Tỏa sáng trí tuệ Việt Nam

Chưa năm nào thành tích của các đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế xuất sắc và đồng đều như năm 2018: 38/38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển đều đoạt giải, gồm: 13 Huy chương Vàng (HCV), 14 Huy chương Bạc (HCB) và 11 Huy chương Đồng (HCĐ). Những tấm huy chương (HC) lấp lánh hôm nay không chỉ là niềm tự hào của Tổ quốc về các em mà còn là niềm tin, kỳ vọng vào thế hệ trẻ đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học 2018.

Đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học 2018.

Những cô gái, chàng trai vàng

Thành tích nổi bật năm 2018, là tiếp nối thành tích cao nhất năm 2017 tất cả các đội tham gia đều đạt HCV; 100% thí sinh tham gia đều đoạt HC. Đặc biệt lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ Olympic Sinh học quốc tế có điểm cao nhất của cuộc thi. Nữ sinh sinh năm 2000 Nguyễn Phương Thảo (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) là chủ nhân của HCB Olympic Sinh học quốc tế 2017, HCV Olympic Sinh học quốc tế 2018. Nỗ lực đổi màu HC của Thảo đã thành hiện thực và hơn thế nữa, vượt trên tổng số 261 thí sinh, Phương Thảo được tôn vinh là người chiến thắng cuộc thi (The first winner). Phương Thảo vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba khi mới 18 tuổi.

Cũng vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba khi mới 18 tuổi, Phạm Đức Anh (SN 2000, ĐH Y Hà Nội) 2 năm liên tiếp đạt HCV Olympic Hóa học quốc tế năm 2017, 2018. Những cá nhân giành “giải thưởng kép” như Nguyễn Ngọc Long (lớp 12, THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) và Trần Đức Huy (lớp 12, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) giành “cú đúp” 2 HCV ở Olympic Vật lý Quốc tế 2018 và Olympic Vật lý Châu Á 2018.

Bên cạnh những tài năng sớm được phát hiện và bồi dưỡng, Đỗ Hoàng Việt là một trường hợp đặc biệt. Em là đại diện đầu tiên của Đồng Tháp dự thi Olympic Toán quốc tế và đã xuất sắc đoạt HCĐ, là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp và Đồng bằng sông Cửu Long. Sinh ra trong một gia đình bình thường ở xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và ba mẹ em cũng không có chút liên quan gì đến môn học này, mọi kiến thức mà Việt tiếp nhận được là do niềm đam mê và do sự nỗ lực cho niềm đam mê ấy.

Không phải “gà nòi” được đào tạo, bồi dưỡng Toán từ bé mà mãi đến lớp 6, lớp 7 Việt mới đọc những quyển sách toán, thấy thích nên mày mò đọc tiếp. Từ lúc thi đậu lớp chuyên Toán của Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, em được các thầy cô truyền cảm hứng để nối tiếp niềm đam mê của mình…

Một chiếc HCV IMO 2018 khác cũng cần được nhắc tới là của Ngô Ngọc Thái Sơn, thí sinh trong đội tuyển Ukraine.

Là một học sinh gốc Việt, Ngô Ngọc Thái Sơn là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Ukraine khi có thành tích tốt tại nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế. Như HCĐ tại kỳ thi toán quốc tế tại Hồng Kông, Trung Quốc (năm 2016), HCB tại IMO 2017 (năm 2017), HCV với số điểm cao nhất tại kỳ thi Romanian Masters of Mathematics (năm 2018)...

Nhiều học sinh Việt Nam khác cũng tham gia đội tuyển các nước dự thi Toán quốc tế, gần đây nhất có Trần Bạch Hải dự thi dưới màu cờ Romania, Nguyễn Chí Dũng dự thi dưới màu cờ Bulgaria… Ở các lĩnh vực khác, Lưu Hoàng Kim Ngân cũng dự thi Olympic Sinh học trong đội tuyển Hungary…

Những chàng trai, cô gái gốc Việt tài năng này đã chứng minh một điều rằng trí tuệ Việt Nam luôn có thể tỏa sáng trên khắp thế giới. Người Việt ở đâu cũng có những hoạt động tích cực, đóng góp cho nước sở tại, làm tốt đẹp hình ảnh người Việt Nam và một phần đóng góp cho quê hương đất nước.

Rẽ ngang, ra đi và trở về

Bảng xếp hạng thành tích nước nhà cũng đã có những năm được đánh giá là tụt hạng khi chỉ có 2 HCV ở tất cả các bộ môn (năm 2011). Nhắc lại điều này để thấy, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi cá nhân, chính sách thu hút, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài của ngành giáo dục cũng quan trọng không kém. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29. Từ đó tạo tinh thần lan tỏa đến học sinh, giáo viên cả nước.

Về đường hướng phát triển tiếp theo, nhiều học sinh cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH. Ngược lại, cũng có học sinh lựa chọn học chuyên ngành trái các môn học các em đoạt giải - chủ yếu là học kinh tế. Trước ý kiến cho rằng như thế không tận dụng, không phát triển được tài năng của các em, thầy Vũ Đình Hòa - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người được ví là “thầy của các học sinh giỏi toán quốc tế”, cho rằng không nên coi việc học sinh rẽ ngang là đáng lo. Thước đo là việc các em có lên được đỉnh cao trên con đường các em đã lựa chọn hay không, là sự đóng góp như thế nào sau này.

Một hướng đi được nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế lựa chọn là du học nước ngoài. Khát khao và hoài bão của tuổi trẻ chinh phục những chân trời tri thức mới là điều chúng ta dễ nhận thấy. Nếu cho rằng đây hiện tượng chảy máu chất xám thì chúng ta cần làm gì để thay đổi? Rõ ràng đòi hỏi sự chuyển động của các trường ĐH khi kiến tạo môi trường nghiên cứu học thuật đáp ứng được yêu cầu đổi mới đặt ra.

Việc công bố luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH được kỳ vọng sẽ cởi trói cho giáo dục ĐH sắp tới. Các trường được tự chủ sẽ quyết định mức lương cho những giảng viên giỏi, có thể mời những giáo sư đầu ngành không chỉ trong nước mà quốc tế đến để giảng dạy cho sinh viên Việt Nam…

Còn với những sinh viên đi du học nước ngoài, trăn trở về hay ở lại có lẽ bây giờ đã là lạc hậu khi trong thời đại công nghiệp 4.0, sự kết nối đã là toàn cầu. Quan trọng là đóng góp của các bạn cho sự phát triển của nhân loại, trong những lĩnh vực họ theo đuổi đã có những thành tựu gì?

Đoàn Việt Nam đứng thứ 12 trong kỳ thi Olympic Tin học quốc tế năm 2018.

* Bảng vàng thành tích của các thí sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic qua các năm tiếp tục được nối dài bởi đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Vật lý Châu Á 2018 với 4 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Năm nay, Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ thi.

Kỳ thi Olympic Tin học Châu Á được tổ chức tại Nga; thi trực tuyến tại ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Đội Việt Nam đoạt 1 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ. Theo cách xếp hạng HC, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Nga.

Olympic Toán học quốc tế (IMO) 2018 tổ chức tại Rumania, đội tuyển Việt Nam đoạt 1 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ.

Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Bồ Đào Nha, cả 5/5 thí sinh đều đoạt giải; gồm: 2 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Theo bảng xếp hạng HC, Việt Nam và Israel cùng xếp thứ 8.

Olympic Hóa học quốc tế tổ chức tại CH Séc và CH Solovakia. Kết quả, có 4/4 thí sinh dự thi đoạt HC, gồm: 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.

Olympic Sinh học quốc tể tổ chức tại Iran: Kết quả cả 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt HC, gồm: 03 HCV, 1 HCB. Tham dự Olympic Sinh học quốc tế năm nay, học sinh Việt Nam đã tự tin hoàn thành tốt cả về thi lý thuyết và thi thực hành.

Olympic Tin học quốc tế tổ chức tại Nhật Bản, cả 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt HC, gồm: 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ. Đội tuyển quốc gia Việt Nam xếp thứ 12 thế giới và thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

Đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế (IOAA) 2018 tại Trung Quốc đã giành 1 HCV, 1HCB và 2 HCĐ. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự IOAA, là lần đầu tiên Việt Nam đoạt HCV.

Kỳ thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế năm 2018 (Intel ISEF 2018) đoàn Việt Nam có 8 dự án dự thi và đoạt 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.
Kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế 2018 (IJSO), 6/6 học sinh Việt Nam đều đoạt giải gồm 4 HCV và 2 HCB.

Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế 2018 (IMSO), 23/23 thí sinh Việt Nam đoạt giải, trong đó có 8 HCV, 10 HCB, 5HCĐ.

Cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á Thái Bình Dương 2018 với sự tham gia của 19 đội tuyển đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Đội tuyển Việt nam xuất sắc đoạt chức vô địch, giải nhì thuộc về Trung Quốc, giải ba thuộc về Nhật Bản, Campuchia.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/toa-sang-tri-tue-viet-nam-tintuc428419