Tỏa sáng đức tin để phục vụ dân tộc và bảo vệ dân tộc

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh nhận rằng, ông chỉ là người đem đến bác ái và yêu thương cho mọi người. Và dù chúng ta theo một hay nhiều tôn giáo, niềm tin của chúng ta đặt để ở một đấng linh thiêng nào đi chăng nữa thì chúng ta chỉ có một nguồn cội, đó là Mẹ Tổ quốc Việt Nam, nơi cho chúng ta làm người và làm tín đồ tôn giáo. Vì vậy trách nhiệm của tín đồ tôn giáo là tỏa sáng đức tin bằng những hành động thiết thực để phục vụ dân tộc và bảo vệ dân tộc.

Giáo hoàng Phanxico đọc kinh cầu nguyện cho gia đình Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh tại Quảng trường Thánh Phêrô, Roma, Italia.

Giáo hoàng Phanxico đọc kinh cầu nguyện cho gia đình Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh tại Quảng trường Thánh Phêrô, Roma, Italia.

PV: Tước phẩm Hiệp sĩ có từ năm 1831 thể hiện sự tri ân của Giáo hoàng đối với giáo dân có công lớn trong giáo hội và xã hội. Ông là người Việt Nam và cũng là người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng phong tặng tước phẩm Hiệp sĩ từ năm 2007. 12 năm trên cương vị Hiệp sĩ Đại Thánh giá, đối với ông mà nói, hành trình ấy có những điều gì đáng ghi nhớ?

Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh: Việc Giáo hoàng phong Tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá cho tôi là niềm vinh dự và là hồng ân cho cá nhân, là niềm vui, niềm hạnh phúc cho người thân và đồng đạo yêu mến tôi. Phẩm hàm này tôi được nhận nhưng ở trong đó có công lao to lớn của nhiều người trong Giáo hội đã âm thầm giúp đỡ, cổ vũ cho sự nỗ lực cố gắng của tôi.

Cũng chính vì vậy, đi cùng với niềm vinh dự, tự hào là trách nhiệm lớn lao mà Giáo hoàng, Giáo hội Việt Nam đã tin tưởng, tín nhiệm giao cho tôi và tôi cần thực hiện tốt trong suốt cuộc đời để xứng đáng với phẩm hàm đó.

Ở cương vị Đại Hiệp sĩ, tôi có nhiều thuận lợi hơn vì được các Đức Cha tin tưởng, được đồng đạo yêu mến nên tôi đã làm được nhiều việc hơn, tập hợp, vận động đồng đạo đoàn kết, nâng cao trách nhiệm vì mục tiêu chung là phục vụ giáo hội và xã hội, là nhịp cầu gắn kết tạo nên mối tương quan đạo – đời hòa hợp.

Trong hành trình ấy, tôi luôn trăn trở làm thế nào để phụng dưỡng 3 người Mẹ một cách tốt nhất như Đức Giám mục Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã nói trong ngày phong tước phẩm cho tôi: Mẹ thứ nhất là người đã sinh thành; Mẹ thứ hai là Tổ quốc Việt Nam đã cưu mang tôi và người Mẹ thứ ba là Giáo hội đã nuôi dưỡng tôi bằng Lời Chúa.

12 năm qua trong sứ vụ Đại Hiệp sĩ cũng là hành trình tôi luôn mang bác ái và yêu thương đến cho mọi người, cũng là đưa tinh thần Sứ điệp của Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắn nhủ toàn thể Dân Chúa ở Việt Nam “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” và Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm” vào cuộc sống.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt trong ngày về thăm Giáo phận Xuân Lộc vào tháng 4/2005.

Hơn 20 năm qua ông đã thành lập các nhóm bác ái xã hội, thực hiện nhiều chuyến từ thiện tìm đến những nơi xa xôi hẻo lánh, gặp gỡ đồng bào còn khó khăn để trợ giúp và chia sẻ với họ. Nghĩa cử của ông không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn làm chuyển biến nhận thức của người Công giáo về trách nhiệm không chỉ với cuộc sống của gia đình mình, mà còn với cộng đồng và xã hội. Có những kỷ niệm nào mà ông có thể chia sẻ với chúng tôi?

- Những chuyến đi của tôi có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có, nhưng có hai kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên. Đó là vào năm 2005, bấy giờ, Giáo hội và chính quyền vẫn ít nhiều nghi ngại, mặc cảm, tôi đã mời ông Phạm Thế Duyệt khi ấy đang là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về thăm Giáo phận Xuân Lộc. Ở chiều ngược lại, tôi cũng thuyết phục các giám mục và linh mục đón tiếp ông Chủ tịch Mặt trận.

Sau nhiều ngày như vậy, cuối cùng hai bên đã đồng ý gặp nhau, buổi gặp gỡ đã diễn ra trong một không khí đặc biệt, vào đúng ngày 30/4/2005 vừa trang trọng vừa chân tình phải lẽ. Chẳng còn nghi ngại ban đầu, ngay tại buổi lễ đó, tôi cũng thuyết phục các sơ, các linh mục cam kết với Chủ tịch Phạm Thế Duyệt sẽ phát động toàn giáo phận tham gia bác ái xã hội thông qua chữa bệnh cứu người, giáo dục, làm đường giao thông, chăm sóc người già neo đơn…

Đây có thể xem như một bước khởi đầu quan trọng để đồng bào có đạo cả nước ngày càng hăng say tỏa sáng đức tin trong nhiều lĩnh vực của đời sống như y tế, kinh tế và giáo dục. Chính phủ, Nhà nước và Mặt trận đã luôn nâng đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo làm được nhiều việc tốt đẹp như giáo lý của mình, từ đó góp phần xây dựng đất nước.

Câu chuyện thứ 2 là cuối năm 2014, tôi đã tổ chức cho đoàn các nữ tu Dòng Ảnh phép lạ giáo phận Kon Tum ( những nữ tu người dân tộc thiểu số) đi ra thăm miền Bắc. Đây là lần đầu tiên các sơ rời mảnh đất Tây Nguyên nên chuyến đi như là sự khám phá về một “thế giới mới” mà các sơ chỉ được nhìn qua truyền hình. Các sơ được tận mắt thấy Thủ đô của đất nước, được cảm nhận cảnh đẹp của từng vùng miền và được lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ và các Đức Giám mục, các Tòa Giám mục phía Bắc đón tiếp nhiệt tình, chu đáo.

Chuyến đi đã làm thay đổi nhận thức của các sơ rất nhiều, không chỉ về đất nước, mà còn về tình cảm gắn bó yêu thương, sự trân trọng nhau giữa người miền xuôi và người miền ngược, làm cho các sơ ý thức trách nhiệm hơn về tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong khối đại đoàn kết, trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn mảnh đất Tây Nguyên thiêng liêng của Việt Nam.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh đến thăm các sơ tại Dòng ảnh Phép lạ Kon Tum vào tháng 8/2016.

Điều gì thôi thúc ông làm những việc này?

- Tôi thiết nghĩ là người Việt Nam, là tín đồ tôn giáo ai cũng muốn làm những điều thiện, điều tốt lành bởi đây là đạo lý, là văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam, là căn cốt là đường hướng hành đạo tốt đẹp của các tôn giáo, chỉ có khác là mỗi người có điều kiện và cách làm khác nhau. Có thể tôi làm được nhiều hơn vì điều kiện thuận lợi hơn, được sự trợ giúp của nhiều người hơn và quan trọng là được Giáo hội và chính quyền địa phương nơi đến hết lòng ủng hộ.

Là người Công giáo, tôi càng được thấm nhuần đạo lý ấy từ khi còn nhỏ, trong từng giới răn, trong từng câu Kinh Thánh. Trong cuộc sống chúng ta trao cho nhau một chút vật chất, trao cho nhau tinh thần yêu thương, động viên nhau nỗ lực để vượt thắng những khó khăn hiện tại thì chính là chúng ta nhận về sự trân quý, ấm áp tình người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái, Phật Thích ca dạy Đạo đức là từ bi, Khổng tử dạy Đạo đức là nhân nghĩa”. Và suy cho cùng tôn giáo nào cũng hướng dẫn tín hữu dựa theo để có một tâm trí bình an sáng suốt, có một cộng đồng chia sẻ và gắn bó, để nương tựa và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiệu hữu. Vậy làm thế nào để tôn giáo nhân lên những giá trị văn hóa từ bi, bác ái để quần chúng tín đồ neo theo, không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, thưa ông?

- Tôn giáo nào cũng dạy cho tín đồ tình yêu thương bác ái, sự bao dung độ lượng, luôn làm những điều thiện để hướng đến sự tốt lành. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường với lối sống hưởng thụ, cái tôi cá nhân được đẩy lên cao cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị đích thực, đến hình ảnh về chân, thiện, mỹ của tôn giáo.

Để nhân lên những giá trị văn hóa từ bi, bác ái để quần chúng tín đồ neo theo, không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi, tôi thiết nghĩ trước hết là mỗi tín đồ cần tiết độ trong lối sống, cách hành xử, làm đúng những lời răn dạy trong đạo đức tôn giáo và đạo đức làm người. Sau nữa mỗi tổ chức tôn giáo, nhất là các vị lãnh đạo giáo hội, các vị chức sắc, nhà tu hành rất cần làm gương trong đời sống đạo, trong việc thực hành những điều răn, giới cấm, răn dạy tín đồ sống chuẩn mực của đức tin. Điều đó sẽ nâng cao trách nhiệm bảo vệ sự trong sáng của đạo đức tôn giáo, ngăn chặn sự xâm nhập của lối sống xấu, không phù hợp.

Hiện nay tôn giáo không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn là một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước. Theo ông làm thế nào để phát triển được nguồn lực này ?

- Tôn giáo là một nguồn lực, trong đó có nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần. Sự hình thành và phát triển tôn giáo ở Việt Nam đã mang theo nguồn lực, tuy nhiên ở mỗi thời kỳ và điều kiện nhất định nguồn lực đó thể hiện ở nhiều dạng khác nhau. Ngày nay nguồn lực của tôn giáo ngày một thể hiện rõ nét, có tính tổ chức và được xã hội nhìn nhận, được chính quyền ghi nhận. Để khơi thông nguồn lực này vào phát triển xã hội theo tôi cần phải có nỗ lực từ hai phía: Nhà nước cần có cơ chế, chính sách rõ ràng cụ thể để nguồn lực của tôn giáo được thực hiện đúng cách, đúng người và đúng mục đích.

Về phía tôn giáo cần chuẩn bị cho mình những điều kiện tốt về nhân sự, về vật chất, về lộ trình để đưa nguồn lực của mình theo đúng quỹ đạo phát triển khi luật pháp quy định cụ thể. Quan trọng hơn cả hai bên Nhà nước và các tổ chức tôn giáo cần phối hợp tốt, tin tưởng lẫn nhau và cùng vì mục đích chung là phục vụ lợi ích chung.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh và các vị chức sắc tôn giáo dự lễ khởi công Sân bóng đá nhân tạo tại Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình, Xuân Lộc.

Tại buổi gặp mặt biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng ”Việt Nam chúng ta có 43 tổ chức tôn giáo được pháp luật công nhận nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một. Chúng ta quyết đoàn kết để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”, ông suy nghĩ gì từ mong muốn này?

- Tôi nghĩ rằng câu nói của Thủ tướng có ý nghĩa hết sức sâu sắc, vừa thể hiện chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, các tôn giáo dù ít hay nhiều tín đồ, dù nội sinh hay ngoại nhập đều bình đẳng trước pháp luật.

Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo với 27% dân số là minh chứng sống động cho chủ trương đó. Nhưng cũng qua câu nói của Thủ tướng, tôi thiết nghĩ còn một ý nghĩ sâu xa hơn đó là dù chúng ta theo một hay nhiều tôn giáo, niềm tin của chúng ta đặt để ở một đấng linh thiêng nào đi chăng nữa thì chúng ta chỉ có một nguồn cội, đó là Mẹ Tổ quốc Việt Nam, nơi cho chúng ta làm người và làm tín đồ tôn giáo.

Người Công giáo chúng tôi thường có câu trước khi là người Công giáo tôi đã là người Việt Nam. Lời nói của Thủ tướng không chỉ nhắc chúng ta không quên nguồn cội, nơi mình sinh ra được làm con người, được gửi niềm tin vào đấng linh thiêng mà còn nhắc nhở chúng ta nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ dân tộc Việt Nam, nhắn nhủ 43 tổ chức tôn giáo đoàn kết phụng sự nhân dân và cao hơn nữa là phục vụ dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Trong cuộc sống chúng ta trao cho nhau một chút vật chất, trao cho nhau tinh thần yêu thương, động viên nhau nỗ lực để vượt thắng những khó khăn hiện tại thì chính là chúng ta nhận về sự trân quý, ấm áp tình người”.

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - mái nhà chung của dân tộc Việt Nam đang có mặt ở khắp mọi nơi, nhất là những vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn cho đến tất cả các tôn giáo để chia sẻ, lắng nghe tiếng nói của đồng bào mình”.

Dạ Yến (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ton-giao/toa-sang-duc-tin-de-phuc-vu-dan-toc-va-bao-ve-dan-toc-tintuc447820