Toàn cầu hóa 4.0 và định hình cấu trúc toàn cầu

'Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4' là chủ đề của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2019 vừa diễn ra ở Davos (Thụy Sỹ). Đặt ra chủ đề đó, liệu WEF có đang quá tham vọng? Hoàn toàn không. Nhưng phải thừa nhận đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế. Trong nỗ lực ấy, Việt Nam đang tham gia một cách tích cực, chủ động.

Lãnh đạo các nước tham dự một phiên thảo luận tại WEF 2019. Ảnh: WEF

Bất cập, tồn tại

WEF nhận định, toàn cầu đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đặc trưng bởi các tiến bộ công nghệ đang tạo ra đột phá với tốc độ chưa từng có. Những chuyển biến này đang thay đổi cách các cá nhân, chính phủ và công ty tương tác với nhau, đồng thời, thay đổi cả thế giới. Tất cả trở thành một thế giới phẳng, nhưng ở góc độ nào đó, toàn cầu hóa lại đang tồn tại những bất cập nhất định.

Sau nhiều thập kỷ đấu tranh cho toàn cầu hóa, WEF giờ đây lo ngại rằng sự bất bình đẳng, chủ nghĩa bảo hộ và nền chính trị theo chủ nghĩa dân tộc gia tăng có thể khiến nền kinh tế thế giới chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng. Với tư cách là người sáng lập WEF, Klaus Schwab nêu rõ: “Toàn cầu hóa tạo ra những người chiến thắng và những kẻ thua cuộc và đã xuất hiện nhiều người chiến thắng hơn trong vòng 24, 25, 30 năm qua - nhưng hiện giờ, chúng ta lại phải chăm lo cho những kẻ thua cuộc, những người bị bỏ lại phía sau”. Trên thực tế, WEF sẽ phải vật lộn với những vấn đề tương tự vào năm 2020, 2021 và hơn thế nữa.

Theo khảo sát thường niên của WEF về những rủi ro toàn cầu, biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan đã dẫn đầu danh sách các mối nguy hiểm luôn rình rập với nền kinh tế thế giới. Thật không may, các mối quan hệ quốc tế ngày một xấu đi và chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy khiến việc đạt được một thỏa thuận toàn cầu để giải quyết vấn đề ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nước Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu. Và Diễn đàn Davos 2019 cũng không có mặt Tổng thống Donald Trump tham dự, nghĩa là vấn đề chống biến đổi khí hậu vẫn chưa thể tiến triển nhiều khi thiếu vắng vai trò của Mỹ - một trong những quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới.

Ngay trong thời điểm cuối năm 2018 và đầu năm 2019, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc tạm ngưng trong ba tháng (tháng 12-2018 đến cuối tháng 2-2019), nhưng đông đảo các chuyên gia dự đoán xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ còn dai dẳng. Thế đối đầu kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây lo ngại, ít nhất là trong năm 2019 này.

Trong khi đó, tại châu Âu, giới chính trị Anh vô cùng lúng túng trong việc chuẩn bị cho quyết định chia tay Liên minh châu Âu (EU). Nhiều khả năng, Vương quốc Anh sẽ phải chia tay với EU mà không có thỏa thuận, có nghĩa là sẽ có một thời kỳ hỗn loạn và hậu quả với hai bên sẽ rất lớn. Nền kinh tế toàn cầu cũng bị vạ lây.

Tại Mỹ, tình trạng đóng cửa chính phủ do đảng Dân chủ đối lập không chấp thuận đòi hỏi xây tường biên giới của Tổng thống Trump khiến chính quyền Liên bang tê liệt từ hơn một tháng nay, điều chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Pháp cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng với sự nổi dậy của phong trào “áo vàng”.

Trong lĩnh vực công nghệ, tình trạng tin tặc, đánh cắp dữ liệu ngày càng phổ biến, đe dọa đời sống riêng tư của các cá nhân. Về môi trường, các báo cáo cho thấy tình trạng đa dạng sinh học sụt giảm 60% kể từ những năm 1970, cùng rất nhiều đe dọa khác như ô nhiễm, nước biển dâng cao, nước sạch khan hiếm, rừng bị tàn phá và nhất là thiên tai gia tăng với biến đổi khí hậu, Trái đất ấm lên.

Giải pháp

Rõ ràng, các hiểm họa với thế giới hiện nay rất phức tạp và tương tác qua lại. Để đối phó với tình trạng tăng trưởng chững lại hiện nay, điều cốt yếu là cần củng cố lòng tin, có “các hành động phối hợp” để hậu thuẫn tăng trưởng và tự vệ trước các thách thức nghiêm trọng.

Tiếp theo, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, các định chế quốc tế chính là phương tiện chủ yếu để vượt qua các thử thách chưa từng có. Chính sách co cụm của chính quyền Mỹ, hay của chính quyền Anh chính là biểu hiện cho xu hướng phân ly. Tuy nhiên, tính chất kết nối sâu sắc của các hệ thống toàn cầu về mặt kinh tế, chính trị, công nghệ, môi trường... buộc nhân loại phải chọn cách tiếp tục đoàn kết hơn nữa mới có thể tìm ra các giải pháp chung cho rất nhiều hiểm họa, mà đa số đều mang tính toàn cầu. Tìm ra các cơ chế hợp tác mới cũng chính là thách thức mà Diễn đàn Davos đối mặt.

Các hiểm họa đã được nhận dạng và mục tiêu chung cũng đã được xác định, vấn đề là phối hợp tập thể. Cụ thể như trong vấn đề chống biến đổi khí hậu: Thế giới đã đi đến đồng thuận cao với Hiệp định Paris 2015, nhưng việc cam kết và phối hợp hành động tập thể thì lại hoàn toàn chưa đạt mức cần thiết.

Nguy cơ khủng hoảng tài chính sắp tới sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với khủng hoảng năm 2008, đặc biệt với sự bành trướng của các thế lực đầu cơ tài chính, với mục tiêu duy nhất là tăng trưởng lợi nhuận chứ không phải đầu tư thực sự cho nền kinh tế. Tổng giá trị cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính thứ cấp cao gấp khoảng 10 lần so với tổng GDP thực của nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, giới lãnh đạo kinh tế-chính trị thế giới hiện nay cũng cần phải chú trọng đến việc chống trốn thuế và đầu cơ tài chính.

Ngoài ra, WEF cũng quan tâm tới vấn đề sức khỏe tinh thần, tập trung giải quyết nỗi lo sợ rằng trầm cảm, lo lắng và các vấn đề sức khỏe tinh thần khác đang gia tăng, nhưng không được tính toán chính xác cũng như không được giải quyết hợp lý. Hoàng tử William của nước Anh kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cải thiện cảm xúc và tình trạng tinh thần tại nơi làm việc của họ, bởi thực tế cho thấy, những người chủ sử dụng lao động lớn trên thế giới đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội và nơi làm việc lành mạnh về tinh thần.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch WEF Borge Brende: “Việt Nam sẽ gây bất ngờ cho thế giới như thế nào trong 5 năm tới?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ duy trì một tinh thần, khát vọng trong phát triển. Theo đó, trước hết là duy trì đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân và là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn xây dựng pháp luật, thể chế, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, tăng cường đối thoại. Việt Nam “coi thành công của các nhà đầu tư là thành công của Chính phủ”. Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư đóng góp tốt hơn vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/toan-cau-hoa-4-0-va-dinh-hinh-cau-truc-toan-cau/