Toàn cảnh đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau 2 ngày chạy thử nghiệm toàn tuyến

Bắt đầu từ ngày 12/12, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã chính thức được đưa vào chạy thử nghiệm trên toàn tuyến, mỗi ngày gần 300 lượt với thời gian trung bình từ 9 đến 10 phút/lượt. Trong đó giờ cao điểm có thể chạy từ 5 – 6 phút/lượt.

Vận hành toàn tuyến sau 5 năm “lỗi hẹn”

Toàn cảnh đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau 2 ngày chạy thử nghiệm toàn tuyến.

Bắt đầu từ ngày 12/12, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được chính thức đưa vào vận hành thử nghiệm trên toàn hệ thống. Thời gian dự kiến chạy thử nghiệm là 20 ngày, (từ 12/12 đến 31/12) với mục đích đánh giá sự an toàn, chính xác của hệ thống và phục vụ nghiệm thu trước khi được đưa vào khai thác thương mại.

Hình ảnh một tàu đang chạy thử nghiệm qua ga Thượng Đình (Quận Thanh Xuân).

Hình ảnh một tàu đang chạy thử nghiệm qua ga Thượng Đình (Quận Thanh Xuân).

Cụ thể, các đoàn tàu sẽ đi vào hoạt động từ 5h đến 23h hàng ngày. Trong giờ bình thường, tổ chức chạy 6 đoàn, giờ cao điểm có 9 đoàn chạy theo hai hướng từ đầu tuyến đến cuối tuyến hai ga Cát Linh và Yên Nghĩa. Mỗi ngày sẽ có 287 lượt tàu chạy, thời gian trung bình từ 9 – 10 phút/lượt, giờ cao điểm từ 5 đến 6 phút/lượt. Để hành khách lên xuống, ở mỗi ga, đoàn tàu dừng lại khoảng 30 giây.

Trung bình cứ 9 - 10 phút sẽ có một lượt tàu chạy qua các ga, giờ cao điểm là 5 - 6 phút/lượt.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, đã huy động 681 cán bộ, công nhân triển khai công tác diễn tập các tình huống trên tuyến. Tất cả các nhân sự sẽ phải thành thạo kỹ năng để vận hành thử toàn hệ thống, phục vụ công tác nghiệm thu. Một số bộ phận kỹ thuật, an toàn, bảo vệ sẽ làm việc 3 ca, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ.

Trong thời gian vận hành thử có sự tham gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đối với dự án trên. Căn cứ kết quả vận hành thử, Liên danh tư vấn độc lập Pháp (ACT) sẽ cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án (dự kiến trong quý I/2021). Sau khi được cấp chứng chỉ, chủ đầu tư (Bộ GTVT) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Thành phố Hà Nội quản lý, vận hành.

Trước đó, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đặt kế hoạch hoàn thành từ cuối năm 2015, tuy nhiên trải qua nhiều lần lùi tiến độ, dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại, lỗi hẹn đến 5 năm. Cụ thể:

Tháng 7/2015, tổng thầu của dự án là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc báo cáo tiến độ các nhà ga trên tuyến mới đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ.

Đến giữa năm 2016, dự án lại lỗi hẹn vì thi công nhỏ giọt. Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu tổng thầu phải hoàn thành xây lắp, cuối quý 2/2017 sẽ vận hành chính thức. Thế nhưng phía nhà thầu lại tiếp tục “thất hứa” và xin lùi đến đầu năm 2018.

Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm, lãnh đạo Bộ GTVT đặt mốc vận hành vào tháng 4/2019 nhưng dự án vẫn tiếp tục “đắp chiếu”.

Người dân sẽ mua vé qua hệ thống bán vé tự động

Mặc dù chưa đưa vào khai thác thương mại chính thức nhưng rất nhiều người dân đã nóng lòng muốn thử cảm giác di chuyển trên tuyến đường sắt trên cao đầu tiên này của Việt Nam. Nhiều người dân thắc mắc không biết cách thức mua vé sẽ ra sao.

Người dân sẽ mua vé thông qua hệ thống bán vé tự động.

Theo tìm hiểu của PV, người dân muốn di chuyển trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ phải mua vé tàu thông qua một hệ thống bán vé tự động. Cụ thể, hành khách sẽ đến trực tiếp nhà ga và thao tác trên hệ thống bán vé như: Chọn điểm đến, máy sẽ thông báo số tiền, hành khách chỉ cần đưa tiền vào máy sẽ trả vé và trả lại tiền thừa. Giá vé sẽ được làm tròn tới đơn vị nghìn đồng.

Sau khi mua vé, hành khách đi qua các cửa soát vé tự động, mỗi cửa trong 1 phút có thể nhận diện được 42 hành khách. Mỗi tàu có 6 cửa soát vé với 3 cửa vào, 3 cửa ra. Hành khách đi không đúng điểm sẽ không ra được khỏi tàu.

UBND TP Hà Nội cũng đã họp bàn về việc chốt giá vé tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, giá vé lượt thấp nhất là 8.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) với 12 nhà ga trên cao, 13 đoàn tàu do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người.

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông được thiết kế chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ.

Quang Thành - Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/toan-canh-duong-sat-cat-linh--ha-dong-sau-2-ngay-chay-thu-nghiem-toan-tuyen-546766.html