Toàn tập Nguyễn Văn Xuân: Di sản chữ, di sản người

Đó là ghi nhận của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc-Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn sáng qua 22/12 tại lễ ra mắt bộ Toàn tập Nguyễn Văn Xuân.

Toàn tập Nguyễn Văn Xuân ảnh: Tr.T

Toàn tập Nguyễn Văn Xuân ảnh: Tr.T

Buổi lễ do Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng và NXB Hội nhà văn tổ chức, với sự tham dự của đông đảo các văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu văn học cả nước.

Với dung lượng 7 tập, gần 4.000 trang sách khổ lớn, đây có thể xem là “tập đại thành” thời hiện đại, với những công trình sáng tác, nghiên cứu sâu sắc, hấp dẫn về xứ Quảng và dải đất Đàng Trong theo chiều dài suốt nhiều trăm năm qua của nhà văn, học giả Nguyễn Văn Xuân. Nguyễn Văn Xuân (1921-2007) từng cộng tác với Tiểu thuyết thứ Bảy và nhiều tạp chí nổi tiếng ở Hà Nội và Sài Gòn từ thời 16-17 tuổi. Và cho đến tận cuối đời, ông liên tục miệt mài trên trang giấy, cho dù biết bao tai ương, khó nghèo dồn đuổi.

Trong bài “Tại sao tôi cầm bút”, ông cho biết: “Sau năm 1954, tôi tự đặt vấn đề nan giải, đi vào Sài Gòn, nơi tôi có nhiều bạn bè, nơi chắc chắn tôi có đời sống bảo đảm nhiều mặt mà không phải lo sợ những va chạm với tính đố kỵ thường xảy ra. Vùng này với những người vừa ham cãi, vừa hiếu động, tự dưng mang vạ lây vào mình, không khó... Nhưng nếu đi vào Sài Gòn thì địa phương sẽ ra sao? Tôi quen một số anh em có chí hướng, có lý tưởng thì họ đã đi đâu hoặc đã cao chạy xa bay hết. Chẳng lẽ để một khối lịch sử, văn hóa những nhân vật, những sự kiện lớn lao đi vào quên lãng, coi như chẳng đã có việc gì xảy ra từ một vùng đất vốn có trên bốn trăm năm lịch sử xây bằng mồ hôi, máu, hi sinh và sáng tạo. Tôi nhất định không đào ngũ. Tôi quyết tâm ở lại để tiếp xúc với dĩ vãng”.

Để ra được bộ toàn tập này, Chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại miền Trung và cá nhân nhà văn Thái Bá Lợi - Trưởng chi nhánh, đã phải “vật vã” suốt mấy năm trời. Từ chuyện bản quyền, bản thảo, đến chi phí in ấn. Riêng kinh phí in ấn lên tới tiền tỷ là khâu gay go nhất. May mắn nhà văn Thái Bá Lợi có người em đồng hương Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhận tài trợ in ấn. Nhưng sau thấy doanh nghiệp của người em gặp nhiều khó khăn, ông Lợi lặng lẽ “rút”, chỉ nhận một phần kinh phí hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng. Số tiền in còn lại xoay mãi không ra. Nhiều nơi hứa, rồi “quên”.

Đến lúc bí quá, ông Lợi định in bằng máy tính ra mấy bộ để lưu lại, rồi sau này người khác có tiền sẽ in, thì NSND Huỳnh Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng “ra tay”. Ông Hùng kiên trì thuyết phục được lãnh đạo thành phố hỗ trợ 400 triệu đồng để mua 160 bộ một khoản tiền không nhỏ vào thời điểm Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn. Một vị lãnh đạo người Quảng Nam đang ở Hà Nội nhận mua 40 cuốn với 100 triệu đồng. Vậy là vừa đủ tiền để toàn tập Nguyễn Văn Xuân ra đời với số lượng 300 bộ. Gia đình học giả Nguyễn Văn Xuân thông cảm với sự eo hẹp kinh phí, đã đồng ý nhận nhuận bút chỉ một nửa bằng tiền, nửa còn lại nhận bằng 40 cuốn sách đã giảm 40%. “Anh em thân thiết nói với tôi, rằng làm xong bộ sách này là Thái Bá Lợi khỏi cần làm sách nữa”, nhà văn Thái Bá Lợi không giấu được niềm vui.

Cái nghèo đã suốt đời dồn đuổi nhà văn, giờ vẫn như “đeo bám” vào những đứa con tinh thần của ông. Nhưng với bộ toàn tập này, nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thì Nguyễn Văn Xuân để lại một “di sản chữ” cho vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Và chính cuộc đời học giả Nguyễn Văn Xuân cũng chính là một “di sản người” cao quý, về tinh thần học hỏi, nghiên cứu công phu, sâu rộng, về đức tính khiêm nhường, về tình yêu quê hương, con người... Còn nói như nhà thơ Đông Trình, đây là một công trình “hoành tráng, đồ sộ và kịp thời”. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nhận xét, học giả Nguyễn Văn Xuân dù đã được Đà Nẵng đặt tên đường, nhưng với bộ toàn tập này mới hiện lên toàn vẹn tầm vóc của ông. Đây sẽ là cơ sở, cơ hội để nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn không chỉ về giá trị của Nguyễn Văn Xuân, mà cả về văn hóa, lịch sử, địa dư của xứ Quảng cũng như cả xứ Đàng Trong lừng danh một thời.

Từ toàn tập Nguyễn Văn Xuân, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tâm huyết, rằng đây là hướng để các địa phương, vùng miền lưu ý quan tâm hơn đến các “di sản chữ” của quê hương mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao tặng Toàn tập Nguyễn Văn Xuân cho đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam ảnh: Tr.T

Một bộ sách hết sức giá trị và công phu như Toàn tập Nguyễn Văn Xuân nhưng chỉ có thể in được 300 bộ là điều đáng tiếc. Người viết bài này đã liên hệ với ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, quê hương của học giả Nguyễn Văn Xuân, đề cập việc Quảng Nam nên in nối bản thêm để giá trị bộ sách được nhân rộng hơn. Ông Thanh cho biết sẽ xem xét.

Trần Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/toan-tap-nguyen-van-xuan-di-san-chu-di-san-nguoi-1768128.tpo