Toàn cảnh vụ khủng hoảng điệp viên giữa Nga và phương Tây

Hàng chục quốc gia đã ra lệnh trục xuất trên 100 nhà ngoại giao Nga sau vụ điệp viên người Nga bị hạ độc trên đất Anh, mà các nước cho là Nga có dính líu. Vụ việc đã khiến quan hệ ngoại giao giữa Nga và phương Tây rơi xuống đáy.

Điệp viên Skripal – khởi nguồn khủng hoảng

Ngày 4/3, cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bất tỉnh trên ghế gần một trung tâm mua sắm ở Salisbury, cách thủ đô London của Anh 120km về phía Tây Nam.

Ông Skripal và con gái bị hạ độc ở Anh.

Skripal là cựu nhân viên tình báo quân sự người Nga bị cáo buộc làm gián điệp cho Anh.

Hiện cả ông Skripal và con gái đều nguy kịch trong bệnh viện ở Anh.

Sau khi ông và con gái bị hạ độc bằng chất độc thần kinh, quan hệ giữa Nga và Anh gia tăng căng thẳng. Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc nhiều khả năng Nga đứng sau âm mưu ám sát ông Skripal. Bà May đã cho Nga hạn chót đến ngày 13/5 để giải thích về việc làm sao mà một chất độc thần kinh được sản xuất thời Liên Xô lại xuất hiện ở miền Nam nước Anh.

Thủ tướng May đã ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga sau vụ hạ độc ông Skripal. Thủ tướng Anh cũng rút lại lời mời thăm Anh dành cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Ngoài ra, các thành viên nội các và thành viên Hoàng gia Anh sẽ không tham dự World Cup ở Nga vào mùa Hè này.

Làn sóng trục xuất nhà ngoại giao Nga

Để thể hiện sự đoàn kết với Anh, tới nay đã có 23 nước châu Âu, gồm 18 nước Liên minh châu Âu (EU) và 5 nước ngoài EU đã thông báo sẽ trục xuất 55 nhà ngoại giao Nga trong tuần tới.

Thủ tướng Anh Theresa May (thứ 2, trái) trong cuộc họp tại London. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quốc gia EU gồm: Pháp, Ba Lan, Đức, Lithuania, Séc, Đan Mạch, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Estonia, Latvia, Thụy Điển, Phần Lan, Romania, Croatia, Hungary, Ireland và Bỉ.

Năm nước ngoài EU gồm: Ukraine, Moldova, Albania, Na Uy và Macedonia.

Trong khi đó, các đồng minh NATO của Anh là Mỹ và Canada cũng đã có hành động tương tự.

Ngày 26/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh trục xuất 60 người Nga, gồm 12 nhân viên tình báo thuộc phái bộ Nga tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Mỹ cũng sẽ đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle (tiểu bang Washington).

Về phần mình, Canada sẽ trục xuất 4 người Nga bị cáo buộc hoạt động gián điệp hoặc can thiệp vào các vấn đề của Canada dưới vỏ bọc ngoại giao.

NATO cũng theo cuộc chơi trừng phạt Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 27/3 cho biết NATO sẽ giảm quy mô phái đoàn Nga tại NATO từ 30 xuống còn 20 người.

Nga phản ứng ra sao?

Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ cáo buộc của Anh, gọi đó là những cáo buộc mang đậm động cơ chính trị và là một “buổi diễn xiếc”, gọi làn sóng trục xuất là bước đi không thân thiện dựa trên tư tưởng liên minh hơn là bằng chứng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Anh cần phải điều tra xem chuyện gì đã xảy ra trước khi dội cáo buộc vào Nga. Ông Putin nói: “Trước tiên anh phải đi tới cùng sự việc ở đó, và sau đấy, chúng ta có thể thảo luận”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Để trả đũa Anh, Nga đã lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, đóng cửa lãnh sự quán Anh ở thành phố St Petersburg và Hội đồng Anh.

Đại sứ Nga tại Mỹ cũng đã bày tỏ lo ngại về việc Mỹ quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Ông Anatoly Antonov nói: “Những gì Mỹ đang làm hôm nay sẽ phá hủy những gì ít ỏi còn lại trong quan hệ Nga – Mỹ. Tôi muốn nói thêm rằng mọi trách nhiệm trong phá hủy quan hệ Nga - Mỹ đều thuộc về Mỹ”.

Về việc một loạt nước châu Âu nối gót Anh, Điện Kremlin gọi động thái trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga là hành động khiêu khích và khẳng định sẽ trả đũa tương xứng. Moskva cho biết Tổng thống Putin đang cân nhắc quyết định cuối cùng.

Đại sứ Nga tại Mỹ thậm chí còn mở khảo sát trên Twitter, hỏi người dùng xem Nga nên đóng cửa lãnh sự quán Mỹ nào trên đất Nga.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Anh đã từ chối cung cấp mẫu chất độc thần kinh cho Nga nhưng đã giao một mẫu cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) để điều tra.

Ngày 19/3, đại diện OPCW cũng đã thu thập mẫu chất độc thần kinh Novichok đã được sử dụng để hạ độc ông Skripal. Kết quả sẽ được công bố sau.

Dư luận lo ngại khủng hoảng ngoại giao có thể tồi tệ hơn nếu kết quả điều tra cho thấy có mối liên hệ với Nga. Theo nhà phân tích người Nga Konstantin Eggert, Anh sẽ dần dần gia tăng các biện pháp chống Nga.

Theo các chuyên gia, chuyện gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc trước tiên vào Điện Kremlin. Nếu Nga quyết định ăn miếng trả miếng thì cuộc khủng hoảng sẽ càng lún sâu.

Về nguy cơ dẫn tới Chiến tranh Lạnh giữa Nga và châu Âu, tờ New York Times cho rằng không có nguy cơ này nhưng tình hình sẽ rất khó lường.

Quốc hội Nga đang xem xét vấn đề. Hãng tin Interfax dẫn lời nhân vật số 2 của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksei Chepa tuyên bố: "Nga sẽ không khuất phục trước cuộc chiến ngoại giao của phương Tây... Nước Nga sẽ không để cho mình bị đánh bại, họ càng cố gắng đe dọa chúng tôi, chúng tôi sẽ càng đáp trả mạnh mẽ hơn".

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/toan-canh-vu-khung-hoang-diep-vien-giua-nga-va-phuong-tay-20180328155003551.htm