Toàn miền Nam khu vực lâm thủy sản tiêu thụ điện lớn hơn khách sạn nhà hàng

Theo báo cáo của EVN SPC, 11 tháng năm 2018 tiêu thụ điện thương phẩm 21 tỉnh thành phía Nam ước tính tăng 10,43% so với năm 2017; khách hàng nhóm công nghiệp xây dựng tiêu thụ gần 62% sản lượng điện.

Tại Hội thảo “Điện mặt trời mái nhà, giải pháp xanh - sạch - tiết kiệm cho lĩnh vực công - thương nghiệp” do CTCP Năng lượng TTC (TTC Energy) phối hợp cùng Hiệp hội các Doanh nghiệp KCN TP.HCM (HBA) tổ chức, ông Đặng Nguyên Phương, Ban Kiểm tra Giám sát Mua bán Điện, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) cho biết, 11 tháng đầu năm 2018, toàn miền Nam (21 tỉnh thành phía Nam) tiêu thụ 60.860 triệu kwh điện thương phẩm, tăng 10,43% so với năm 2017.

Kế hoạch năm 2018, điện thương phẩm của EVN SPC khoảng 66 tỷ 170 triệu kwh điện, mang về cho EVN SPC 112 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 13,4% so với năm 2017.

Nguồn: EVN SPC

Theo ông Đặng Nguyên Phương, các tỉnh thành có khu công nghiệp xung quanh thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ điện cao như Tiền Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước. Ngoài ra, các tỉnh có ngành nông nghiệp đặc thù như Bình Thuận, khu vực nuôi tôm Đồng bằng Sông Cừu Long tiêu thụ điện lớn khi vào vụ mùa.

Nguồn: EVN SPC

Phân theo lĩnh vực, khách hàng công nghiệp xây dựng tiêu thụ khoảng hơn 37.433 triệu kwh điện, chiếm tỷ trọng 61,5% điện thương phẩm của EVN SPC; hộ gia đình chiếm tỷ trọng 25,88%; khách hàng khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 5,86%; khách hàng tư nhân khách sạn nhà hàng chiếm tỷ trọng 3,57%.

Cũng theo đại diện EVN SPC hiện nay, hoạt động sản xuất điện ở Việt Nam hầu hết đang sử dụng các nguồn tài nguyên truyền thống, như: than đá, thủy điện và dầu khí. Tuy nhiên, với nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển nhanh và đứng trước sức ép về nhu cầu năng lượng khi mà tăng trưởng phụ tải hàng năm của ngành điện trên 10%/năm.

Theo ông Đặng Nguyên Phương, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số: 34/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, mặt trời, biomass...

Hàng năm, các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện để tiết kiệm ít nhất bằng 01% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm so với năm trước đó.

Về lâu dài, Việt Nam phải có chính sách cụ thể, hướng tới xây dựng cơ cấu năng lượng cân bằng thông qua phát triển năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời đang có lợi thế khi giá bán thiết bị công nghệ giảm mạnh và có tiềm năng điện mặt trời rất lớn, tương đương với các nước trong khu vực có thị trường năng lượng mặt trời phát triển, như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines hay những thị trường truyền thống là: Ý và Tây Ban Nha.

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/toan-mien-nam-khu-vuc-lam-thuy-san-tieu-thu-dien-lon-hon-khach-san-nha-hang-3483636.html