Phản ứng của các nước khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris

Nhiều quốc gia bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ hôm qua (4/11) chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Hiện thời gian của Mỹ đứng ngoài Hiệp định này cũng sẽ được quyết định bởi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống, với ứng cử viên Joe Biden từng đề cập sẽ quay trở lại Thỏa thuận khí hậu nếu giành chiến thắng.

Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đúng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters).

Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đúng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters).

Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên công bố ý định rút khỏi Hiệp định Paris từ năm 2017, với lập luận rằng hiệp định này gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cho tới nay Mỹ mới có thể chính thức rút khỏi hiệp định này do những quy định ràng buộc.

Cơ quan Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Anh, Pháp, Chile và Italy ra tuyên bố bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarri nhấn mạnh, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ để lại khoảng trống trong cơ chế hợp tác cũng như những nỗ lực toàn cầu để đạt được các mục tiêu và tham vọng của Hiệp định Paris.

Ông Stephane Dujarri nói: “Không có trách nhiệm nào lớn hơn việc bảo vệ hành tinh và con người khỏi mối đe dọa của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Khí hậu Paris cung cấp khuôn khổ phù hợp để giảm tác động của sự nóng lên toàn cầu. Các nước đều tiếc với quyết định của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh đang có quyết tâm toàn cầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi đang có một niềm tin mạnh mẽ và tích cực về việc tiếp tục ủng hộ Thỏa thuận Paris”.

Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Katsunobu Kato hôm nay (5/11) cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, khẳng định biến đổi khí hậu không phải là vấn đề đơn lẻ của nước Mỹ mà đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Với kết quả bầu cử Mỹ chưa ngã ngũ, thời gian Mỹ nằm ngoài Hiệp định Paris dự kiến phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống, khi ông Joe Biden cam kết sẽ đưa nước Mỹ quay lại hiệp định này nếu trúng cử. Một nhóm đại diện cho các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu hôm qua cũng ra tuyên bố hối thúc Mỹ nhanh chóng trở lại Thỏa thuận khí hậu toàn cầu này.

Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa cho rằng, dù đã rút khỏi Hiệp định Paris, Mỹ vẫn là một thành viên của UNFCCC và cơ quan này "sẵn sàng hỗ trợ nếu Mỹ nỗ lực quay trở lại với Hiệp định”. Bà Patricia Espinosa hoan nghênh bước đi của nhiều quốc gia đang nỗ lực để đạt được những mục tiêu tham vọng này. Theo đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đặt mục tiêu trung lập carbon vào năm 2050 và cam kết của Trung Quốc đạt được mục tiêu này vào năm 2060:

“Những cam kết này là một đóng góp đáng kể giúp quốc tế đạt được các mục tiêu theo thỏa thuận khí hậu Paris. Và điều đó sẽ giúp cho tương lai của nhân loại trên hành tinh này”, bà Patricia Espinosa cho biết.

Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định, kể cả có sự tái tham gia của Mỹ- một trong những quốc gia có lượng khí thải nhà kính cao nhất thế giới, để đạt được những mục tiêu tham vọng của Thỏa thuận khí hậu Paris vẫn cần ngay lập tức có hành động quyết liệt từ chính phủ và người dân của tất cả các quốc gia thành viên./.

Phạm Hà/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-cua-cac-nuoc-khi-my-chinh-thuc-rut-khoi-hiep-dinh-khi-hau-paris-815348.vov