Tỏa sáng sắc màu văn hóa các dân tộc xứ Thanh

Những dấu tích được tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ học ghi nhận rằng: Mảnh đất xứ Thanh là một trong những 'cái nôi' của loài người. Ngay từ thuở 'bình minh', dọc dài theo dòng chảy mang nặng phù sa màu mỡ của con sông Mã, sông Chu, loài người đã tựu trung về mảnh đất nơi đây mà dựng xây nên xóm, nên làng; từng bước thêu dệt nên diện mạo văn hóa xứ Thanh đa sắc màu. Trong đó, chính sự đa dạng, phong phú, tỏa sáng rực rỡ văn hóa các dân tộc góp phần làm nên nét đặc sắc, tiêu biểu của 'Tiểu vùng văn hóa xứ Thanh'.

Những chàng trai, cô gái Thái duyên dáng trong trang phục dân tộc. Ảnh: H.T

Xứ Thanh – mảnh đất “địa linh nhân kiệt”! Với địa hình rộng lớn, hội tụ đầy đủ các địa hình sinh thái vùng núi, trung du, đồng bằng và ven biển, xứ Thanh là nơi sinh sống, quần cư của nhiều dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao... Mỗi dân tộc và cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống đều mang trong mình những đặc trưng văn hóa riêng biệt, độc đáo được thể hiện qua phong tục, lễ tục, tập quán, sắc phục dân tộc, tín ngưỡng... Khác biệt nhưng không hề dị biệt, bài trừ nhau mà thực sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó, giao thoa và tỏa sáng rực rỡ trong ngôi nhà chung mang tên gọi: “Sắc thái văn hóa xứ Thanh”. Đó là điều đáng trân quý trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới vẫn luôn phải đau đầu giải quyết những cuộc xung đột, nội chiến sắc tộc. Tuy nhiên, làm sao để xứ Thanh có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc – sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững này, quả là một thách thức lớn!

Nhận thức sâu sắc điều đó, nhằm tôn vinh nét đẹp, phát huy giá trị sâu sắc của “bức khảm” văn hóa tộc người này, trong những năm qua, Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là liên hoan) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức và gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào. Như dấu ấn văn hóa độc đáo với nhiều nội dung, hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn, liên hoan được xem là sự kiện nổi bật, hội tụ tinh hoa, sắc màu văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Với chủ đề “Sáng mãi niềm tin theo Đảng”, Liên hoan lần thứ XVIII - năm 2020 được tổ chức tại TP Thanh Hóa với quy mô lớn, cách thức mới lạ, sáng tạo nhằm biểu dương sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc thông qua việc tôn vinh giá trị văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể của tỉnh Thanh Hóa. Liên hoan thu hút sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân dân gian, diễn viên, nhạc công tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của các đoàn nghệ thuật đến từ 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc, in đậm dấu ấn văn hóa dân gian, nét văn hóa đặc trưng của tộc người và địa phương được trình diễn. Đó là các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, những sáng tác mới ca – múa - nhạc mang âm hưởng, màu sắc dân gian, dân tộc; ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, những thành tựu kinh tế - xã hội, văn hóa của các địa phương, tình đoàn kết các dân tộc anh em, tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, lao động, tình yêu đôi lứa...

Vượt quãng đường xa xôi từ huyện Quan Hóa về tụ hội giữa lòng thành phố trong điều kiện thời tiết phức tạp nhưng bất kỳ ai trong đoàn nghệ thuật huyện Quan Hóa cũng cảm thấy vinh dự, tự hào xen lẫn sự hồi hộp, háo hức xem các tiết mục của các đoàn bạn và chờ đợi đến phần biểu diễn của đoàn mình. Ông Phạm Công Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Quan Hóa cho biết: “Không khí tập luyện tại địa phương diễn ra rất sôi nổi. Suốt hơn 10 ngày tập luyện, khắp các xã, bản, làng luôn rộn ràng lời ca, tiếng hát. Tối tối, bà con tập trung tại nhà văn hóa xem tập luyện các tiết mục. Vào những đêm mất điện, bà con đốt lửa, nấu nước uống phục vụ đoàn biểu diễn... Có lẽ, chính sự quan tâm, động viên, ủng hộ của bà con Nhân dân và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, mục đích của liên hoan nên các thành viên đều cố gắng thu xếp công việc cá nhân, gia đình hăng hái tham gia tập luyện”.

Là những “hạt nhân” văn nghệ quần chúng nên họ đều phải tự cân đối thời gian để vừa đảm bảo lao động sản xuất, vừa tập luyện. Ban ngày, theo ánh mặt trời, họ lên nương, lên rẫy làm việc, tối về họ lại quây quần tại nhà văn hóa thôn, bản say sưa tập luyện trong ánh điện nhạt mờ. Cùng đồng hành với các thành viên đội văn nghệ, nhiều cán bộ của Trung tâm Văn hóa thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Quan Hóa nhiệt tình “cắm bản”, tận tình hướng dẫn tập luyện nhằm mang đến cho liên hoan những tiết mục hay, đặc sắc, thấm đẫm sắc màu văn hóa dân gian như: “Tự hào Đảng quang vinh”, “Đẹp tình biên cương”, “Xuân về trên bản Thái”. Trong đó, “Xuân về trên bản Thái” là tiết mục múa độc lập tái hiện lại các hoạt cảnh sinh hoạt diễn ra trong đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Những cô gái Thái duyên dáng, xinh đẹp rạng ngời trong sắc phục dân tộc, từng động tác múa uyển chuyển, nhịp nhàng theo tiếng nhạc khiến công chúng không khỏi trầm trồ, thích thú. Tiết mục múa này đã góp phần tuyên truyền và quảng bá hình ảnh về đất và người Quan Sơn nói chung, nét đẹp văn hóa – tinh thần của đồng bào Thái nói riêng.

Đâu chỉ có đồng bào Thái, đoàn nghệ thuật từ các huyện miền Tây Thanh Hóa tự hào phô diễn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong sắc phục dân tộc và tiếng trống hội, cồng chiêng, khua luống, khèn bè,... rộn ràng hòa quyện vào nhau làm nên bản hòa tấu độc đáo mang đậm bản sắc vùng núi rừng xứ Thanh. Tất cả như muốn truyền đi thông điệp, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quan trọng hơn tất thảy, những lời ca, tiếng hát, điệu múa ấy là lời tri ân chân thành, sâu sắc mà đồng bào các dân tộc kính dâng lên Đảng, Bác Hồ kính yêu.

Nếu đoàn nghệ thuật từ các huyện miền Tây Thanh Hóa khiến người xem say mê, ngây ngất trong âm hưởng núi rừng thì các đoàn nghệ thuật đến từ vùng đồng bằng và ven biển lại “ghi điểm” bởi sự tinh tế, sâu sắc trong từng tiết mục: hát chèo (huyện Hoằng Hóa), hát múa “Đi cấy, đi gặt” – dân ca Đông Anh (huyện Đông Sơn), hát ca trù (huyện Hà Trung), múa trò Xuân Phả (huyện Thọ Xuân)... Đều là những lời ca, tiếng hát, điệu múa tiêu biểu, quen thuộc của văn hóa dân gian xứ Thanh nhưng khi được trình diễn tại liên hoan, dường như, sự sáng tạo, trau chuốt, tâm huyết đã thổi vào đó luồng sinh khí mới, vừa quen vừa lạ. Ví như cách mà Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Hà Trung khéo léo kết hợp ca trù với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ để làm nên tiết mục thú vị. “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng”... Tiếng hát ca trù của NNƯT Kim Huệ khi thì réo rắt, ngân vang, lúc lại sâu lắng, mượt mà gợi lên bao xúc cảm, nghẹn ngào về sự hy sinh cao cả, công lao to lớn của Bác đối với dân tộc Việt. Hoạt cảnh chèo “Thanh Hóa trên đường đổi mới” (huyện Hoằng Hóa) tiếp thêm sức mạnh tinh thần, rực sáng niềm tin, lòng tự hào, thổi bừng lên ý chí, quyết tâm phấn đấu, đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn.

Ngoài chương trình nghệ thuật dân gian, một nội dung không kém phần đặc sắc và quan trọng trong khuôn khổ liên hoan đó là thi trình diễn trang phục dân tộc truyền thống tỉnh Thanh Hóa. Mỗi đoàn tham gia liên hoan cử từ 3 đến 5 diễn viên trình diễn các trang phục truyền thống: Ngày thường, ngày cưới, ngày hội. Đây là phần thi độc lập, không nằm trong chương trình văn nghệ dân gian. Các đoàn tham gia trình diễn trang phục dân tộc với hình thức thể hiện phong phú, hấp dẫn, có nội dung, ý tưởng sáng tạo, lời dẫn hay, giới thiệu khái quát được đặc sắc, độc đáo của từng bộ trang phục, góp phần làm phong phú, rạng rỡ thêm sắc màu văn hóa các dân tộc xứ Thanh.

Điểm mới tại liên hoan lần này đó là phần xe tuyên truyền cổ động diễu hành đường phố, đồng thời thi diễn trò chơi, trò diễn dân gian, trích đoạn các nghi thức sinh hoạt văn hóa và dâng hương tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên những nghệ nhân, diễn viên, nhạc công không chuyên của các địa phương trong tỉnh, những con người tâm huyết với văn hóa truyền thống từ mọi miền quê Thanh được về dâng hương, tỏ lòng thành kính sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu - vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Từ những nét đặc trưng, độc đáo, đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc đã phần nào khắc họa được diện mạo văn hóa xứ Thanh. Đúng như GS. Ngô Đức Thịnh đã từng sâu sắc nhận định trong tiểu luận “Tiểu vùng văn hóa xứ Thanh”: “Xứ Thanh – bản thân tên gọi ấy đã nói lên rất nhiều điều có ý nghĩa. Chính cái nhìn địa – văn hóa này đã được cha ông ta từ xưa thấu tỏ, do vậy, dù trải qua bao nhiêu triều đại, qua bao cuộc sáp nhập và phân chia thì xứ Thanh vẫn là xứ Thanh, Thanh Hóa vẫn là Thanh Hóa”. Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa là dịp để khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, là cơ hội để các nghệ nhân dân gian, diễn viên quần chúng trong tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, đua tài, góp phần tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất và người, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch xứ Thanh.

Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/toa-sang-sac-mau-van-hoa-cac-dan-toc-xu-thanh/127503.htm