Toàn dân làm công tác cán bộ

Trong cuộc họp giao ban định kỳ hằng tuần, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy X, đứng lên phát biểu: “Thời gian gần đây, rất nhiều vụ việc liên quan đến công tác cán bộ được phanh phui nhờ báo chí chứ không hẳn là từ cơ quan ủy ban kiểm tra. Điều này làm tôi thấy rất ái ngại, phải chăng chúng ta - những người làm công tác chuyên môn, lĩnh lương từ tiền thuế của dân đóng góp mà chưa hết lòng, hết sức với công việc nên không phát hiện ra? Có lẽ, chúng ta phải học hỏi các cơ quan báo chí!”.

Một đồng chí ủy viên ban thường vụ huyện ủy than thở: “Tỉnh mình cũng như nhiều tỉnh khác, có vụ việc gì là báo chí vào cuộc ngay, đưa tin chi tiết luôn. Chẳng hiểu sao báo chí họ nắm tình hình nhanh thế, hơn hẳn nhiều cơ quan chuyên môn trong hệ thống chính trị của chúng ta”. Một đồng chí khác có ý kiến: “Theo tôi, chẳng phải băn khoăn, báo chí hay bất kỳ cơ quan điều tra nào cũng đều từ dân mà ra. Dân người ta biết hết đấy. Cán bộ nào có nhà đẹp, xe đẹp, con cái học trường nào, làm gì, kinh doanh ra sao… hỏi dân là ra hết. Toàn dân làm công tác cán bộ là đây chứ đâu xa xôi gì”.

Mọi người đều gật gù, thấy đúng quá, trúng quá. Nhà nào khác lạ, hôm nay có ai đến chơi, đi xe gì, mặc thế nào, quan hệ với ai… hàng xóm đọc ra vanh vách. Vì thế, nếu muốn biết rõ về cán bộ, cứ hỏi dân là ra hết.

Đồng chí ngồi bên cạnh tôi thì thào: “Ngay như vụ thi tuyển công chức vừa rồi ở tỉnh, mọi chuyện vỡ ra khi báo chí vào cuộc, ông có biết do đâu không? “Con gà tức nhau tiếng gáy” thôi. Hai thí sinh cùng đi thi, con ông nông dân bằng đẹp hơn, học giỏi có tiếng thì lại không đỗ mà con một ông giám đốc giàu nhất, nhì tỉnh lại đỗ. Ông giám đốc không biết giữ mồm giữ miệng, liên hoan linh đình, rượu vào lời ra, khoe với bà con xóm giềng trong bữa rượu là đã phải chuẩn bị “mười mấy nghìn” cho cán bộ để con mình được vào “nhà nước”. Mười mấy nghìn “đô”, một món lớn đấy ông ạ. Ôi! Cái tư tưởng vào “nhà nước” danh giá sao vẫn tồn tại trong suy nghĩ của bà con? Suy nghĩ vào “nhà nước” là phải lo lót, chạy chọt, tốn kém cũng không sao, rồi sẽ thu lại được hết, vẫn tồn tại trong nhiều người, không biết đến khi nào mới hết. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước ta vừa qua đã phải ban hành rất nhiều văn bản liên quan đến công tác cán bộ. Những chiếc vòng “kim cô”, những hành lang pháp lý chặt chẽ giúp công tác cán bộ dần đi vào nền nếp hơn, người tài được trọng dụng, lấy lại được lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước”.

Trước thềm đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, biết bao đơn thư, nặc danh cũng có, đầy đủ tên họ, địa chỉ cũng có, tích cực cũng có, tiêu cực cũng có. Trong đó, ít nhiều có những ý kiến đúng, nhưng đúng đến đâu lại là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần xem xét, giải quyết. Thông tin đều từ dân mà ra, mà dân thường là những người biết một nói một, biết mười nói mười. Vì thế, không hẳn là các nhà báo giỏi hơn cán bộ, mà bởi họ đã biết dựa vào dân, biết lắng nghe dân để phản ánh những điều tồn tại trong xã hội./.

Minh Anh

Nguồn Tạp chí cộng sản: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/sinh-hoat-tu-tuong/-/2018/821715/toan-dan-lam-can-bo.aspx