Toàn quyền Paul Doumer và nỗi sợ… con muỗi nước Nam

Trong cuốn hồi ký của ông Paul Doumer về thời gian làm toàn quyền Đông Dương (từ năm 1897), nhiều câu chuyện thú vị về Việt Nam đã được ghi lại. Học giả Vương Hồng Sển đã dịch và có một số nhận xét.

Chân dung ông Paul Doumer khi làm Toàn quyền Đông Dương (1897-1902)

Chân dung ông Paul Doumer khi làm Toàn quyền Đông Dương (1897-1902)

Paul Doumer có cái tên như vậy, do cha mẹ đặt cho, nếu đọc giọng Tây thì vô sự, duy khi dịch ra tiếng ta, mấy ông tổng đốc đến kinh lược đều le lưỡi nói nhỏ với nhau, thượng quan có tên gì kỳ quá, ai dám gọi “quan lớn Đu Me”, may sao có người nghĩ ra và viết thành hai chữ Hán: “Đô Mỹ”.

Doumer rất hách, nhưng nực cười Doumer sợ nhất con vật bé tí hon mà chúng ta vẫn xem thường, đó là con muỗi. Lầu cao phủ rộng, lính bồng súng chào, tiền hô hậu ủng, muỗi vẫn chích vẫn đốt không chừa ông Toàn quyền Doumer, và sau đây là một đoạn ông viết:

“Xứ Đông Dương rất giàu về thú dữ háu ăn, to lớn như cọp beo, nhỏ nhít như đỉa như kiến, nhưng con độc địa và khát máu nhất, đích thị là con muỗi. Tôi đã từng qua nhiều nơi và trải nhiều giờ trong chỗ có thể gặp thú rừng hung bạo, đã hai lần ba lượt đối thủ với đỉa với kiến, nhưng duy có con muỗi đã làm cho tôi quan tâm hơn cả.

Suốt năm năm, bất cứ nơi nào và luôn luôn, ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ, đâu đâu cũng chỉ con muỗi làm tôi đau khổ. Tôi là con mồi mà muỗi ưa thích nhất. Nếu trong một phòng có một con muỗi, thì ắt nó chọn tôi mà cắn. Nhưng khi đi đường ngủ chùa ngủ lều, tôi vẫn thấy các bạn đồng hành nghỉ ngơi ngon lành kê đá kê gỗ làm giường, duy có một tôi là bị ba bốn con muỗi lạc lõng chốn đó chích đốt làm tôi không ngủ được.

Bây giờ phải chăng tôi đã trút hết mối căm thù khi nêu ra đây danh nhơ của giống muỗi rất đáng chỉ trích này. Dám chắc rằng rất ít người có nhiều duyên cớ để ghét muỗi hơn tôi. Cũng vì chút ngẫu nhiên, chút kỷ niệm êm đềm đối với một góc trời tuyệt diệu Sa Đéc này, mà tôi đã nhắc tên muỗi dưới ngòi bút tôi. Tưởng như vậy là dứt khoát, chửi rủa nữa làm chi, dứt không nói đến nữa, trong thiên bút ký này”.

Quả đúng nước ta ngày xưa muỗi là số dách. Người ta đã giả ngộ, nói: Muỗi ở Cà Mau, lớn bằng con gà mái. Năm 1919 – 1923, tàu chạy đường Sóc Trăng lên Mỹ Tho, đến đây lên bờ đáp xe lửa lên Sài Gòn, vì lúc đó con lộ Quản hạt Sài Gòn – Cà Mau chưa đắp.

Khi tàu chạy đến vùng Phụng Hiệp (Ngã Bảy), muỗi trong rừng lá bay ra muôn thiên, chúng đông đến nỗi mỗi lần vuốt muỗi chết số trăm, không cần đập, chúng đeo riết và khát máu từ hồi nào. Nói chuyện, muỗi bay vô miệng, tiếng bay nghe ồ ồ như trời đổ mưa.

Năm 1930, cán sự chuyên môn đo đạc, vô đo đất nơi Đồng Tháp Mười, vừa 4h chiều phải nghỉ việc chui vô mùng, ăn cơm cũng ăn trong mùng, viết phúc trình cũng ở trong mùng. Con trâu cũng biết giá trị chiếc mùng, đến tối vào chuồng, ở trong mùng mới khỏi bị muỗi đốt. Trâu biết giữ mùng khỏi rách, không dám quơ sừng mạnh sợ mùng thủng lỗ, muỗi vô làm thịt.

Vua Thành Thái bên trái ngoài cùng và ông Paul Doumer (bên tay trái vua Thành Thái) trong một cuộc gặp năm 1897

Muỗi thèm mùi Tây nhất, vì sạch, da trơn, cắn sướng. Tôi chỉ biết bọn lính Nhật, những năm 1942 – 1943, chúng đứng canh gác, đầu đội lúp che mặt cổ bằng vải lưới, ban đêm trông lù lù như ma, và chúng thường đeo sả quanh mình cho rằng muỗi kỵ mùi sả. Và trước đây, nhà thuốc Tây vẫn bán dầu sả để trị muỗi.

Lúc mấy ông Tây còn ở đây, mấy bà đầm theo chồng là quan cai trị đi viếng dân hoặc chồng là Tây đoan, vô xóm bắt xét rượu lậu, mấy bà đầm ấy thường bị trâu rượt, chạy thiếu điều sút váy, vì nhí nhảnh, che dù sặc sỡ không khác kẻ đấu bò bên xứ Tây Ban Nha. Thêm nữa bà đầm tắm gội xà bông, khi đi trên gió, trâu đánh hơi, khịt khịt mũi tỏ ý ghét rồi đâm đầu rượt chém.

Đồng bào ta, không sợ muỗi, không sợ muỗi, chân lấm tay bùn là thuốc trị, con trâu cũng vẫn vùi bùn đầy mình, là có một bộ giáp sắt che thân.

***

Hồi ức lại thời gian ban đầu sang làm Toàn quyền, ông Doumer viết: “Sự thật, quan Toàn quyền coi cả Đông Dương, chẳng qua là một quan cai trị xứ Bắc Kỳ, chỉ có hư vị suông, đối với những đầu xứ các nước bảo hộ và hành chánh ở Nam Kỳ.

Đúng ra thay thế quan Khâm sứ Bắc Kỳ vậy thôi. Toàn quyền gì đâu, không hơn không kém một chủ sở văn khố ấy lại trống không. Việc này không thể tồn tại như vậy mãi, và tôi nay phải thay đổi lại hết, toàn quyền là có trọn quyền thống trị khắp nơi nhưng không coi về việc hành chánh một nơi nào”.

Một trong những việc đầu tiên, là tìm một người thư ký đắc lực. Vào những năm đó, ở xứ Vãng (Vĩnh Long), có một thư ký được đổi ra Bắc, làm việc tại phủ Toàn quyền. Thầy này chức nhỏ, lạ nước lạ non, không phe phái, nên cất đầu không lên, nghĩa là làm không lại những những bạn đồng sở, từ ông đầu phòng, tham tá và các viên thư ký khác.

Đã làm không lại, là chịu thua, thế thì phải làm gì, trong khi các công chức nọ đều có phận sự và trách nhiệm sẵn có. Chỉ có nước ngủ, ngủ gà ngủ gật trong giờ làm việc, là thượng sách.

Nhưng một hôm nọ, thời vận bỗng hanh thông, vào khoảng tám chín giờ tối, mấy ông “cục cưng cận thần” đều về nhà xơi cơm, bỏ một mình ông này ở lại, ngủ nghê gì ngủ. Bỗng quan Toàn quyền bước qua văn phòng, vắng như bãi sa mạc, thì cũng vừa lúc ông thư ký “chuyên môn ngủ” sực tỉnh.

Ông Doumer tươi cười, tay đưa một miếng giấy, miệng nói: “Ý! Anh còn ở đây sao? Này, làm thủ tục gửi gấp giùm tôi bức công điện khẩn này”.

Đứng phía sau là ông Phạm Văn Tươi, thư ký của ông Paul Doumer. Hình chụp năm 1898

Và từ ấy mấy ông kia thất sủng, Toàn quyền chỉ dùng, tin cậy và đi đâu cũng dắt theo, chỉ một “sơ cờ rê tét” (secretary) này, cất nhắc lên chức ngày nay gọi “thư ký”. Thời gian thân hành vào Huế xem xét và giải quyết vấn đề ngôi vua, Toàn quyền cũng dắt viên thư ký theo.

Triều đình thết tiệc đãi quan Toàn quyền, các ông lớn Huế bỗng được lệnh mời thư ký Toàn quyền dự tiệc, các ông lớn giận nứt trứng, thưa rằng nghi lễ bắt buộc, người được dự yến phải hành Thượng thư hay ít nữa hàng Tổng đốc. Tưởng như vậy là hất cẳng người muốn vượt bậc, ngờ đâu ông Doumer trả lời cụt lủn: “Vậy thì làm giấy tờ phong Tổng đốc đi, tôi ký cho”. Vậy là thư ký của ông bỗng chốc có hàm Tổng đốc.

Khi ông Doumer viết về tổng đốc Trần Bá Lộc, mới thấy ông xét người rất đúng. Đây là nguyên văn của ông viết:

“Các tỉnh phía Nam của Miền Trung giáp ranh với Nam Kỳ, một số nổi loạn, chiếm và cướp phá cả vùng. Bên Pháp phải viện đến ông Trần Bá Lộc, lúc ấy đã thăng chức Phủ. Ra lệnh cho Lộc phải bình định các tỉnh ấy, càng sớm càng hay. Lộc tuyển mộ lính bản xứ ở Nam Kỳ và hành quân liền. Cách Lộc làm, thật bạo và lẹ, chẳng bao lâu, đã thành công.

Vậy Lộc đã dùng phương pháp gì? Cố nhiên không phải là phương pháp của quân đội Pháp quen dùng. Phương pháp ấy thật tàn khốc và người Pháp không quen làm như vậy. Người Nam chống với người Nam, Lộc đã dùng phương pháp của người Á Đông. Chúng ta phải biết trước việc ấy, và chẳng nên gởi Lộc ra trận tiền, nếu muốn tránh việc đó và có phương pháp nào khác êm thuận hơn’.

Nói về Trần Bá Lộc, Doumer viết tít (titre) thật lớn: “Un serviteur de la France”, phải dịch sao đây? Dịch “công thần của Pháp quốc” là văn hoa là nịnh. Dịch sát nghĩa và dễ hiểu “một thằng tôi mọi của Tây”. Dịch như vậy mới sướng, ai chê xin dịch thử

Nói “lan man” tiếp về Trần Bá Lộc, “công lao” với Pháp bỏ sông bỏ biển, khi chết, Lộc được làm ma vật bò vật trâu, thết tiệc rình rang, ăn uống ngót tháng không dứt, trăng trối xin chôn xác để đứng.

Lộc mình cao 1,8m, nhưng mồ mả ở Cái Bè còn đâu? Con trai của Lộc, là Trần Bá Thọ, học ở Pháp về, cũng đốc phủ đường quan, nhưng chết vì mùi súng lục tự bắn vào đầu bởi nợ nhiều. Cháu con làm đến bác sĩ, trưởng ngân khố nhưng đều chết yểu chết non, sút huyết.

Hải Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/toan-quyen-paul-doumer-va-noi-so-con-muoi-nuoc-nam-398161.html