Toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới ở Lai Châu

Phong trào tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới được Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu triển khai rộng khắp từ nhiều năm nay. Nhờ được tuyên truyền sâu rộng, đồng bào các dân tộc đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Đại tá Vũ Quang Mạo, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Lai Châu cho biết: Sau một thời gian triển khai thực hiện phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới, ý thức về quốc gia, quốc giới và chủ quyền của người dân trên biên giới đã chuyển biến rõ nét. Qua phong trào này cũng đã phát huy được vai trò của quần chúng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; gắn thế trận biên phòng toàn dân với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc tổ chức phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự xóm bản khu vực biên giới, các đồn BP trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện bằng các kế hoạch cụ thể của đơn vị. Theo đó, 13 đồn BP trên dọc tuyến biên giới dài hơn 265km ở Lai Châu, đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 23 xã biên giới tổ chức thực hiện các hoạt động của phong trào và có kế hoạch, quy chế, tiêu chí, nội dung cụ thể. Với phương châm các bản giáp biên giới quản lý về đường biên, cột mốc; các bản xa đường biên quản lý an ninh trật tự, đến nay, 227/227 bản ở các xã biên giới có tổ tự quản về đường biên, mốc giới và an ninh trật tự.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Ma Lù Thàng và nhân dân xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ tuần tra biên giới.

Ma Ly Pho là xã biên giới của huyện Phong Thổ, với 9 bản, 82% là đồng bào dân tộc Dao. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong phát triển kinh tế, xã hội gắn với công tác xây dựng, bảo vệ đường biên, mốc giới. Bà con coi đó là trách nhiệm, ý thức và lòng tự tôn dân tộc, mỗi người dân khi tham gia các tổ tự quản đường biên, mốc giới như là một "chiến sĩ Biên phòng".

Hiện, 9/9 bản của xã đều có tổ tự quản đường biên, mốc giới và tổ tự quản an ninh trật tự, với lực lượng nòng cốt là công an viên, bí thư chi bộ, trưởng bản, phó bản. Nhiều năm nay, tổ tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự của xã Ma Ly Pho đã không quản ngại gian khó, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông Lò Văn Tỷ, Chủ tịch UBND xã Ma Ly Pho, cho biết: Thời gian qua, chính quyền địa phương và Đồn BPCK Ma Lù Thàng đã tích cực tổ chức xây dựng tổ tự quản đường biên, mốc giới. Nhờ đó, đến nay, không còn hiện tượng người dân bên Trung Quốc sang đất ta săn bắn, lấy trộm lâm, thổ sản...

Cũng như những lần trước, hôm nay, sau khi đi làm nương về, anh Lý Chỉn Ngan, dân tộc Dao, ở bản Sòn Thầu II, xã biên giới Ma Ly Pho, lại có mặt ở Đồn BPCK Ma Lù Thàng. Dù trời đã xế chiều, đường từ đồn về nhà phải vượt qua hai ngọn núi, nhưng anh luôn tự ý thức việc báo cáo tình hình tại đường biên, cột mốc gần nương sản xuất của nhà mình là cần thiết.

Anh Ngan tâm sự: Nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền về đường biên, mốc giới, nên bà con có tinh thần cảnh giác cao, hiểu được đó là chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Mỗi khi nhận nhiệm vụ do Đồn BP giao, bà con luôn sẵn sàng lên đường đi tuần tra bảo vệ biên giới. Khi đi rừng, đi nương qua đường biên, cột mốc, phát hiện có các dấu hiệu bất thường, bà con về báo với xã và Đồn BP để có hướng xử lý. Nhờ tự quản tốt đường biên, mốc giới nên bà con mới yên tâm lao động sản xuất để ổn định cuộc sống lâu dài.

Đồn BPCK Ma Lù Thàng quản lý 13km đường biên giới, với 3 cột mốc chính. Nhiều năm nay, công tác tuyên truyền về biên giới và lãnh thổ quốc gia luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và BĐBP chú trọng đẩy mạnh. Vì vậy, ý thức của người dân về bảo vệ chủ quyền biên giới và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới không ngừng được nâng lên. Sự gắn kết bền chặt quân dân trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên Đồn BPCK Ma Lù Thàng, nhiều năm được bà con các bản giáp biên coi như người trong gia đình, bởi anh và đồng đội đã tạo được niềm tin và xây dựng được hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng hồ hởi nói: Chúng tôi nhận thấy, cái được lớn nhất là lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chúng tôi vững tâm bám trụ nơi biên cương. Đa số nhân dân trên địa bàn đã có nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của phong trào tự quản đường biên, cột mốc. Trong đó, nhiều hộ tích cực, tự giác tham gia các hoạt động của tổ tự quản, nhiều tin báo rất có giá trị, giúp BĐBP xử lý tốt những vấn đề về chủ quyền, cũng như an ninh trật tự.

Đức Duẩn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/toan-dan-tham-gia-bao-ve-duong-bien-moc-gioi-o-lai-chau/