Toàn dân chăm lo công tác khuyến học

Huyện Thoại Sơn (An Giang) từ lâu được biết đến là địa phương đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp (từ trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ, rồi 3 vụ), trở thành vựa lúa của cả nước trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Phát huy truyền thống đó, ngoài việc đi đầu thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, huyện Thoại Sơn còn là lá cờ đầu trong phong trào toàn dân chăm lo công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Từ cách làm…

Một trong những nét đặc trưng để Thoại Sơn trở thành lá cờ đầu trong phong trào khuyến học- khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là kết quả mà ngành giáo dục của huyện đạt được hàng năm; là sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, UBND các cấp, của hệ thống chính trị chăm lo cho công tác giáo dục. Từ sự quan tâm đó, đến nay tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ thấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở các cấp học; học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ở mức cao.

Công tác chăm lo sự nghiệp giáo dục của huyện còn thể hiện qua việc ủng hộ, hỗ trợ cho các địa phương, xây dựng mỗi xã 1 quỹ Khuyến học - khuyến tài để từ nguồn kinh phí của nhà nước và nhân dân đóng góp, các địa phương chủ động trao học bổng hoặc khen thưởng, tài trợ, hỗ trợ cho từng hoàn cảnh của học sinh.

Lễ ra mắt quỹ Khuyến học - khuyến tài xã Vĩnh Chánh

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thoại Sơn Nguyễn Khảm cho biết, thời gian qua, để xây dựng được mỗi xã 1 quỹ Khuyến học - khuyến tài, huyện đã nghiên cứu và tham mưu UBND huyện nhiều cách làm khác nhau nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội, cụ thể: UBND huyện tiến hành xây dựng đề án “Xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ Khuyến học - khuyến tài” trên địa bàn huyện. Từ đề án này, huyện cho chủ trương, địa phương nào vận động được 400 triệu đồng thì huyện sẽ cho 100 triệu đồng cho chẵn 500 triệu đồng, tiến hành thành lập quỹ.

Bên cạnh chủ trương mang tính “đòn bẩy”, huyện chọn 2 địa phương khó khăn nhất là Mỹ Phú Đông và Phú Thuận để phát động phong trào, cho các địa phương ký giao ước thi đua. Chính cách làm này mà đến nay, ngoài quỹ Khuyến học của huyện, quỹ Ân sư, các xã, thị trấn đều có quỹ Khuyến học - khuyến tài với nguồn vốn mỗi nơi ít nhất là 600 triệu đồng, nhiều nhất gần 4 tỷ đồng.

…đến kết quả bước đầu

Tính đến tháng 6-2020, toàn huyện Thoại Sơn đã xây dựng được 21 quỹ Khuyến học- khuyến tài và 1 quỹ Ân Sư (để tri ân thầy, cô giáo); tổng cộng 22 quỹ. Nét độc đáo trong quá trình xây dựng quỹ Khuyến học - khuyến tài ở huyện Thoại Sơn đó là 17 xã, thị trấn đều xây dựng được quỹ với nguồn vốn ban đầu từ 600 triệu đồng trở lên. Ngoài quỹ Khuyến học - khuyến tài cấp xã, các trường học, trong đó có Trường Mầm non thị trấn Núi Sập, các trường tiểu học đã xây dựng được quỹ.

Ngoài xây dựng quỹ cho các em học sinh từ cấp học mầm non, tiểu học, THCS, huyện còn vận động xây dựng được quỹ Ân Sư với số tiền 600 triệu đồng. Đây là hình thức tri ân các thầy cô giáo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của huyện trong 45 năm sau ngày thống nhất đất nước.

Lễ ra mắt quỹ Khuyến học - khuyến tài xã Vọng Đông

Sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tiếp tục vận động, làm cho nguồn vốn tăng thêm, đồng thời bảo tồn nguồn vốn lâu dài thông qua gửi vào ngân hàng để lấy lãi cấp phát hàng năm cho học sinh là mục tiêu của quỹ Khuyến học - khuyến tài huyện Thoại Sơn. Hy vọng với cách làm năng động và đầy sáng tạo của Thoại Sơn, các địa phương khác trong tỉnh sẽ học tập để từng địa phương trong tỉnh có được nhiều quỹ Khuyến học - khuyến tài chăm lo sự nghiệp giáo dục, giúp ngân sách địa phương giảm bớt gánh nặng.

“Gia đình tôi rất nghèo, vào đầu năm học tôi rất lo nhưng nhờ có quỹ Khuyến học - khuyến tài Nguyễn Văn Thoại tạo điều kiện, cấp phát học bổng mà con tôi tiếp tục được đến trường, tôi rất biết ơn lãnh đạo huyện Thoại Sơn, các thầy cô giáo và các nhà hảo tâm đóng góp cho quỹ để hàng năm có tiền cấp phát cho học sinh” - bà Trần Thị Lài (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) chia sẻ.

“Khi đi vận động xây dựng quỹ, các thành viên trong ban vận động của các địa phương đã nói lên được vấn đề chính, đó là số tiền nhân dân đóng góp vào quỹ sẽ không mất đi, được gửi vào ngân hàng để hàng năm lấy lãi cấp phát học bổng. Thời gian qua, các quỹ đều xây dựng được nguyên tắc chi, giải pháp chi để làm sao cho vốn gốc không mất đi. Chính điều này đã tạo sự an tâm cho các nhà hảo tâm nên người ta mạnh dạn đóng góp” - ông Nguyễn Khảm chia sẻ.

Bài, ảnh; MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/toan-dan-cham-lo-cong-tac-khuyen-hoc-a277017.html