Toàn cảnh ca lây nhiễm và quá trình chữa trị vi rút corona tại Việt Nam

Việc các bác sĩ Việt Nam bước đầu chữa trị thành công cho một bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm vi rút corona (nCoV) có nguồn bệnh từ thành phố Vũ Hán đang được ngành Y tế thế giới đặc biệt chú ý.

Để các đồng nghiệp quốc tế hiểu rõ hơn về quá trình xử lý 2 ca nhiễm nCoV này, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đã tập hợp các dữ liệu thành bài viết, gửi đăng trên tạp chí y học danh tiếng The New England Journal of Medicine (Mỹ) ngày 28-1. HNMO xin chuyển đến quý bạn đọc bản dịch ngày 29-1 của bác sĩ Từ Thanh để cùng tham khảo.

Các bác sĩ thăm khám cho hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm vi rút 2019-nCoV, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh.

Sự xuất hiện và lan truyền của vi rút corona mới (2019-nCoV) từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã trở thành mối quan tâm về sức khỏe toàn cầu. Kể từ khi phát hiện vi rút corona mới vào cuối tháng 12-2019, một số quốc gia đã báo cáo phát hiện một số trường hợp bị nhiễm loại vi rút này trong số các du khách trở về từ Trung Quốc.

Tại Việt Nam, chúng tôi nhận được báo cáo về một nhóm nhiễm 2019-nCoV có nguồn gốc từ một người đàn ông Trung Quốc. Ngày 22-1-2020, một người đàn ông 65 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2, bệnh mạch vành đã được đặt stent và ung thư phổi, đã được chuyển viện vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), vì sốt nhẹ và mệt mỏi.

Bệnh nhân bị sốt vào ngày 17-1, chỉ 4 ngày sau khi ông và vợ rời quận Wuchang ở Vũ Hán, Trung Quốc - nơi xảy ra dịch bệnh 2019-nCoV, bay đến Hà Nội. Ông ấy nói rằng không hề tới ngôi chợ ẩm ướt (một khu chợ bán các động vật chết và sống) ở Vũ Hán.

Phết họng bệnh nhân làm xét nghiệm RT-PCR thời gian thực có kết quả dương tính với 2019-nCoV. Khi nhập viện, người đàn ông đã được cách ly và điều trị theo kinh nghiệm bằng các thuốc chống vi rút, kháng sinh phổ rộng và các liệu pháp hỗ trợ. X-quang phổi chụp lúc nhập viện cho thấy thâm nhiễm ở thùy trên của phổi trái.

Vào ngày 25-1, người đàn ông này đã được cho thở oxy thông qua ống thông mũi, liều lượng 5 lít/phút vì khó thở và thiếu oxy máu. Áp suất riêng phần của oxy (PaO2) là 57,2 mmHg khi ông thở không khí phòng, trên X-quang phổi có sự thâm nhiễm và đông đặc tiến triển thêm. Nam bệnh nhân hết sốt vào ngày 25-1 và tình trạng lâm sàng của ông đã được cải thiện kể từ ngày 26-1. Vợ ông không có triệu chứng bệnh khi họ đi du lịch cùng. Bà ấy khỏe mạnh tính đến ngày 28-1.

Khu cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi chữa trị cho 2 bệnh nhân nhiễm vi rút 2019-nCoV.

Con trai 27 tuổi khỏe mạnh của cặp vợ chồng này sống ở Long An từ tháng 10-2019. Anh ta đã không đi du lịch đến một khu vực nào có vi rút 2019-nCoV đang lan rộng, và anh ta cũng không tiếp xúc với bất kỳ người nào khác trở về từ một khu vực như vậy.

Vào ngày 17-1, anh ta gặp cha mình ở Nha Trang (Khánh Hòa) và ở chung phòng ngủ với bố mẹ trong 3 ngày trong một phòng khách sạn có máy lạnh. Tới ngày 20-1 thì anh ho khan và sốt, bị nôn mửa và đi ngoài phân lỏng một lần trước khi nhập viện. Điều này cho thấy thời gian ủ bệnh của 2019-nCoV có thể là 3 ngày hoặc ít hơn trong trường hợp này.

Khi người con trai cùng với cha đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 22-1, anh bị sốt 39°C và ngay lập tức được cách ly. X-quang phổi và các xét nghiệm khác ở bệnh nhân này không cho thấy bất thường nào ngoại trừ CRP tăng (13,9 mg/L).

Xét nghiệm RT-PCR thời gian thực đối với vi rút cúm A và B và xét nghiệm NS1 Antigen vi rút sốt xuất huyết Dengue là âm tính ở cả cha và con. Phết họng ở người con trai là dương tính với vi rút 2019-nCoV. Người cha được cho là nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, việc xác định trình tự các chủng từ hai bệnh nhân để xác định việc truyền 2019-nCoV từ cha sang con chưa được thực hiện. Tình trạng người con đã ổn định sau ngày 23-1.

Gia đình này đã đi đến bốn thành phố trên khắp Việt Nam bằng nhiều hình thức vận chuyển khác nhau, bao gồm máy bay, tàu hỏa và taxi. Tổng cộng có 28 người tiếp xúc gần gũi với họ, nhưng không ai trong số những người này, đã được xác định, có các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp.

Bác sĩ Từ Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/956686/toan-canh-ca-lay-nhiem-va-qua-trinh-chua-tri-vi-rut-corona-tai-viet-nam