Toàn tỉnh có 1.078ha lúa bị nhiễm khô vằn và rầy nâu

Thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho bệnh khô vằn, rầy nâu phát sinh gây hại trên lúa đông-xuân, toàn tỉnh có 1.078ha lúa bị nhiễm khô vằn và rầy nâu.

Hiện nay, lúa đông-xuân trà đầu chín sữa, trà chính vụ đang trổ bông, trà muộn giai đoạn ôm đòng, lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Theo kết quả điều tra đồng ruộng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, tính đến ngày 16-4-2021, diện tích nhiễm bệnh khô vằn toàn tỉnh là 767ha. Trong đó, huyện Lệ Thủy 331ha, Quảng Ninh 250ha, Tuyên Hóa 68ha, Bố Trạch 41ha, Quảng Trạch 35ha, Minh Hóa 25ha, TP. Đồng Hới 17ha. Tỷ lệ bệnh phổ biến 7-10%, nơi cao 20-30%. Cấp bệnh phổ biến 1-3, nơi cao cấp 5-7.

Các địa phương khẩn trương thông báo, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và triển khai phòng trừ bệnh khô vằn, rầy nâu kịp thời.

Các địa phương khẩn trương thông báo, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và triển khai phòng trừ bệnh khô vằn, rầy nâu kịp thời.

Diện tích nhiễm rầy toàn tỉnh là 311ha, trong đó, huyện Lệ Thủy 115ha, Quảng Ninh 70ha, Bố Trạch 35ha, TX. Ba Đồn 31ha, Quảng Trạch 30ha, Tuyên Hóa 25ha, Minh Hóa 5ha. Mật độ phổ biến 500-700 con/m2, nơi cao 1.500-2.000 con/m2, cục bộ ổ rầy 5.000-8.000 con/m2 (ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh) chủ yếu trên các giống lúa P6, VN20, Nhị Ưu 838…

Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay, lúa đông-xuân đã trổ khoảng 17.000ha, bệnh khô vằn, rầy nâu gây hại giai đoạn trổ chín sẽ làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa. Vì vậy, các địa phương khẩn trương thông báo, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và triển khai phòng trừ kịp thời theo các biện pháp kỹ thuật.

Đối với bệnh khô vằn, bà con sử dụng các thuốc có hoạt chất để phòng trừ, như: Hexaconazole, Polyoxin B, Difenoconazole… Những ruộng bị bệnh nặng phun 2 lần, lần 2 cách lần 1 khoảng 5-7 ngày.

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, bà con triển khai phòng trừ sớm khi mật độ còn thấp và tuổi còn nhỏ mới có hiệu quả cao; sử dụng các thuốc có hoạt chất để phòng trừ, như: Buprofezin, Imidacloprid, Fenobucarb, Pymetrozine… Cần phun thuốc vào gốc lúa nơi rầy tập trung cư trú và sử dụng đủ lượng nước thuốc đúng như hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

Ngoài ra, trên đồng ruộng còn có các đối tượng sâu bệnh gây hại, như: chuột, bệnh bạc lá, bệnh đốm nâu, bệnh đạo ôn... Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bà con nông dân cần tập trung phòng trừ các loại sâu bệnh và chuột hại theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Đặng Thảo

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202104/toan-tinh-co-1078ha-lua-bi-nhiem-kho-van-va-ray-nau-2188074/