Toàn thân chảy mủ vì điều trị vảy nến bằng thuốc đông y

Một ca bệnh thương tâm điều trị vảy nến bằng thuốc đông y không rõ nguồn gốc dẫn đến chảy mủ toàn thân, suy thận đang được các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương cứu chữa.

PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện tại bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân N.C.C (45 tuổi, ở Hà Nội) bị vảy nến kèm biến chứng suy thận do điều trị sai cách.

Trước đó, bệnh nhân C. nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân bị suy thận. Sau khi được điều trị tích cực, hiện nay tuy bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch nhưng đang phải vừa điều trị vảy nến vừa chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân vảy nến tại BV Da liễu Trung ương

Bệnh nhân C. chia sẻ, trước khi đến viện, trên cơ thể anh phát hiện có các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ. Qua thăm khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ xác định anh C. bị bệnh vảy nến.

Tuy nhiên, thay vì nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, anh lại làm theo lời khuyên của người quen điều trị bằng thuốc đông y.

Theo hướng dẫn, bệnh nhân uống 6 thìa thuốc sắc/ngày. Sau nửa tháng uống thuốc, bệnh nhân bị nhiễm trùng, toàn thân chảy mủ phải quay lại Bệnh viện Da liễu Trung ương cấp cứu.

Trong 1 tháng sau đó, da tay da chân bong như bóng bì. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn được phát hiện bị suy thận.

Theo BS. Doanh, việc điều trị vảy nến bằng các phương pháp không chính thống khiến cho bệnh không những không khỏi mà còn để lại những biến chứng đáng tiếc. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã từng gặp một số trường hợp bệnh nhân đang từ thể nhẹ ổn định, bất ngờ chuyển sang thể nặng. Bệnh vảy nến không đơn thuần là bệnh ngoài da mà nó là bệnh hệ thống cho nên một số trường hợp nặng lên sau điều trị sai cách.

Bên cạnh đó, BS. Doanh cũng nhấn mạnh, có trường hợp biến chứng là hậu quả của việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, trong đó hay gặp nhất là ngộ độc do kim loại nặng, rất nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị theo dân gian khiến ngộ độc asen mạn tính, hoặc các thuốc dùng không kiểm chứng, thuốc pha thêm đông y vào tây y khiến gặp các biến chứng suy thận, suy thượng thận,…

Một trong những phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh vảy nến hiện nay đó là điều trị bằng UVB dải hẹp toàn thân. Đối với kiểm soát trường hợp bệnh nhân vảy nến mức độ vừa và nặng thì UVB dải hẹp đáp ứng tốt (khoảng 80% các trường hợp được nghiên cứu là đáp ứng tốt đến rất tốt; một số trường hợp khác cần chuyển phác đồ điều trị tùy đáp ứng của bệnh nhân). Đây là phương pháp mới, ổn định bệnh lâu dài (so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng).

Anh Cúc (TH)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/toan-than-chay-mu-vi-dieu-tri-vay-nen-bang-thuoc-dong-y-p44385.html