Tòa tuyên hủy quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sau hơn hai năm tạm hoãn phiên tòa xét xử vụ kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vì thu hồi bằng Tiến sĩ, ngày 14-12, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết về vụ kiện này.

Trước đó, từ ngày 7 đến 10-10-2016, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là ông Hoàng Xuân Quế (Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân) và người bị kiện là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Người khởi kiện cho rằng, người bị kiện đã thu hồi bằng Tiến sĩ của mình không đúng quy định.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ủy quyền có đơn xin xét xử vắng mặt. Hai luật sư Đinh Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ánh Tuyết tham gia bảo vệ quyền lợi cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại có mặt tại phiên xử.

Theo hồ sơ vụ kiện, tháng 6-2013, Bộ GD&ĐT nhận được đơn phản ánh về việc ông Hoàng Xuân Quế, tác giả luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã “đạo văn” tới 30% dung lượng luận án Tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng (luận án của ông Mai Thanh Quế với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”.

Từ phản ánh này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để xác minh. Tổ xác minh đã cử cán bộ tới Thư viện Quốc gia Việt Nam sao chụp, copy bản gốc luận án Tiến sĩ đang lưu trữ và đóng dấu giáp lai của thư viện vào bản copy hai bản luận án nói trên. Sau khi làm việc trực tiếp với ông Mai Thanh Quế, tổ công tác xác định, luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế và ông Mai Thanh Quế có nhiều điểm giống nhau.

Phiên xử vụ kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Ông Hoàng Xuân Quế cho rằng, ông không sao chép luận án nên đã đưa ra nhiều tài liệu khác nhau và nộp bản giải trình với các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT về các vấn đề liên quan đến vụ việc.

Để làm rõ sự việc này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Quá trình xác minh, Hội đồng nhận định, luận án của ông Hoàng Xuân Quế có nhiều nội dung giống với luận án của ông Mai Thanh Quế.

Do đó Hội đồng khẳng định, luận án của ông Hoàng Xuân Quế có sao chép một phần từ luận án của ông Mai Thanh Quế, các sao chép này là không hợp pháp.

Ngày 11-10-2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký Quyết định 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế do sao chép đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%) từ luận án Tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế.

Quyết định này được căn cứ vào kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc xác minh đơn tố cáo đối với bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Hai tháng sau, ông Hoàng Xuân Quế bị Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước hủy bỏ quyết định công nhận chức danh Phó Giáo sư.

Không đồng tình với kết luận và quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ nói trên, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra TAND TP Hà Nội.

Tại tòa, ông Quế cũng như luật sư của mình cho rằng quá trình thụ lý đơn tố cáo của Bộ GD&ĐT là không đúng pháp luật và không khách quan, vì các cuốn luận án để làm căn cứ xác định ông “đạo văn” có thể bị đánh tráo. Ngoài ra, các cuốn luận án mà tự ông thu thập và giao nộp cho Bộ GD&Đ cùng các ý kiến phản biện từ các giáo viên khác chưa được xem xét, đánh giá…

Hai luật sư Đinh Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ánh Tuyết bảo vệ quyền lợi cho Bộ GD&ĐT nêu quan điểm, việc thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là đúng quy định pháp luật, việc thụ lý đơn tố cáo của Bộ GD&ĐT đảm bảo tính khách quan, đúng quy định của Luật tố cáo và các văn bản pháp luật liên quan.

“Hai cuốn luận án tại Thư viện Quốc gia Việt Nam dùng làm căn cứ để xác định ông Hoàng Xuân Quế “đạo văn” có đủ giá trị pháp lý”, luật sư Đinh Anh Tuấn khẳng định.

Cũng theo luật sư Đinh Anh Tuấn, Bộ GD&ĐT đã xem xét, đánh giá các cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế cũng như các ý kiến phản biện của giáo viên khác nhưng thấy không đủ giá trị pháp lý nên không thể sử dụng làm căn cứ để ra quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ.

Từ lập luận của mình, hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế.

Trình bày quan điểm tại phiên xử, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, Hội đồng xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế gồm các Giáo sư ngành kinh tế của Trường Đại học Thương mại, trong khi luận án của ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ thuộc cấp Nhà nước.

Vì thế, để xác minh có hay không việc sao chép thì cần phải lập Hội đồng xác minh luận án cấp Nhà nước. Theo trình bày của ông Hoàng Xuân Quế cho thấy, ngoài cuốn luận án bản gốc cũng như bản copy tại Thư viện Quốc gia Việt Nam thì còn thiếu bản tóm tắt quyết định thành lập Hội đồng chấm luận án, nghị quyết Hội đồng chấm luận án...

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, có sự khác nhau giữa sáu cuốn luận án của Bộ GD&ĐT và ông Hoàng Xuân Quế thu thập được nên cần xác minh, đánh giá lại. Từ quan điểm của mình, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên hủy quyết định của Bộ GD&ĐT về việc thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, việc Bộ GD&ĐT căn cứ vào biên bản của Hội đồng xác minh theo quyết định của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, ngành kinh tế học để kết luận việc sao chép luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp lệ, không có giá trị. Việc xác minh được triển khai trước khi nhận được đơn tố cáo, văn bản làm việc với các thành viên Hội đồng chấm luận án... không phải là tài liệu đúng quy định.

"Trong khi có 3 cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế thu thập từ các nhà khoa học là người hướng dẫn và người tham gia Hội đồng chấm luận án, có chữ ký của các nhà khoa học mà tác giả cho là luận án bảo vệ tại hội đồng có nội dung khác so với ba cuốn luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo thu thập. Người tố cáo đồng thời là Chủ tịch Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước đối với luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế cũng không cung cấp được cuốn luận án đã nhận khi nghiên cứu sinh bảo vệ chính thức”, Chủ tọa phiên tòa nói.

Theo quan điểm của HĐXX, thời điểm ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ luận án tháng là 10-2003, căn cứ vào các quy định thời điểm đó thì việc thu hồi bằng Tiến sĩ không phù hợp quy định của pháp luật. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 4674 ngày 11-10-2013 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là trái quy định của pháp luật.

Sau khi nhận xét, đánh giá sự việc, HĐXX tuyên hủy Quyết định 4674 ngày 11-10-2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thu hồi bằng Tiến sĩ, ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế.

NGUYỄN HƯNG

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/toa-tuyen-huy-quyet-dinh-cua-bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-524641/