Toàn cảnh CQ-88 bảo vệ Trường Sa, Gạc Ma-Vòng tròn Bất tử

Với lực lượng vô cùng chênh lệch, nhưng trong chiến dịch CQ-88, Việt Nam đã chốt giữ thêm 11 đảo chìm, nâng tổng số đảo đã đóng giữ được lên 21.

Cuối năm 1978: Tình hình Trường Sa leo thang căng thẳng

Năm 1975, Việt Nam đóng giữ 5 đảo nổi ở quần đảo Trường Sa, bao gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa. Khi đó, trong điều kiện khó khăn, chúng ta chủ trương phải đóng giữ trước hết là các đảo nổi, đảo chìm lớn có vị trí chiến lược, sau đó sẽ tiếp tục ở các đảo, đá khác.

Năm 1978, Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo: An Bang (10/3/1978), Sinh Tồn Đông (15/3/1978), Phan Vinh (30/3/1978), Trường Sa Đông (4/4/1978). Tổng cộng đến năm 1978 ta đóng giữ 9 đảo, đều là đảo nổi.

Trong các kỳ trước với tiêu đề:

“Cuộc chiến tháng 2/1979: Giai đoạn đấu tranh và đàm phán 1979-1988”

“CQ-88: Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa của Việt Nam”,

chúng ta đã biết rằng, từ cuối năm 1986 và đầu năm 1987, tình hình khu vực biển quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp, do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên Biển Đông và một số quốc gia Đông Nam Á gia tăng các hành động tranh chấp chủ quyền.

Philippines đẩy mạnh việc vận chuyển xây dựng công trình trên các đảo của họ đóng giữ là đảo Song Tử Đông, Panata, còn Malaysia bí mật đưa lực lượng ra chiếm đóng bãi đá Kỳ Vân và chiếm thêm bãi đá Kiêu Ngựa vào tháng 1/1987.

Chúng ta nhận định rằng, có khả năng Trung Quốc sẽ dùng lực lượng hải quân chiếm đóng thêm một số đảo khác. Do đó, Việt Nam sẽ phải nhanh chóng đưa lực lượng công binh ra các đảo chưa có người ở để xây dựng công trình thể hiện chủ quyền và cử lực lượng chốt giữ.

Ngày 05 tháng 3 năm 1987, Quân chủng Hải quân đã điều lực lượng công binh, tàu chiến đấu, tàu vận tải của Vùng IV và Lữ đoàn 125 ra đóng giữ bảo vệ đảo chìm Thuyền Chài. Thuyền Chài chính là đảo, đá thứ 10 mà chúng ta kiểm soát.

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma (Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125)

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma (Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125)

Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên tăng cường cho Lữ đoàn 146, Vùng IV Hải quân, song yêu cầu các đơn vị đảo phải hết sức cảnh giác, tránh âm mưu khiêu khích của kẻ thù.

Ngày 25/10/1987, Đảng ủy và Bộ tư lệnh chủ trương tăng cường phòng thủ quần đảo Trường Sa, điều lực lượng chốt giữ thêm một số đảo xung quanh các đảo đã đóng giữ, để tạo nên sức mạnh của một cụm đảo. Vùng IV nhanh chóng tổ chức lực lượng ra đóng giữ các đảo Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập.

Mặc dù hết sức cố gắng, song lúc này thời tiết cuối năm sóng to gió lớn, phương tiện của ta nhỏ bé, chất lượng kỹ thuật không bảo đảm, hơn nữa, ta chưa chuẩn bị kịp các trang bị phương tiện để tổ chức cho bộ đội đóng giữ, ăn, ở sinh hoạt và chiến đấu trên những bãi đá ngầm, nên kế hoạch này chưa hoàn tất được.

Ngày 6/11/1987, trước các động thái tăng cường lực lượng của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra “Mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa”, giao cho Quân chủng Hải quân "Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không cần chờ chỉ thị cấp trên".

Chấp hành lệnh của trên, ngày 2/12/1987, Quân chủng đưa lực lượng ra đóng giữ đảo Đá Tây, đồng thời khẩn trương đóng các phương tiện chuyển tải và các pông-tông là các căn cứ nổi, làm nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ các đảo chìm (bãi đá cạn) trên quần đảo Trường Sa.

Ngày 2/12/1987, tàu HQ 604 thuộc Lữ đoàn 125 đưa bộ đội cùng vật liệu đến xây nhà cấp 3 ở đảo Đá Tây. Sau một thời gian lao động khẩn trương, cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành khu nhà ở, nhà trực, đồng thời ngay lập tức tổ chức canh gác, bảo vệ đảo.

Tháng 1/1988: Trung Quốc bắt đầu xâm chiếm Trường Sa, Việt Nam mở chiến dịch CQ-88

Ngày 09/01/1988, Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp nhận định: Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động quân sự tranh chấp chủ quyền hải đảo chiếm một số bãi san hô nổi hoặc chìm khi nước lên, xen kẽ với các đảo của ta. Trong khi đó, các nước khác có thể nhân cơ hội này chiếm đóng một số đảo nằm giữa Kỳ Vân và Ri-gân.

Ngày 22/01/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập.

Ngày 23/01/1988, tàu 613 thuộc Vùng 4 hải quân chở lực lượng và vật liệu ra đảo Tiên Nữ. Đến đầu tháng 02/1988, cán bộ, chiến sĩ trên đảo hoàn thành nhà ở cấp 3, nơi sinh hoạt, bếp ăn và triển khai phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.

Ngày 27/01/1988, tàu HQ-611 và tàu HQ-712, do đồng chí Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 làm biên đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thế Dân, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 hải quân làm biên đội phó, chỉ huy 1 đại đội công binh và 2 khung đảo của Lữ đoàn 146 đến đóng giữ đảo Chữ Thập.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/toan-canh-cq-88-bao-ve-truong-sa-gac-ma-vong-tron-bat-tu-3376700/