Toàn cảnh 'bức tranh' thủy điện Lào

Đập Xe Pian Xe Nam Noy trị giá 1,02 tỷ USD vỡ mới đây chỉ là một trong nhiều dự án thủy điện ở Lào nằm trong chiến lược đưa nước này trở thành 'quả pin của Đông Nam Á'.

“Quả pin Đông Nam Á”

Nằm bên dòng Mekong, trong những năm gần đây, Lào đầu tư mạnh vào thủy điện. Quốc gia không có biển này bán phần lớn lượng điện sản xuất ra nước ngoài, chiếm 30% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Đập Nam Ngum 1. Ảnh: Wikipedia

Chính phủ Lào dự định nâng gấp đôi sản lượng điện hiện nay trước năm 2020 để trở thành “quả pin của Đông Nam Á”. Theo kế hoạch phát triển thủy điện cách đây 10 năm, Lào kêu gọi phát triển thủy điện nhờ có mạng lưới sông rộng lớn. Nhu cầu điện cao tại các nước láng giềng của Lào cũng tạo động lực cho kế hoạch phát triển.

Theo hãng thông tấn Lào KPL, năm 2017, nước này có 46 nhà máy thủy điện và 54 nhà máy đang được xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng. Tới năm 2020, Lào muốn có 100 nhà máy thủy điện hoạt động với công suất 28.000 megawatt.

Xuất khẩu điện đã trở thành một nguồn thu quan trọng với Lào. Quốc gia này đã ký một biên bản ghi nhớ với Thái Lan năm 1993 để cung cấp 1.500 megawatt điện cho Thái Lan. Lào hiện xuất khẩu 2/3 lượng điện sản xuất.

Theo ông Maureen Harris, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers (Các dòng sông Quốc tế), chính sách của Chính phủ Lào thu hút các nhà đầu tư xây dựng đập thủy điện. Phần lớn các dự án ở Lào đang được các công ty tư nhân xây dựng. Các công ty này sau đó được hưởng một phần lợi nhuận từ các nhà máy thủy điện trên trong vòng 25-30 năm trước khi bàn giao lại cho Chính phủ Lào.

Thủy điện là một nguồn lực quan trọng ở Lào với ước tính công suất khai thác về mặt kỹ thuật là 18.000 MW. Từ tháng 9/2013 tới tháng 10/2014, các nhà máy thủy điện Lào sản xuất gần 15,5 tỷ kWh. Trong tổng số này, gần 12,5 tỷ kWh được xuất khẩu, mang về cho Lào nguồn thu 610 triệu USD.

Tính tới tháng 11/2014, mới có 3.240 MW thủy điện Lào được khai thác. Phần lớn đập thủy điện hiện nay và sắp được xây đều nằm trên các sông nhánh của dòng Mekong. Hai đập đang được xây trên dòng chính sông Mekong tại Xayaburi và Don Sahong.

Con đập nổi tiếng của Lào được xây trên sông Ngum ở tỉnh Vientiane và đó là Nhà máy thủy điện Nam Ngum 1. Hoàn thành năm 1971 với nguồn vốn tài trợ Nhật Bản, nhà máy thủy điện Nam Ngum 1 cung cấp phần lớn điện cho nhu cầu sử dụng nội địa tại Lào cho tới cuối thế kỷ 20, đồng thời cũng xuất khẩu sang Thái Lan.

Hồ chứa Nam Ngum đã trở thành địa điểm du lịch và giải trí ở Lào. Người ta xây các khu nghỉ dưỡng trên một số đảo nhỏ trên hồ. Nghề cá cũng phát triển quanh hồ.

Hiện có 16 dự án thủy điện ở Lào sử dụng đập để trữ hoặc điều chỉnh dòng nước nhằm sản xuất điện. Đập cao nhất được xây tính tới nay cao 185 mét thuộc dự án Nam Ngum 2. Hồ chứa lớn nhất ở Lào là hồ Nakai rộng 450km2, xây năm 2008 khi đập Nakai bị đóng cửa lần đầu tiên. Con đập và hồ chứa này chứa nước cho dự án Nam Theun 2 có công suất 1.070MW. Đây là nhà máy điện lớn nhất Lào về công suất.

Đập Xayaburi đang được xây dựng. Ảnh: Asianews

Một trong những dự án thủy điện năng suất nhất ở Lào là Theun-Hinboun ở trung Lào, được xây dựng theo hai giai đoạn, hoàn thành năm 1998 và 2012. Dự án ban đầu gồm một đập tương đối nhỏ và một hồ chứa, chuyển nước từ sông Theun tới sông Hinboun gần đó, sản xuất 220MW điện.

Năm 2012, Lào bắt đầu xây đập thủy điện Xayaburi công suất 1.285MW, đập đầu tiên được xây trên dòng chính Mekong tại Lào. Nhà máy dự kiến hoạt động năm 2019 và sẽ là đập thủy điện lớn nhất tại “xứ sở triệu voi”.

Tháng 10/2014, Lào khởi công dự án thủy điện công suất 290MW với hai đập và hai hồ chứa trên sông Ngiep ở tỉnh Bolikhamxay. Nhà máy thủy điện Nam Ngiep 1 sẽ hoạt động tháng 1/2019 và sẽ là dự án thứ 2 trên sông Ngiep.

Có 21 dự án xây đập ở Lào đã được Chính phủ Lào cấp phép. Từ năm 2012 tới 2022, dự kiến cứ mỗi năm lại có 2 nhà máy điện mới hoạt động. 31 dự án đã được ký biên bản ghi nhớ.

Thông tin về đập Xe Pian Xe Nam Noy

Dự án xây dựng đập Xe Pian Xe Nam Noy được đầu tư theo hình thức BOT. Dự án ước tính sản xuất 1.860 GWh điện hàng năm. Đây là dự án hợp tác giữa Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào.

Công trình khởi công năm 2013 và dự kiến hoàn công vào năm 2018. Theo thiết kế, hồ chứa của dự án là 5 tỷ mét khối nước. Nhà máy sẽ xuất khẩu 90% sản lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây là dự án BOT đầu tiên được các công ty Hàn Quốc thực hiện ở Lào.

Nghiên cứu tính khả thi của dự án đã hoàn thành tháng 11/2008. Quá trình xây dựng bắt đầu từ tháng 2/2013 và dự kiến phát điện thương mại từ năm 2018.

Đập Xe Pian Xe Nam Noy vừa bị vỡ. Ảnh: Laotian Times

Dự án Xe Pian Xe Nam Noy nằm ở Cao nguyên Bolaven, cách thủ đô Vientiane 550km về phía Đông Nam. Dự án được phát triển trên diện tích 238 ha và cho thuê trong vòng 32 năm.

Dự án gồm 3 hạ tầng chính: đập Houay Makchan, Xe Pian Dam và Xe-Namnoy dọc sông Mekong. Dự án có một hồ chứa lớn trên sông Xe Namnoy, đầm ngầm, kênh dẫn và nhà máy điện gồm bốn tổ hợp phát điện.

Đập Xe Namnoy cao 73 mét, dài 1.600 mét và có công suất chứa 1.043 triệu mét khối nước. Khoảng 1.000 mét khối nước sẽ được gom vào Houay Makchan và Xe Pian và chứa trong hồ chứa Xe Namnoy.

Điện sản xuất từ nhà máy này được xuất khẩu tới Thái Lan qua đường dây tải điện 230/500kV của Thái Lan và đường dây 115kV của Lào.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so/tu-vu-vo-dap-nhin-lai-toan-canh-buc-tranh-thuy-dien-lao-20180730213524073.htm