KH&CN

- Giai đoạn 2004-2010; 2011-2015 và giai đoạn 2016-2025:
Sở KH&CN không làm chủ trì dự án nữa mà chuyển sang cho các đơn vị chủ trì trực tiếp tiếp nhận công nghệ (các cấp chính quyền huyện, xã…, các Trung tâm trực thuộc Sở hoặc các doanh nghiệp, HTX hoạt động trên địa bàn tỉnh). Việc thay đổi đơn vị chủ trì dự án đem lại nhiều thuận lợi trong việc triển khai thực hiện dự án vì những lý do như sau:

+ Tách biệt vai trò quản lý nhà nước, Sở KHCN trở lại đúng vai trò là người hướng dẫn, điều phối, hỗ trợ và thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước đối với những dự án được triển khai tại địa phương.

+ Đơn vị chủ trì là đơn vị tiếp nhận công nghệ nên đã gắn quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong việc đề xuất và thực hiện dự án.

+ Đặc biệt, giai đoạn 2016-2025, nhấn mạnh vai trò của Doanh nghiệp Các dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Qua số liệu thống kê của các dự án đã thực hiện cho thấy:
- Sự tham gia của doanh nghiệp làm đơn vị chủ trì thực hiện dự án tăng dần
- Giảm dần sự tham gia của các tổ chức chủ trì dự án là các đơn vị hành chính sự nghiệp.

* Vốn để thực hiện dự án:
Qua tổng kết đánh giá các giai đoạn:
- Tỷ lệ % kinh phí hỗ trợ từ NSNN giảm dần qua các năm
- Thu hút nguồn lực ngoài ngân sách tham gia vào thực hiện dự án ngày càng tăng
- Đặc biệt yêu cầu vốn đối với các dự án ủy quyền cho địa phương quản lý giai đoạn 2016-2025: phần kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho dự án bắt buộc phải lớn hơn kinh phí do trung ương hỗ trợ.

* Về yêu cầu về công nghệ:

Giai đoạn 1998-2002:

Đối tượng tham gia chuyển giao công nghệ là các cơ quan khoa học và công nghệ ở Trung ương (Viện nghiên cứu và trường Đại học), không có thành phần doanh nghiệp. Không có yêu cầu về công nghệ được lựa chọn để chuyển giao.

Giai đoạn 2004-2010 và Giai đoạn 2011-2025:

Đối tượng chuyển giao công nghệ được mở rộng cho cả doanh nghiệp. Việc bổ sung đối tượng doanh nghiệp cho thấy các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ đã nhìn thấy tiềm năng và hiệu quả của đối tượng doanh nghiệp trong việc nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Cùng với việc bổ sung đối tượng tham gia chuyển giao công nghệ thì các công nghệ chuyển giao cũng được mở rộng (bổ sung các công nghệ nhập từ nước ngoài) và các tiêu chí lựa chọn công nghệ chuyển giao cũng được quy định cụ thể hơn trong các văn bản quản lý Chương trình, cụ thể là:

- Công nghệ tạo ra trong nước đã được đánh giá, công nhận cho phép ứng dụng và chuyển giao, đảm bảo tiên tiến hơn so với công nghệ hiện có của địa phương.

- Công nghệ nhập từ nước ngoài nhưng phải chứng minh được tính thích nghi và năng lực làm chủ công nghệ đó của cơ quan chuyển giao công nghệ.

- Công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.

- Công nghệ đã có quy trình kỹ thuật ổn định, phù hợp với khả năng tiếp thu của các tổ chức và người dân vùng dự án.

Giai đoạn 2016-2025:

Ngoài các yêu cầu như các giai đoạn 2004-2010 và 2011-2015, Giai đoạn 2016-2025 yêu cầu chặt chẽ hơn về tính pháp lý của công nghệ cũng như quyền chuyển giao công nghệ của Tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ:

- Công nghệ phải được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia đã được đánh giá, nghiệm thu từ mức đạt trở lên.

- Tổ chức chủ trì phải là chủ sở hữu công nghệ hoặc có quyền chuyển giao hợp pháp công nghệ hoặc là Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước tạo ra công nghệ được ứng dụng chuyển giao.

* Về xây dựng chính sách và văn bản quản lý:

- Việc xây dựng chính sách ngày càng hoàn thiện hơn, giai đoạn sau xây dựng các chính sách trên cơ sở khắc phục các tồn tại của giai đoạn trước.

- Kinh nghiệm quản lý từ TW đến địa phương ngày càng được nâng lên.

Như vậy, so với năm 1998, các cơ quan tham mưu xây dựng chính sách để quản lý Chương trình ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với chủ trương đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Tôi tin tưởng rằng với hệ thống chính sách hiện nay sẽ góp phần thực hiện thành công Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025 mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Hiện nay, công ty chúng tôi đang thành lập một dự án về nông nghiệp, muốn tham gia chương trình nông thôn miền núi, tôi phải làm những gì? Quy trình thủ tục hồ sơ như thế nào? Tôi có phải đợi thông báo nộp hồ sơ hay là cứ nộp về Văn phòng Nông thôn - Miền Núi (Ths Phùng Công Định)

Ông Nguyễn Thế Ích: Tháng một hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có công văn hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo các sở KH&CN chủ trì hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc Chương trình Nông thôn - Miền núi.

Bạn cần nghiên cứu các chính sách liên quan đến Chương trình Nông thôn - Miền núi như Thông thư 07/2016/TT-BKHCN ngày 22/04/2016 Qui định Quản lý Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Nông thôn - Miền núi - Vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025; Thông tư 348/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 30/12/2016 Qui định Quản lý tài chính thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Nông thôn - Miền núi - Vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.

Sau đó, bạn lựa chọn các đối tượng chuyển giao phù hợp để xây dựng các thuyết minh có tính khả thi, liên hệ trực tiếp với Sở KH&CN, nộp hồ sơ theo qui định.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu (trái) trả lời câu hỏi của bạn đọc.

9h57 | 22 / 12 / 2017:

Tôi là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội với chuyên ngành chăn nuôi. Tôi muốn hỏi với tư cách nhà khoa học độc lập, tôi có thể tham gia các dự án của chương trình nông thôn miền núi không? Nếu có tôi cần làm những thủ tục gì? (Một bạn đọc ở Hà Nội)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Chương trình Nông thôn - Miền núi được tổ chức dưới dạng các dự án ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN. Một dự án sẽ có một tổ chức chủ trì và 1-2 tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ thực hiện trong dự án (còn gọi là tổ chức chuyển giao công nghệ).

Theo những quy định hiện hành của Chương trình, việc tham gia hỗ trợ ứng dụng công nghệ các dự án phải là các tổ chức khoa học có sở hữu công nghệ như viện nghiên cứu, trường đại học…; việc chủ trì dự án cũng phải là các tổ chức như doanh nghiệp, HTX, đơn vị sự nghiệp, hoặc cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương…

Một nhà khoa học độc lập không thể trực tiếp là chủ dự án hoặc là đại diện hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho dự án. Do vậy, một nhà khoa học muốn tham gia với tư cách chuyển gia tiến bộ KHKT thì cần phải thông qua một tổ chức như đã nói ở trên. Đối với trường hợp của anh, việc tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cần thông qua trường đại học nơi anh đang công tác.

Là nhà khoa học thường xuyên tiếp xúc với nông dân, tôi thấy rằng, những người nông dân ở vùng miền núi tuy học hành, hứng thú với cái mới nhưng họ chỉ làm được 1 thời gian lại quy về nếp canh tác cũ. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giới thiệu cho bà con nông dân? (Bạn đọc Dương Văn Huynh - Hà Nội)

10h15 | 22 / 12 / 2017:
Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Trước hết, tôi đồng ý với nhận định của ông/bà, tuy nhiên việc “bảo thủ” về phương thức canh tác của người dân miền núi có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, điều kiện sản xuất của đồng bào miền núi rất khó khăn, chủ yếu dựa vào thiên nhiên; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khó kiểm soát được, chính vì vậy mà sản xuất hàng hóa không phát triển, thu nhập của người dân thấp. Thứ hai, hầu hết các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao cho người dân ở nhiều năm trước đây không đáp ứng yêu cầu của sản xuất theo chuỗi giá trị, vì vậy, không tạo thành ngành sản xuất hàng hóa mang tính bền vững, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như thế giới. Thứ ba, cơ chế bao cấp kéo dài quá lâu dẫn đến tạo thói quen xấu của người dân là tham gia dự án để lấy kinh phí hỗ trợ chứ không quan tâm tới việc áp dụng công nghệ mới giúp cho việc phát triển sản xuất lâu dài.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên trong việc chuyển giao các tiến bộ KHCN vào khu vực miền núi, vùng dân tộc thì các dự án cần tạo được mối “liên kết 4 nhà”, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp với vai trò nòng cốt trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, đặc biệt là lo xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân. Tức là việc chuyển giao tiến bộ KHCN ở khu vực này muốn có hiệu quả bền vững thì cần phải tổ chức đưa tiến bộ KHCN theo chuỗi giá trị của sản xuất hàng hóa, trong đó quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của người dân sản xuất ra, có như vậy sản phẩm mới tạo được sức cạnh tranh trên thị trường, người dân thu nhập tốt hơn, ổn định lâu dài, từ đó họ mới quan tâm tới việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Kinh nghiệm phát triển sản xuất cây ăn quả của Lục Ngạn, Bắc Giang, cũng như cây cam Cao Phong, Hòa Bình là những minh chứng thành công cho việc chuyển giao tiến bộ KHCN theo chuỗi giá trị và phát triển tài sản trí tuệ của các sản phẩm sản xuất tại khu vực miền núi.

10h45 | 22 / 12 / 2017:

Chương trình nông thôn miền núi sẽ ưu tiên cho những dự án như thế nào khi lựa chọn đề tài? Ông có thể chia sẻ một vài bí quyết, cách làm hồ sơ để dễ dàng nhận được hỗ trợ của chương trình nông thôn miền núi? (Bạn đọc Đào Anh Thư - Ninh Bình)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Trước hết, các dự án đề xuất phải đáp ứng mục tiêu, nội dung của Chương trình theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, những dự án có nội dung liên kết thực hiện theo chuỗi giá trị có doanh nghiệp chủ trì hoặc tham gia thực hiện. Thứ ba, công nghệ được chuyển giao phải có xuất xứ rõ ràng theo các quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN ngày 22/4/2016 của Bộ KH&CN. Một dự án đáp ứng 3 yêu cầu trên chắc chắn sẽ được ưu tiên xem xét hỗ trợ từ chương trình.

Trình tự, thủ tục làm hồ sơ đề xuất dự án thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BKHCN. Anh/chị dành thời gian tìm hiểu nội dung quy định của thông tư để thực hiện đúng. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng yêu cầu về thủ tục theo quy định thì không được đưa ra xem xét hỗ trợ.

10h55 | 22 / 12 / 2017:
Trong thời gian tới, chương trình nông thôn miền núi có đợt tuyển chọn nào nữa không? Nếu có, thì thời hạn tuyển chọn hồ sơ là khi nào? (Bạn đọc Trần Nguyên Hạnh, Thái Nguyên)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì Chương trình Nông thôn miền núi thực hiện trong giai đoạn 2016-2025 nên hằng năm thường có một đợt tuyển chọn hồ sơ. Những dự án thực hiện trong năm 2018, Bộ KH&CN đã tuyển chọn trong năm 2017. Những dự án thực hiện trong năm 2019, Bộ KH&CN sẽ nhận hồ sơ để tuyển chọn chậm nhất vào ngày 30/3/2018.

Nếu cơ quan, đơn vị của anh/chị muốn tham gia dự án phải hoàn thành các thủ tục xem xét ở địa phương để UBND tỉnh, thành phố có văn bản đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN trước ngày 30/3/2018.

10h58 | 22 / 12 / 2017:

Ông đánh giá như thế nào về công tác tuyên truyền về các văn bản pháp quy có liên quan đến Chương trình Nông thôn miền núi cũng như tuyên truyền về các mô hình hiệu quả, triển khai thực hiện các dự án ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ được nhân rộng? (Lê Mạnh Tuấn - Lào Cai)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Trong thời gian qua, thông qua các lớp tập huấn, các tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều tổ chức, cá nhân đã nắm được các quy định liên quan đến việc xây dựng, thực hiện các dự án thuộc Chương trình, đề từ đó đã đề xuất được nhiều dự án phù hợp với mục tiêu của Chương trình. Qua theo dõi, rà soát chúng tôi thấy khoảng gần 50% dự án đề xuất ở các địa phương gửi về Bộ KH&CN đã được lựa chọn để hỗ trợ thực hiện.

Còn việc tuyên truyền về kết quả nhân rộng trong năm qua chưa thực hiện được nhiều. Điều này cũng có nguyên nhân thực tế là hầu hết các dự án đã được phê duyệt cũng mới triển khai, chưa có được các kết quả cụ thể, chưa tạo được mô hình, nên cũng chưa thể nhân rộng. Và như vậy cũng chưa có được các thông tin để tuyên truyền.

Những năm tới đây, khi mô hình ứng dụng KH&CN trong các dự án đã có kết quả thì chắc chắn chúng tôi sẽ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân rộng kết quả. Việc này Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi đã ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông và các đơn vị thông tin, báo chí của Bộ thực hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu trả lời trực tiếp bạn đọc Báo Khoa học và Phát triển tại buổi giao lưu trực tuyến.

11h01 | 22 / 12 / 2017:

Nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa để cộng đồng tiếp cận được các mô hình hiệu quả. Ông có cùng quan điểm này? (Bạn đọc Phạm Văn Hùng - Phú Yên)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Như trên đã nói công tác thông tin, tuyên truyền sẽ phải đầy mạnh hơn trong thời gian tới khi Chương trình có được các mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả.
Tôi đồng ý rằng cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các kết quả thực hiện Chương trình, về các mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả để người dân có thể học theo, làm theo trong phát triển kinh tế, của hộ gia đình, của doanh nghiệp.

Mục đích của làm mô hình cũng chính là để mọi người “mắt thấy, tai nghe” mà làm theo.Những giai đoạn trước của Chương trình chúng ta đã làm tương đối tốt vấn đề này, giai đoạn này ta cần làm tốt hơn để làm cho đầu tư ngân sách của Chương trình đem lại hiệu quả hơn, tác động mạnh mẽ hơn đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

11h04 | 22 / 12 / 2017:

Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp của các địa phương trong thời gian qua khi tham gia chương trình? (Bạn đọc Phan Minh Tâm - Nghệ An)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Trong thời gian qua, các địa phương đã phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn với BỘ KH&CN trong triển khai thực hiện Chương trình. Minh chứng là khi triển khai Chương trình thì việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ được thực hiện nhanh hơn, các dự án đề xuất ngày càng có hàm lượng công nghệ cao hơn, sát thực hơn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, một số địa phương, nhất là ở khu vực Tây Nam, Bộ, Tây Nguyên chưa thực sự quan tâm trong chỉ đạo và tổ chức xác định các dự án để đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN nên chất lượng đề xuất chưa cao, nhiều dự án đề xuất không phù hợp với các mục tiêu, yêu cầu của Chương trình.

Việc cân đối, bố trí kinh phí đối ứng từ ngân sách địa phương cũng rất hạn chế. Nhiều địa phương không bố trí được kinh phí để thực hiện các dự án ủy quyền cho địa phương quản lý. Điều này cũng thể hiện tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ nại vào Trung ương trong triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn.

11h10 | 22 / 12 / 2017:

Việc đưa tiến bộ kỹ thuật về với nông thôn, miền núi là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ. Trách nhiệm này được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiều năm qua. Ông có kiến nghị gì để công tác này thuận lợi và hiệu quả hơn nữa!

Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu: Theo tôi để việc đưa tiến bộ kỹ thuật về với nông thôn, miền núi ngày càng có hiệu quả hơn thì những việc cần làm là:

- Phải thể chế hóa về trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đối với việc tổ chức đưa các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; coi ứng dụng tiến bộ KH&CN là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

- Vì ứng dụng các tiến bộ KH&CN chính là công cụ để phát triển kinh tế - xã hội nên cần đưa các tiêu chí về ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường vào tiêu chí của nông thôn mới để đảm bảo xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, hướng vào phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, giải quyết các vấn đề cấp thiết về phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường của địa phương.

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ cán bộ KH&CN chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào khu vực nông thôn, miền núi, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiệu số.

Trên đây là một số đề xuất của tôi để việc đưa tiến bộ kỹ thuật về với nông thôn, miền núi ngày càng có hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Đức Kiên (phải) tại chương trình giao lưu trực tuyến.

9h40 | 22 / 12 / 2017:

Riêng chương trình nông thôn miền núi, thời gian qua Bắc Giang đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông? Ông ấn tượng với kết quả nào? Xin chia sẻ cụ thể? (Trần Minh Tuấn – Bạc Liêu – 40 tuổi).

Ông Nguyễn Đức Kiên: Có thể nói trong thời gian qua tỉnh Bắc Giang được Bộ KH&CN quan tâm cho triển khai một số dự án KH&CN thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi. Chúng tôi cho rằng chương trình phát triển KH&CN phục vụ nông thôn – miền núi là một trong những chương trình có ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc ứng dụng KH&CN vào phát triển KH&CN địa phương.

Bắc Giang là một tỉnh nông nghiệp có nhiều các sản phẩm chủ lực như: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, nấm, chăn nuôi lợn, cây dược liệu, cây lâm nghiệp… Đây là những sản phẩm mang tính thương hiệu của địa phương góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Những sản phẩm này đều được phát triển trên cơ sở các dự án KH&CN thuộc chương trình Nông thôn - Miền núi. Nói như thế để thấy rằng hiệu quả của Chương trình Nông thôn – Miền núi đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nói chung, của Bắc Giang nói riêng.

Ví dụ đối với sản phẩm vải thiều, thông qua dự án hỗ trợ của Bộ KH&CN từ diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP ban đầu chỉ có hơn 1ha, đến nay diện tích này đã tăng lên 13.000ha. Chất lượng vải thiều được nâng lên rõ rệt làm cho giá bán tăng từ 5-10.000đồng/kg đến nay giá trung bình từ 30-40.000đồng/kg. Như vậy với việc đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã góp phần tăng đáng kể giá trị hàng hóa.

Hay như với sản phẩm gà đồi Yên Thế, thông qua sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, đàn gà Yên Thế đến nay đã tăng quy mô lên đến 14-15 triệu con/năm – đứng hàng thứ ba trên toàn quốc về chăn nuôi gia cầm. Điều này cũng giúp Bắc Giang tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao đời sống người dân…

Như vậy thông qua việc triển khai các đề tài dự án KH&CN thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi, Bắc Giang đã xây dựng thành công các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong số nhiều dự án đã thực hiện thành công, điều mà chúng tôi ấn tượng nhất là các sản phẩm chủ lực này không những được bảo hộ thương hiệu ở trong nước mà các sản phẩm chủ lực này còn được bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài.

Ví dụ vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Lào và Campuchia. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành các thủ tục để đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản. Đồng thời vải thiều Bắc Giang chuẩn bị được bảo hộ tại 28 nước Liên minh Châu Âu theo Hiệp định giữa Việt Nam và các nước Liên minh Châu Âu. Sản phẩm gà đồi Yên Thế, sản phẩm mỳ Kế và mỳ Chũ, cũng được bảo hộ tại các nước trên. Thông qua việc bảo hộ ở nước ngoài các sản phẩm này được bảo vệ danh tiếng, đồng thời được bảo hộ thương hiệu và giá trị sản phẩm giúp cho việc xuất khẩu sản phẩm này sang nước ngoài.

10h03 | 22 / 12 / 2017:

Ông đánh giá như thế nào mối liên kết 5 nhà khi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nông thôn – miền núi? (Nguyễn Văn Hà – Sơn La – 45 tuổi).

Ông Nguyễn Đức Kiên: Chúng tôi cho rằng để đưa tiến bộ KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn – miền núi cần thiết phải có sự vào cuộc một cách trách nhiệm của 5 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và người dân).

Nhà quản lý phải thấy rõ trách nhiệm của mình để ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện để KH&CN phát triển. Nhà khoa học ngoài việc nghiên cứu các tiến bộ KH&CN, còn phải thấy rõ các nhu cầu ứng dụng KH&CN của người dân (nhu cầu của thị trường). Chỉ có như vậy thì công nghệ đó mới được triển khai hiệu quả. Một vấn đề không thể thiếu khi chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới đó là sự vào cuộc một cách trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Bởi vì chính các doanh nghiệp mới có nhiều điều kiện về tiếp thu công nghệ, tư liệu sản xuất, vốn và có điều kiện phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong mối liên kết này vai trò của ngân hàng cũng rất quan trọng, bởi vì muốn mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, mở rộng thị trường thì các doanh nghiệp và người dân cần phải có đủ nguồn tài chính. Nếu như ngân hàng có cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân vay vốn thì sẽ giải quyết được vấn đề vốn. Nói gì thì nói, trong điều kiện hiện nay khi đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân, thì vai trò tham gia của người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu các nhà khoa học có công nghệ tốt, có quy trình sản xuất tiến bộ, doanh nghiệp muốn tham gia, nhà nước có chính sách tốt, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn, nhưng người dân chưa sẵn sàng tham gia thì việc ứng dụng triển khai tiến bộ KH&CN sẽ vô cùng khó khăn.

Chính vì vậy để đưa tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, miền núi thì mối liên kết chặt chẽ của 5 nhà mang yếu tố quyết định.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang chia sẻ với bạn đọc Báo Khoa học và Phát triển tại buổi giao lưu trực tuyến.

10h24 | 22 / 12 / 2017:
Các dự án nông thôn – miền núi có tham gia vào việc phát triển sản phẩm chủ lực của Bắc Giang không thưa ông? (Hoàng Minh Tuyết – Hà Nội – 40 tuổi)

Ông Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 8 sản phẩm chủ lực nổi tiếng đã được xây dựng thương hiệu không những ở trong nước mà còn được bảo hộ ở nước ngoài, như: sản phẩm nấm, gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, giống cây lâm nghiệp, gạo thơm Yên Dũng, mỳ kế, mỳ chũ, cây ăn quả có múi. Đặc biệt, những sản phẩm chủ lực này hầu hết đều được thông qua triển khai các nhiệm vụ KHCN thuộc chương trình ứng dụng KHCN phục vụ phát triển Nông thôn – miền núi.

Thông qua các đề tài, dự án các tiến bộ KHCN được chuyển giao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của các sản phẩm chủ lực. Như sản phẩm gạo thơm Yên Dũng, sau khi được triển khai đề tài, dự án từ quy mô 40ha năm 2014, đến nay quy mô đã được mở rộng lên gần 1.000ha, chất lượng gạo thơm Yên Dũng được nâng cao có sức cạnh tranh trên thị trường, được nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; dự án sản xuất nấm ở Bắc Giang, sau khi được triển khai thì quy mô không nhưng chỉ ở huyện Lạng Giang mà còn mở rộng phát triển ở các huyện khác như Việt Yên, thành phố Bắc Giang và Hiệp Hòa.

Thông qua đề tài, dự án này, tỉnh Bắc Giang đã ban hành 3 đề án phát triển nấm. Đây là hình thức nhân rộng hiệu quả nhất thông qua triển khai nhiệm vụ KHCN. Đặc biệt thông qua Chương trình này nhiều sản phẩm chủ lực của Bắc Giang đã được bảo hộ ở nước ngoài như gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, mỳ kế, mỳ chũ đã được bảo hộ tại một số quốc gia như Mỹ, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia…

10h46 | 22 / 12 / 2017:

Hiện Bắc Giang có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới như thế nào, thưa ông? (Vũ Văn Bình – Hải Dương – 50 tuổi).

Ông Nguyễn Đức Kiên: Tỉnh ủy, hội đồng nhân dân UBND tỉnh Bắc Giang trong những năm qua đặc biệt quan tâm đến phát triển KHCN nhất là công nghệ cao. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho KHCN phát triển nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2016, ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành nghị quyết chuyên đề về ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết này. Theo đó, tỉnh dành ngân sách hỗ trợ cho việc xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như hỗ trợ nhà lưới, quy trình sản xuất công nghệ cao. Sau 1 năm triển khai đã có 40 mô hình sản xuất nông nghiệp CNC do người dân thực hiện. Mục tiêu của nghị quyết này là đến năm 2020 tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương có nền nông nghiệp ứng dụng CNC.

Sở KHCN tham mưu ủy ban tỉnh có chính sách hỗ trợ đối ứng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia triển khai chương trình Nông thôn – miền núi từ 10-50% kinh phí triển khai đề tài được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/dang-dien-ra-giao-luu-truc-tuyen-dua-tien-bo-ky-thuat-ve-nong-thon-mien-nui/20171221110039137p1c785.htm