Toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nợ xấu đã được kéo giảm từ mức 2,46% trước đó xuống chỉ còn 1,89% tổng dư nợ. Toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 vừa diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, năm 2018 bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017. Chính sách tiền tệ phối hợp đồng bộ, hài hòa với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách quản lý giá đã giúp kiểm soát lạm phát bình quân ở mức thấp hơn mục tiêu 4% Quốc hội đề ra. Kỳ vọng lạm phát neo giữ quanh mức 4% phản ánh niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất trên thế giới có xu hướng gia tăng.

Mặc dù có áp lực nhất định nhưng tỷ giá vàng và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, thông suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt tỷ giá bám sát diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

Với việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND đã giúp giữ ổn định tỷ giá. Hết năm 2018, tỷ giá trung tâm tăng từ 1,7 -1,8%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,16% so với năm 2017. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, năm 2018, Việt Nam đã mua ròng trên 6 tỷ đô la để tăng dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, thị trường vàng diễn biến ổn định dao động trong biên độ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp. Ngân hàng Nhà nước không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng. Thị trường vàng trong nước điều tiết tốt, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn còn một số khó khăn cần xử lý như điều hành chính sách tiền tệ nhất là tỷ giá, lãi suất trong nước phải đối mặt với những khó khăn thách thức trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực bởi xu hướng biến động của thế giới.

Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức khá cao khoảng 130%. Điều này đòi hỏi chính sách tín dụng cần tiếp tục điều hành thận trọng, hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động ngân hàng; cũng như cần tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, tiền tệ để tăng cường khả năng huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.

Việc triển khai các chương trình tín dụng, lĩnh vực cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cho vay các chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình tín dụng chính sách, cho vay tiêu dùng nhằm góp phần hỗ trợ và đầy lùi “tín dụng đen”…

Về vấn đề nợ xấu, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, nợ xấu đã được kéo giảm từ mức 2,46% trước đó xuống chỉ còn 1,89% tổng dư nợ.

Đáng chú ý, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu. “Tôi có hỏi một số đồng chí ngân hàng, cục máu đông nợ xấu đang nhỏ dần, nhiều nơi đã tan đi. Do các yếu tố vĩ mô tốt, nhưng cũng nhờ điều hành quyết liệt, hiệu quả của ngành ngân hàng”, Thủ tướng ghi nhận.

Về mặt còn tồn tại, Thủ tướng lưu ý, vừa qua các ngân hàng hoạt động tốt hơn nhưng năng lực chưa cao, sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh chưa hợp lý. “Trình độ quản lý điều hành của chúng ta chưa cao, công nghệ ngân hàng còn có khoảng cách đáng kể so với thế giới”, Thủ tướng nói.

Đối với hoạt động tín dụng đen, theo Thủ tướng, thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. “Tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ đối với người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, bản làng lo hơn là đòi nợ xã hội đen… biến người dân thành những chị Dậu mới”, Thủ tướng dẫn lời của một đại biểu Quốc hội để nhắc nhở.

Đáng chú ý, theo Thủ tướng, hiện có một tỷ lệ dân số cao chưa tiếp cận được với tín dụng, điều đó cho thấy ngành ngân hàng chưa mang dịch vụ tín dụng đến với người dân, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Do đó, cần kịp thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nam-2018-toan-nganh-ngan-hang-da-xu-ly-duoc-khoang-900000-ti-dong-no-xau-d153604.html