Toàn cầu cảnh báo làn sóng tội phạm mới bùng phát cùng dịch COVID-19

Với số ca nhiễm COVID-19 mới đang không ngừng tăng lên trên khắp toàn cầu, một làn sóng tội phạm mới cũng bắt đầu lan rộng tại nhiều nước.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, các bệnh viện ở Italy và Nhật Bản đã phát hiện các trường hợp dự trữ khẩu trang và nước rửa tay bị đánh cắp. Chính quyền Ukraine, Đài Loan và nhiều nước khác đã phá vỡ loạt âm mưu buôn lậu hàng hóa qua biên giới; còn tại Mỹ, nhiều người tiêu dùng thông báo bị lừa đảo khi mua thiệt bị y tế qua mạng hay bị lấy trộm thông tin từ những người giả danh nhân viên y tế.

Với số ca nhiễm COVID-19 mới đang không ngừng tăng lên trên khắp toàn cầu, một làn sóng tội phạm mới cũng bắt đầu xuất hiện.

Khẩu trang là một trong những mặt hàng được săn lùng nhất ở thời điểm hiện tại (ảnh: SCMP)

Khẩu trang là một trong những mặt hàng được săn lùng nhất ở thời điểm hiện tại (ảnh: SCMP)

"Có những vụ ăn cắp vào thời điểm thiết bị y tế đang vô cùng quan trọng", ông Marco Damonte Priolo, giám đốc một bệnh viện tại vùng Liguria, Italy vừa bị mất trộm 210 chiếc khẩu trang và 12 chai nước khử trùng, cho hay. Một bệnh viện khác ở Marseille, Pháp thông báo, gần 2.000 chiếc khẩu trang cũng bị đánh cắp khỏi phòng vận hành trung tâm, còn tại Malaga, Tây Ban Nha, một bác sỹ bị bắt giữ khi đang cố gắng lấy trộm 12 hộp khẩu trang ra khỏi kho. Tháng trước, khoảng 6.000 chiếc khẩu trang đột ngột "biến mất" tại một bệnh viện tại Kobe, Nhật Bản.

Cũng trong tháng 2, lực lượng tuần tra biển Đài Loan đã bắt giữ hơn 7.000 chiếc khẩu trang y tế từ một tàu đánh cá đang chuẩn bị đưa chúng ra khỏi hòn đảo. Tuần trước, quân đội Ukraine tìm thấy 5 túi bên trong có 3.650 chiếc khẩu trang tại biên giới với Rumani.

Những kẻ tội phạm hoạt động ngay cả khi chúng không có bất kỳ nguồn cung nào. Cảnh sát Anh cho hay, một người đã bỏ ra 15.000 bảng Anh để mua khẩu trang mà không nhận được gì.

"Những kẻ lừa đảo đang lợi dụng nỗi lo sợ vì virus corona mới", chuyên gia giáo dục Colleen Tressler tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) chỉ ra.

Theo FTC, tội phạm thường lập ra các trang web bán đồ giả và sử dụng email, tin nhắn hay mạng xã hội để đăng tải các bài viết liên quan tới dịch bệnh hoặc kêu gọi quyên góp cho các nạn nhân. Chúng cũng có thể đóng giả là nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO cảnh báo, thông qua email, điện thoại và tin nhắn, tội phạm có thể đánh cắp thông tin tài chính hoặc cài đặt virus phá hoại máy tính.

Chính quyền Italy cũng yêu cầu nâng cao cảnh giác trước các vụ lừa đảo tận nhà như giả vờ làm nhân viên y tế để lấy tiền từ người cao tuổi hoặc lừa họ ra khỏi nhà – đôi khi với đề nghị "khử trùng môi trường" hoặc cung cấp xét nghiệm virus corona miễn phí.

Một số hình thức lừa đảo khác trên mạng như công bố các sản phẩm tự cho là có thể điều trị được COVID-19, sau đó nâng giá và lừa người mua bỏ tiền ra.

Tình trạng khan hiếm cũng làm dấy lên nguy cơ bạo lực. Tại Australia, cảnh sát đã phải can thiệp khi một số người đang xếp hàng mua giấy vệ sinh xảy ra xô xát. Tương tự tại Nhật Bản, cũng từng có trường hợp đánh nhau vì tranh giành mua khẩu trang.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/toan-cau-canh-bao-lan-song-toi-pham-moi-bung-phat-cung-dich-covid-19-20200310083628421.htm