Tỏa sáng tình đoàn kết quân dân trong cơn bão

Sáng sớm ngày 30-8, cơn bão số 4 đã đổ bộ vào đất liền từ khu vực tỉnh Nghệ An đến tỉnh Quảng Bình và nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Rất may, bão số 4 đi qua không gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Thời điểm trước khi dự kiến bão đổ bộ, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị Biên phòng trên tuyến biển miền Trung đã triển khai đồng bộ các biện pháp, hỗ trợ nhân dân ứng phó với thiên tai. Trong đó, BĐBP Nghệ An và BĐBP Quảng Bình đã điều động cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện vượt sóng dữ cứu 2 tàu cá bị nạn cùng 30 ngư dân vào bờ an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Nghệ An tiếp cận tàu cá và thuyền viên gặp nạn. Ảnh: Hải Thượng

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Nghệ An tiếp cận tàu cá và thuyền viên gặp nạn. Ảnh: Hải Thượng

Đến 21 giờ, ngày 29-8, thời điểm dự kiến trước khi bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền chỉ ít tiếng đồng hồ, tàu BP 06-19-01 của Hải đội 2, BĐBP Nghệ An đã lai dắt tàu cá NA 95688TS, do ông Bùi Ngọc Kiên, sinh năm 1977, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An làm thuyền trưởng cùng 16 ngư dân vào bờ an toàn. Cả chặng hành trình trên biển, các thuyền viên đều im lặng nhìn nhau mà nín thở, chỉ khi các thành viên trên tàu đặt chân lên cầu cảng Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, ông Bùi Ngọc Kiên mới thở phào nhẹ nhõm, nắm lấy tay cán bộ, chiến sĩ BĐBP, rưng rưng nước mắt: “Cảm ơn các chú! Các chú mà không ra kịp thì tàu chìm, bì tui (chúng tôi) chết hết”. Tàu cá NA 95688TS do ông Bùi Ngọc Kiên làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng có công suất trên 1.000CV cùng 16 ngư dân khác đã hành trình ra khơi khai thác thủy sản những ngày trước đó. Đây là một trong những con tàu mới, có công suất lớn và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều ngư dân ở địa phương.

Những ngày cuối tháng 8, khi đang khai thác hải sản ở khu vực ngoài khơi biển miền Trung, thuyền trưởng Kiên nhận được thông tin bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp và có sóng to gió lớn. Ông Kiên đã cho tàu quay vào bờ tránh trú theo sự kêu gọi của lực lượng BĐBP. Thế nhưng đến 4 giờ sáng, ngày 29-8, khi hành trình còn cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 70 hải lý thì tàu bị hỏng máy, dù đã nỗ lực khắc phục nhưng không thành công, buộc phải thả trôi tự do và gửi thông tin cứu hộ vào đất liền. Thời điểm này, trên biển đã có gió giật cấp 5-6, khiến các thuyền viên chờ đợi trong lo lắng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nhật Lệ đưa anh Phạm Văn Dũng bị nạn trên biển vào bờ an toàn. Ảnh: Lê Đồng

Nhận được thông tin, Hải đội 2, BĐBP Nghệ An đã xin ý kiến chỉ đạo và được Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An chỉ thị điều động tàu BP 06-19-01 cùng 12 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương vượt muôn trùng sóng dữ ra khơi thực hiện nhiệm vụ cứu dân. “Thời điểm nhận được thông tin cứu hộ, thời tiết trên biển đã có diễn biến rất xấu, chúng tôi xác định ra khơi sẽ vô cùng vất vả, hiểm nguy. Nhưng với mệnh lệnh cứu dân là trên hết nên cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ đều có quyết tâm cao” - Đại úy Lê Xuân Hưởng, Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Nghệ An cho biết.

Sau nhiều giờ vượt sóng, tàu cứu hộ của BĐBP Nghệ An đã tiếp cận được vị trí phương tiện bị nạn trong sự vui mừng của ngư dân. “Lúc này, trên biển gió to, sóng lớn việc tiếp cận phương tiện bị nạn để giằng dây kéo gặp rất nhiều khó khăn. Bằng quyết tâm, anh em đã khắc phục được và khẩn trương lai dắt tàu cá cùng thuyền viên trở vào đất liền” - Đại úy Trương Văn Bịch, Phó Hải đội trưởng Hải đội 2 trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ cho biết.

Đến 21 giờ cùng ngày, phương tiện bị nạn đã được lai dắt vào cảng cá Cửa Hội, thị xã Cửa Lò trong niềm vui của chủ tàu và người thân. Trong đêm tối, đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã có mặt tặng quà động viên ngư dân sớm khắc phục sự cố của tàu, sớm ra khơi khai thác thủy sản, bảo vệ chủ quyền.

Trước đó, vào hồi 20 giờ, ngày 27-8, chị Đào Thị Lê, trú tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đến Đồn Biên phòng Nhật Lệ, BĐBP Quảng Bình trình báo sự việc, chồng chị là anh Phạm Văn Dũng, sinh năm 1972, thuyền trưởng tàu cá QB 91090TS, trong lúc đang điều khiển phương tiện vào bờ trú bão số 4 thì lên cơn co giật, chân tay co rút, nghi bị tai biến. Sau khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã liên lạc với tàu có người gặp nạn hướng dẫn cách xử lý và cử cán bộ quân y khẩn trương ra tàu có người bị nạn tiến hành sơ cứu ban đầu, đưa người bị nạn vào bờ an toàn. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân đã được Đồn Biên phòng Nhật Lệ phối hợp với gia đình chuyển về Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới kịp thời cứu chữa.

Khi anh Phạm Văn Dũng đã qua cơn nguy kịch, chị Đào Thị Lê nghẹn ngào trong hai hàng nước mắt: “Cảm ơn cán bộ Biên phòng nhiều lắm, nếu không có các anh, giữa biển khơi bao la, có lẽ chồng tôi đã không qua cơn nguy kịch. Gia đình chúng tôi mang ơn cán bộ Biên phòng nhiều lắm”.

Thiếu tá Hồ Sỹ Nhân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhật Lệ cho biết: “Giúp đỡ ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên các vùng biển, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị. Trong mọi tình huống khó khăn nhất, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng để bảo vệ và giúp đỡ ngư dân. Đặc biệt, trong những lúc bão, gió, chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn”.

Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình của BĐBP càng tỏa sáng hình ảnh đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” Bộ đội của dân và cũng chính trong cơn gian nguy ấy lại càng sáng lên tình đoàn kết quân dân.

Nhóm PV

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/toa-sang-tinh-doan-ket-quan-dan-trong-con-bao/