Tòa trao sai quyền kháng cáo cho luật sư

Lúc phạm tội bị cáo dưới 18 tuổi, khi xử sơ thẩm trên 18 tuổi nhưng tòa sơ thẩm vẫn trao quyền kháng cáo cho luật sư.

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Dũ Luân (sinh ngày 8-12-2001) bốn năm tù về tội cướp tài sản (giảm hai năm so với án sơ thẩm).

Đặc biệt, trong vụ này, tại thời điểm phạm tội bị cáo dưới 18 tuổi, tại thời điểm xét xử sơ thẩm đã trên 18 tuổi nhưng tòa sơ thẩm vẫn trao quyền kháng cáo cho luật sư (bào chữa theo chỉ định).

Rủ nhau đi cướp sau chầu nhậu

Theo cáo trạng, khoảng 1 giờ ngày 3-3-2019, sau khi nhậu ở nhà một người bạn xong bị cáo Luân lấy xe máy chở Nguyễn Văn Nhân và Lê Phúc Khang về nhà. Trên đường về, Khang rủ Luân và Nhân đến khu bờ kè cống hôi thuộc khu phố 2, phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) cướp tài sản.

Luân điều khiển xe đến gần nhà Nhân thì dừng lại để Nhân vào nhà lấy một con dao. Sau đó ba người chạy xe đến trước địa chỉ 115/18A, tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu thì dừng lại. Đến 2 giờ 30 cùng ngày, Khang và Nhân phát hiện một người đàn ông đang điều khiển xe máy đi tới nên chặn đầu xe của người này.

Lúc này, Luân ngồi trên xe cảnh giới. Nhân cầm dao đe dọa, yêu cầu bị hại phải đưa cho mình hết gần 4 triệu đồng trong túi. Sau đó cả ba lên xe tẩu thoát và chia nhau số tiền cướp được.

Trước đó, TAND quận Thủ Đức đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt Luân sáu năm tù, Khang và Nhân cùng mức án bảy năm tù. Sau đó, thông qua luật sư chỉ định, chỉ mình bị cáo Luân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Dũ Luân (bìa trái) bị dẫn giải về trại giam sau phiên tòa. Ảnh: CÙ HIỀN

Bị cáo Nguyễn Dũ Luân (bìa trái) bị dẫn giải về trại giam sau phiên tòa. Ảnh: CÙ HIỀN

Bác kháng cáo nhưng vẫn giảm án

Có mặt tại phiên xử phúc thẩm, luật sư chỉ định bào chữa cho Luân nêu trong phần quyết định của Bản án số 32 ngày 20-2 của TAND quận Thủ Đức ghi: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, các bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án”.

Do đó, vị luật sư cho rằng mình thay mặt bị cáo Luân kháng cáo là đúng quy định pháp luật, đề nghị tòa chấp nhận.

Khi nhận định về kháng cáo, đại diện VKS cho rằng bản án sơ thẩm đã giành quyền kháng cáo cho luật sư bào chữa chỉ định là sai. Theo VKS, đây là sai sót của cấp sơ thẩm, đề nghị HĐXX xem xét, ghi nhận vào bản án phúc thẩm để rút kinh nghiệm với cấp sơ thẩm.

Cũng theo VKS, mặc dù cần bác kháng cáo của luật sư nhưng xét kháng cáo này thể hiện ý chí, nguyện vọng của bị cáo là xin giảm nhẹ hình phạt. Về vấn đề này, HĐXX đồng tình với VKS, xét nội dung và ý kiến của bị cáo là có căn cứ hợp lệ nên vụ án sẽ vẫn được tiếp tục xét xử.

Nhận định về nội dung vụ án, đại diện VKS cho rằng tòa cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Luân tội cướp tài sản là có căn cứ. Tuy nhiên, mức xử phạt sáu năm tù là quá nặng. Bởi vì Luân không trực tiếp tham gia cướp tài sản mà chỉ lái xe và đứng canh chừng. Hai bị cáo khác trong vụ án tham gia với vai trò tích cực hơn Luân.

Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt đối với Luân (phạt bị cáo 4-6 năm tù).

Cuối cùng, HĐXX phúc thẩm nhận định Luân phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Vì thế, mức hình phạt sáu năm tù đối với bị cáo Luân là quá nghiêm khắc nên chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo, tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án vào ngày 20-2 khi bị cáo Luân đã trên 18 tuổi nên luật sư bào chữa cho bị cáo không được quyền kháng cáo.

Do đó, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của luật sư, vì tòa cấp sơ thẩm trao quyền kháng cáo của bị cáo là không đúng quy định. HĐXX yêu cầu cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về vấn đề này.

Khi nào luật sư có quyền kháng cáo thay?

Theo luật sư Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM, Điều 331 BLTTHS 2015 quy định rõ về trường hợp người bào chữa có quyền kháng cáo thay bị cáo mà mình bảo vệ trong vụ án.

Cụ thể, khoản 2 Điều 331 quy định: Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

Như vậy, trường hợp này, việc tòa án cấp phúc thẩm bác kháng cáo của luật sư là đúng. Việc tòa bác kháng cáo nhưng vẫn xét giảm án hai năm tù cho bị cáo Luân thể hiện sự linh hoạt và tính nhân đạo mà vẫn phù hợp với quy định.

CÙ HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/toa-trao-sai-quyen-khang-cao-cho-luat-su-917428.html