Toàn cảnh và hàng hóa công cộng

Khoảng 1 năm trước, cộng đồng đã xôn xao về công trình có tên Panorama (toàn cảnh) ở Mã Pí Lèng - Hà Giang. Ngay sau những phản ánh của dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh công trình ấy đã được xây dựng mà chưa có giấy phép, đã có những quyết định của các cấp quản lý yêu cầu phải chỉnh sửa, dỡ bỏ một phần cho đúng với quy định của pháp luật.

Nhưng đến hôm nay, dư luận lại quay trở lại ồn ào với Panorama khi vẻ ngoài hiện tại sau khi chỉnh sửa còn có vẻ đồ sộ hơn cũ. Thêm vào đó, phương án sử dụng mái ngói bản địa như một số đề xuất ban đầu đã không được thực hiện mà thực trạng là mái Thái Lan với xà gồ thép.

Hình ảnh của Panorama hiện tại không khỏi khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Liệu rằng có sự “đầu voi, đuôi chuột” trong xử lý sai phạm hay không? Hay là có chăng chuyện khi dư luận lắng xuống thì việc xử lý cũng không được làm triệt để nữa như thể một cách xem thường các ý kiến phản biện? Nói chung, về công trình này rất cần một câu trả lời của chính quyền địa phương và cả các cơ quan quản lý theo ngành có liên quan.

Trong lúc chờ đợi câu trả lời cuối cùng, cụ thể, minh bạch và chi tiết, chúng ta có thể nhìn nhận Panorama ở một góc độ khác, toàn cảnh hơn và có tính phổ biến hơn trong đời sống Việt Nam hiện tại, đặc biệt là ở các công trình trạm nghỉ tương tự ở nhiều địa phương khác.

Phải thừa nhận, vị trí của Panorama là cực đẹp khi nó có tầm nhìn ngắm cảnh toàn bộ khu hẻm vực Tu Sản, đèo Mã Pí Lèng và sông Nho Quế. Điểm dừng chân ngắm cảnh này, cũng như toàn bộ cảnh quan xung quanh nó, phải là một dạng hàng hóa công cộng mà quyền sở hữu khai thác không thể thuộc về bất kỳ một cá nhân nào. Vậy thì vì lý do nào mà một cá nhân lại có thể mua được một tài sản công cộng như vậy?

Trong quá trình khai thác nó có thu phí, liệu cá nhân ấy có ngăn cản quyền được chiêm ngưỡng của bất kỳ công dân nào khác chỉ vì họ không chịu đóng phí hay không? Và hơn nữa, khi giao một điểm ngắm cảnh thuộc dạng hàng hóa công cộng như vậy cho một cá nhân quản lý, nó cũng đồng nghĩa với việc những công dân khác không thể ghé vào đó để thụ hưởng quyền lợi chính đáng của mình (ngắm cảnh) nếu như không chấp nhận trả phí? Những khoản phí ấy được nhà nước khai thác như thế nào, có phù hợp với quy định pháp luật hay không?

Thực tế, trải dài đất nước có hàng loạt hàng hóa công cộng đã rơi vào tay tư nhân một cách nghiễm nhiên như vậy. Có những địa phương vùng biển mà thậm chí số lượng bãi tắm biển công cộng còn ít hơn các bãi tắm riêng của các resort. Người dân bản địa được hưởng lợi gì từ những khai thác trên?

Hoặc đơn cử như ở Lâm Đồng thôi, khu vực hồ Tuyền Lâm đã bị tư nhân hóa rất nhiều địa điểm ngắm cảnh đẹp nhất. Mục tiêu phát triển du lịch như vậy là đã bị biến tướng một cách méo mó và nguyên do là do đâu? Sự thiếu trách nhiệm, thiếu kiến thức về hàng hóa công cộng hay là do tư lợi?

Chủ trương lớn của Đảng trong kỳ Đại hội XIII sắp tới chính là quyền thụ hưởng của người dân. Trong quyền thụ hưởng ấy, hàng hóa công cộng phải là những thứ được đặt lên hàng đầu. Và một khi, hàng hóa, dịch vụ đã được coi là công cộng, chính hai tiếng “công cộng” này là thứ ngăn cản hữu hiệu nhất các ý đồ tư hữu.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/toan-canh-va-hang-hoa-cong-cong-627356/