Toàn cầu hóa có thể 'sống sót' trước thương chiến Mỹ - Trung?
Cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với thương mại toàn cầu.
Những rạn nứt mới đang xuất hiện đối với nền kinh tế thế giới, khi những yếu tố được xem là “huyết mạch” của thương mại toàn cầu, gồm các hệ thống mạng lưới vận chuyển hàng hóa, thông tin ... ngày càng bị chính trị hóa bởi những căng thẳng giữa 2 siêu cường hàng đầu thế giới.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ước tính kể từ đầu năm 2022 đến nay, thương mại hàng hóa giữa những nước thuộc các khối địa chính trị khác nhau thấp hơn 4,2% so với giữa các nước cùng khối với nhau. Một nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận thấy đầu tư trực tiếp từ bên ngoài tương đối ít hơn tương trợ trong lòng khối.
IMF còn chỉ ra rằng khác với những năm đầu Chiến tranh lạnh, một nhóm các quốc gia không liên kết đang nhanh chóng trở nên quan trọng và đóng vai trò cầu nối giữa các khối địa chính trị. Tuy nhiên, trước sự gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, một câu hỏi đặt ra là nhóm các nước này có thể giữ vững vị thế trung tâm trong bao lâu?
So kè từ mặt đất ...
Hiện tại, sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang diễn ra dưới hình thức xung đột cấp thấp ở nhiều lĩnh vực chiến lược quan trọng. Trong đó, dai dẳng nhất là vấn đề mạng di động 5G, khi Mỹ đã gây sức ép buộc các đồng minh và một số nước khác loại bỏ tập đoàn Huawei của Trung Quốc khỏi các mạng lưới viễn thông với những mức độ khác nhau.
Phương tiện chạy điện là một nguồn cơn gây căng thẳng khác. Thông qua các biện pháp trợ giá và áp thuế quy mô lớn, Mỹ cố gắng tạo ra một thị trường xe điện độc lập, đồng thời cố gắng kéo nhiều nước khỏi sự phụ thuộc vào thị trường xe điện ở Trung Quốc.
Quá trình chuyển đổi xanh cũng tạo ra một cuộc ganh đua giữa 2 siêu cường để đảm bảo nguồn cung các tài nguyên quan trọng như đất hiếm, lithium và nickel. Về khoản này, Trung Quốc là quốc gia chuẩn bị tốt hơn và hoạt động tích cực hơn, như đầu tư mạnh vào các công đoạn chế biến, tinh chế, và trực tiếp mua lại sản phẩm hoàn thiện từ Indonesia - nguồn cung nickel lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng tìm cách kiểm soát xuất khẩu gali và germani, các khoáng chất quý hiếm được sử dụng trong vật liệu bán dẫn, để củng cố vị thế của mình.
Những căng thẳng về địa chính trị buộc các chuỗi cung ứng quy mô toàn cầu phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Ryan Petersen - Giám đốc điều hành công ty giao nhận hàng hóa Flexport, cho rằng: “Sẵn sàng cho bất kỳ thay đổi nào còn giá trị hơn việc cố gắng trở thành chuyên gia dự đoán tốt”.
... Đến trên trời, dưới biển
Một lĩnh vực khác biểu hiện cho căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là cơ sở hạ tầng gắn kết nền kinh tế toàn cầu với nhau. Các mạng lưới vốn tương đối trung lập dành cho thương mại và viễn thông như đường tàu biển, đường ống dẫn dầu và khí đốt, cáp dữ liệu dưới biển và vệ tinh ... cũng trở thành mục tiêu bị chính trị hóa. "Các chính phủ ngày càng nhận thấy an ninh thế giới trải dài từ đáy biển đến tận bầu trời", chuyên gia Adrian Cox từ ngân hàng Deutsche Bank khẳng định.
Một nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Hinrich Foundation ghi nhận hệ thống cáp ngầm dưới biển đang trở thành ranh giới phân chia ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Alex Capri - giảng viên trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore và là tác giả nghiên cứu, cho biết: "Sự phát triển của mạng lưới cáp ngầm toàn cầu là minh chứng về một thế giới mà các yêu cầu địa chính trị đang tạo ra những chồng chéo về công nghệ kép".
Một số tập đoàn tư nhân phụ trách lắp đặt và bảo trì cáp biển, trong đó có Google và Microsoft, đang chịu áp lực rất lớn từ Washington trong việc chấm dứt hợp tác với các công ty Trung Quốc như HMN Technologies.
SEA-ME-WE 6 - một trong những dự án cáp quang biển lớn nhất thế giới trải dài từ Singapore đến Pháp do chính phủ nhiều nước hợp tác phát triển, cũng chọn công ty SubCom thay vì HMN làm nhà thầu chính do áp lực ngoại giao từ Mỹ. Để đối phó, HMN và các đối tác ở Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống cáp quang riêng dọc theo các tuyến đường biển tương tự SEA-ME-WE 6.
Chính trị hóa cũng không chừa các hệ thống vệ tinh. Suốt nhiều thập kỷ, thế giới chủ yếu dựa vào Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ. Nhưng giờ đây, Trung Quốc, EU, Nga và cả Ấn Độ, Nhật Bản đều xây dựng hệ thống của định vị của riêng mình. "Vấn đề về các hệ thống vệ tinh đã đi sâu vào các chiến lược địa chính trị dài hạn", Antoine Grenier, chuyên gia đối tác của công ty tư vấn Analysys Mason, cho biết. "Xây dựng một hệ thống của riêng mình giống như tạo ra một đội quân dự bị — tốn kém và có thể không quá cần thiết, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và an toàn hơn".
Cơ hội nào cho sự đa phương hóa?
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tạo áp lực lớn lên các hệ thống quản trị hiện hành. Nó cũng đặt ra môt số câu hỏi rằng liệu các chính phủ vẫn có thể hợp tác để thực thi những quy tắc ngăn chặn việc phân mảnh hệ thống hay không? Hay họ thực sự đang đẩy nhanh quá trình này bằng cách tạo ra các khối thương mại độc lập?
Theo báo Financial Times, câu trả lời có lẽ là không, trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương có dấu hiệu suy yếu. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là với việc thiết lập các khối thương mại thay thế mang tính khu vực. Chẳng hạn, Mỹ dù có nhiều ý tưởng hay về việc xây dựng các liên minh như vậy, song các vấn đề chính trị trong những thỏa thuận thương mại của Washington là thứ ngăn trở quyền tiếp cận của các quốc gia khác.
Về trung hạn, tương lai của toàn cầu hóa dường như đã được định hình, khi sự ganh đua tầm ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh còn tạo ra những ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế và an ninh thế giới. Đối trọng cho sự cạnh tranh trên có thể đến từ chủ nghĩa bất khả tri về địa chính trị của một số chính phủ khác hay óc sáng tạo vô tận từ giới quản lý chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia.
Những đối trọng này từng giành được ưu thế trong quá khứ, song những “lực ly tâm” kéo các hệ thống thương mại xa nhau hiện là thách thức lớn nhất đối với chúng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/toan-cau-hoa-co-the-song-sot-truoc-thuong-chien-my-trung.html