Toàn cảnh chuyến bay định mệnh 847 liên quan 700 tín đồ Hồi giáo

Một trong những nghi phạm cướp máy bay năm 1985 vừa bị bắt; 34 năm trước, nhóm không tặc bắn chết một lính hải quân Mỹ trên máy bay và yêu cầu Israel thả 700 người Hồi giáo dòng Shi'ite.

Một tên không tặc nhìn qua cửa máy bay hôm 20/6/1985 tại sân bay Beirut. Ảnh: Getty.

Một tên không tặc nhìn qua cửa máy bay hôm 20/6/1985 tại sân bay Beirut. Ảnh: Getty.

Chuyến bay 847 của hãng hàng không Mỹ Trans World Airlines (TWA) bay từ thủ đô Cairo của Ai Cập tới thành phố San Diego của Mỹ với các đợt dừng chân ở Athens (Hy Lạp), Rome (Ý), Boston và Los Angeles (Mỹ).

Sáng 14/6/1985, máy bay bị không tặc ngay sau khi cất cánh từ thủ đô Athens. Nhóm cướp máy bay yêu cầu trả tự do cho 700 tín đồ Hồi giáo dòng Shi’ite đang bị giam giữ ở Israel vừa đổi hướng máy bay tới thủ đô Beirut của Li-băng và thủ đô Algiers của Algeria.

Sau đó, các phân tích của phương Tây cho rằng, nhóm không tặc là thành viên của lực lượng vũ trang Hezbollah, nhưng Hezbollah phủ nhận kết luận này.

Hành khách và thành viên phi hành đoàn phải trải qua nỗi thống khổ liên lục địa trong 17 ngày. Một số hành khách bị đe dọa, một số khách bị đánh đập.

Hành khách có tên có vẻ là tên Do Thái bị tách riêng khỏi những người khác. Một thợ lặn Hải quân Mỹ tên là Robert Stethem bị bắn chết và bị quăng xác xuống sân đỗ máy bay. Hàng chục hành khách bị giữ làm con tin trong 2 tuần cho đến khi được phóng thích sau khi một số yêu sách của không tặc được đáp ứng.

Chuyến bay 847 sử dụng máy bay Boeing 727-200, khởi hành sáng 14/6 ở Cairo. Sau chặng bay yên bình từ Cairo tới Athens, một tổ bay mới lên chuyến bay 847, gồm cơ trưởng John Testrake, cơ phó Phil Maresca, kỹ sư Christian Zimmermann, tiếp viên trưởng Uli Derickson và 4 tiếp viên Judy Cox, Hazel Hesp, Elizabeth Howes và Helen Sheahan.

Lúc 10h10, chuyến bay 847 rời Athens đi Rome. Ngay sau cất cánh, tổ lái phải chịu sự điều khiển của hai người đàn ông Li-băng nói tiếng Ả rập. Hai người này đã qua mặt được lực lượng an ninh sân bay Athens, mang trót lọt một khẩu súng lục và hai quả lựu đạn lên máy bay.

Sau này một trong hai tên không tặc này được xác định là Mohammed Ali Hamadi, bị bắt và bị kết án tù chung thân ở Đức. Hamadi bị cho là thành viên Hezbollah.

Thợ lặn Hải quân Mỹ Robert Stethem. Ảnh: Getty.

Bay qua bay lại giữa Beirut và Algiers

Trong không phận Hy Lạp, máy bay chuyển hướng, không bay tới Rome mà hướng tới Trung Đông. Trạm dừng chân đầu tiên (kéo dài vài giờ) là Beirut, nơi không tặc thả 19 hành khách để đổi lấy nhiên liệu.

Ngay trước khi chiếc Boeing hạ cánh, kiểm soát không lưu ban đầu từ chối để máy bay hạ cánh xuống Beiru. Cơ trưởng Testrake tranh luận với kiểm soát không lưu cho đến khi họ mủi lòng, đổi ý. Ông nói: “Anh ta (tên không tặc) đã kéo chốt lựu đạn và sẵn sàng cho nổ tung máy bay nếu anh ta phải làm vậy. Chúng tôi phải, tôi nhắc lại, chúng tôi phải hạ cánh xuống Beirut. Chúng tôi phải hạ cánh xuống Beirut. Không còn cách nào khác”.

Lúc đó, Li-băng đang trong nội chiến và thủ đô Beirut bị chia làm hai khu vực dưới quyền kiểm soát của lực lượng dân quân Amal dòng Shia và Hezbollah. Chiều hôm đó, máy bay tiếp tục vượt Địa Trung Hải tới Algers, nơi 20 hành khách được trả tự do trong đợt dừng chân kéo dài 5 giờ trước khi bay trở lại Beirut ngay trong đêm.

Xung quanh sân bay quốc tế Beirut là khu vực của người Hồi giáo dòng Shia. Sân bay không có hàng rào an ninh (vì bị các tay súng Hồi giáo tàn phá); người dân gần đó có thể lái xe vào tận đường băng.

Những tên không tặc thường xuyên đánh đập tất cả hành khách phục vụ trong quân đội. Trong đợt dừng chân ở Beirut, chúng lôi thợ lặn Hải quân Mỹ Robert Stethem ra đánh đập, bắn vào thái dương phải của anh này, vứt xác ra khỏi máy bay, bắn vào thi thể rồi xin thêm nhiên liệu từ những người Hồi giáo dòng Shia đang vận hành tháp điều khiển ở sân bay.

Bảy hành khách người Mỹ có họ giống họ người Do Thái bị đưa khỏi máy bay, bị giữ làm con tin trong một nhà tù Shia ở Beirut.

Gần một tá đàn ông vũ trang tận răng gia nhập nhóm không tặc trước khi máy bay trở lại Algiers vào ngày hôm sau, 15/6. Có thêm 65 hành khách và tất cả 5 nữ thành viên tổ bay được phóng thích.

Đám không tặc muốn bay tới thủ đô Tehran của Iran nhưng lại quay về Beirut lần thứ ba vào chiều 16/6, rồi ở lại đó không rõ nguyên do.

Yêu sách của không tặc

Ban đầu, bọn không tặc yêu cầu:

-Thả những người liên quan vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kuwait năm 1983.

- Trả tự do cho cho tất cr 766 người, chủ yếu người Li-băng theo đạo Hồi dòng Shia đang bị giam trong nhà tù Atleat ở Israel và các lực lượng Israel phải lập tức rút khỏi miền nam Li-băng.

-Quốc tế lên án Israel và Mỹ.

Chính phủ Hy Lạp thả một người Li-băng tên là Ali Atwa để đổi lại 8 công dân Hy Lạp bị không tặc giữ làm con tin trên máy bay, trong đó có ca sĩ nhạc pop Demis Roussos.

Chiều 17/6, không tặc đưa 40 con tin còn lại ra khỏi máy bay, giữ họ làm con tin ở khắp Beirut. Không tặc thả một con tin và 39 người còn lại bị giam giữ cho đến khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan can thiệp với giới chức Li-băng hôm 30/6. Hành khách và các phi công được tìm thấy trong một sân trường. Họ gặp các nhà báo rồi được Hội Chữ thập đỏ quốc tế đưa lên xe về khách sạn Sheraton và một cuộc họp báo ở thủ đô Damascus của Syria.

Sau đó các con tin lên máy bay chở hàng C-141B Starlifter của Không quân Mỹ, bay tới Tây Đức – nơi họ gặp ông Georeg H.W.Bush (lúc đó là Phó tổng thống Mỹ), được khám sức khỏe, đưa được tới căn cứ không quân Andrews ở bang Maryland của Mỹ, được tổng thống Mỹ tiếp đón.

Trong vòng vài tuần sau đó, Israel thả hơn 700 tù nhân người Shia với lời tuyên bố rằng, việc trả tự do này không liên quan vụ không tặc.

17 phụ nữ lớn tuổi và 2 trẻ em được thả tại sân bay Beirut. Ảnh: Getty.

Tiếp viên biết tiếng Đức cứu nguy

Tiếp viên người Mỹ gốc Đức Uli Derickson được khen ngợi vì đã giúp ổn định tình hình trên máy bay và bảo vệ hành khách khi vụ không tặc bắt đầu.

Một tên không tặc đá vào ngực Derickson để bắt cô đi cùng hắn tới buồng lái. Tên không tặc còn lại tay cầm quả lựu đạn đã rút chốt đá vào cửa buồng lái. Vào được bên trong, chúng dùng súng lục đánh phi công và viên kỹ sư bay. Hai tên không tặc nói tiếng Anh kém, nhưng một tên nói tiếng Đức trôi chảy.

Derickson là thành viên duy nhất của tổ lái nói được tiếng Đức nên cô dịch các yêu sách của không tặc cho phi công hiểu. Có thời điểm, một tên không tặc bảo cô cưới hắn. Sau này cô miêu tả đó là khoảnh khắncđáng sợ nhất trong nỗi thống khổ bị không tặc nhiều ngày.

Khi máy bay chuyển hướng tới Beirut lần đầu tiên, Derickson xin không tặc thả các phụ nữ trên máy bay. Sau khi không tặc từ chối, cô thuyết phục thành công: không tặc thả 17 phụ nữ lớn tuổi và 2 trẻ em.

Sau đó không tặc chuyển hướng máy bay tới Algiers, nơi các lực lượng dưới mặt đất từ chối tiếp nhiên liệu cho máy bay nếu không được trả tiền khiến không tắc tức giận, đe dọa sử dụng vũ lực. Tình hình bớt căng thẳng khi Derickson dùng thẻ tín dụng Shell Oil của mình để trả tiền xăng – khoảng 5.500 USD cho 22.700 lít xăng máy bay.

Không tặc yêu cầu Derickson rà soát hộ chiếu hành khách để tìm ra những người có tên giống tên Do Thái. Báo cáo ban đầu cho rằng, cô đã làm theo yêu cầu của chúng. Nhưng sau đó, sự thật được làm sáng tỏ rằng, cô thực ra đã giấu hộ chiếu để bảo vệ các hành khách Do Thái.

Vì thông tin ban đầu là Derickson cung cấp tên của các hành khách Do Thái cho không tặc nên sau khi được trả tự do, cô bị một số nhóm cực đoan đe dọa. Khi thông tin cô giấu hộ chiếu hành khách Do Thái để bảo vệ họ được xác nhận, cô lại bị các nhóm cực đoan khác đe dọa. Vì thế, gia đình cô phải chuyển từ bang New Jersey tới bang Arizona.

Nhờ các hành động dũng cảm trên chuyến bay 847, Derickson được một tổ chức cựu chiến binh Mỹ, Legion of Valor, trao tặng huy chương Thập tự bạc dũng cảm. Cô là phụ nữ đầu tiên có được vinh dự này.

Phim truyền hình “The Taking of Flight 847: The Uli Derickson Story” (năm 1988) với vai nữ chính Derickson (Lindsay Wagner đóng) nhận được năm đề cử Emmy. Phim hành động “The Delta Force” (1987) có cốt truyện dựa trên vụ không tặc chuyến bay 847 có nhân vật nữ tiếp viên Đức (Hanna Schygulla thủ vai) có nguyên mẫu là Derickson.

Sau này, Derickson làm chứng tại phiên tòa xử tên không tặc Mohammed Ali Hamadi bị kết án tù chung thân vì sát hại thợ lặn hải quân Stethem. Derickson cũng tư vấn cho hai hãng hàng không Mỹ TWA và Delta Air Lines và Cục Điều tra liên bang (FBI) về quản lý khủng hoảng. Derickson qua đời năm 2003 ở tuổi 60 vì bệnh ung thư.

Trong khi đó, thợ lặn hải quân Stethem được đặt tên cho một tàu khu trục Mỹ lớp Arleigh Burke. Chiếc Boeing bị không tặc vẫn được TWA sử dụng đến khi “nghỉ hưu” năm 2000.

Tiếp viên hàng không Uli Derickson. Ảnh: Getty.

Mỹ vẫn treo thưởng 5 triệu USD dẫn tới việc bắt giữ 2 tên không tặc

Chuyên gia về Hezbollah, ông Magnus Ranstorp ở Đại học St. Andrews (Scotland), cho rằng, hai thành viên “tai to mặt lớn” của Hezbollah là Hassan Izz-Al-Din và Mohammed Ali Hammadi, đã trợ giúp các thành viên ngầm của Hezbollah lên kế hoạch, giám sát và tham gia vụ không tặc. Hassan Izz-Al-Din sau này còn liên quan vụ không tặc chuyến bay 422 của Kuwait Airways năm 1988.

Hammadi bị bắt ở thành phố Frankfurt, Tây Đức vào năm 1987 khi đang tìm cách nhập lậu thuốc nổ lỏng. Với tội danh nhập lậu thuốc nổ và sát hại thợ lặn Stethem năm 1985, tên này bị xét xử và kết án tù chung thân vì sát hại thợ lặn Stethem năm 1985. Tuy nhiên, Hammadi được giới chức Đức đặc xá vào tháng 12/2005 và trở lại Li-băng.

Người ta cho rằng, Hammadi được thả trong một chương trình trao đổi tù nhân bí mật; người được đưa ra trao đổi là nhà khảo cổ học người Đức Susanne Osthoff bị bắt cóc ở Iraq một tháng trước đó. Bà Osthoff được thả hai ngày trước khi Hammadi được phóng thích.

Năm 2006, Mỹ chính thức yêu cầu chính phủ Li-băng dẫn độ Hammadi về tội sát hại Stethem. Cùng năm, Hammadi xuất hiện trên danh sách đối tượng khủng bố bị truy nã gắt gao nhất của FBI.

Trước đó, năm 2001, ngay sau vụ khủng bố 11/9, trong số 22 cái tên trong danh sách đối tượng khủng bố bị truy nã gắt gao nhất của FBI có tên 3 nghi phạm không tặc chuyến bay 847 năm 1985. Đó là Hassan Izz-Al-Din, Ali Atwa và Imad Mugniyah.

Một số tờ báo dẫn thông báo của Hezbollah rằng, Imad Mugniyah đã chết trong một vụ bom xe năm 2008. Đến nay, Mỹ vẫn treo thưởng 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ, kết án Hassan Izz-Al-Din và Ali Atwa.

Ngày 19/9/2019, cảnh sát Hy Lạp bắt một người đàn ông 65 tuổi tại đảo Mykonos khi công dân Li-băng này làm thủ tục kiểm tra hộ chiếu đối với hành khách đi du thuyền. Ông ta lên chiếc du thuyền đi qua các đảo Rhodes, Santorini và Mykonos. Mykonos là chặng dừng chân cuối cùng trước khi tàu trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Người đàn ông Li-băng này bị cáo buộc liên quan vụ không tặc chuyến bay 847 năm 1985.

Chiếc máy bay bị không tặc đỗ sở sân bay Algiers ngày 15/6/1985. Ảnh: Getty.

Danh sách người trên chuyến bay 847 năm 1985:

Tùng Gia

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/toan-canh-chuyen-bay-dinh-menh-847-lien-quan-700-tin-do-hoi-giao-1467009.tpo