Tòa kết tội chỉ dựa vào tin nhắn là thiếu cơ sở

Theo các chuyên gia, việc kết tội chỉ dựa vào tin nhắn mà không chứng minh được người chơi đề là ai là quá vội vàng, thiếu cơ sở.

TAND quận 7, TP.HCM vừa xét xử vụ án đánh bạc mà chứng cứ kết tội còn gây nhiều tranh cãi. Theo hồ sơ, cuối năm 2016, Lưu Mỹ Liên (là công nhân) đang trên đường đi làm về thì bị công an phường chặn xe, kiểm tra điện thoại, phát hiện có tin nhắn phơi đề. Theo công an, tổng số tiền đánh bạc trên phơi đề trong ngày 21-12-2016 là hơn 8 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra chỉ xác định được ba người mua số tiền phơi tổng cộng hơn 1,8 triệu đồng và có một người trúng hơn 300.000 đồng. Số tiền còn lại hơn 6 triệu đồng thì không tìm ra được người chơi. TAND quận 7 đã tuyên phạt Liên chín tháng tù về tội đánh bạc với nhận định: “Tin nhắn trên điện thoại của bị cáo cùng các tài liệu chứng cứ khác đã được làm rõ tại phiên tòa thể hiện bị cáo đã sử dụng điện thoại của mình nhắn tin bán số đề cho các con bạc với số tiền hơn 8 triệu đồng. Bị cáo đã tổng hợp các tin nhắn mua số đề từ các con bạc rồi tổng hợp và nhắn tin chuyển đến chủ đề tên Tú (hiện CQĐT vẫn chưa xác định được lai lịch người này), Tú đã nhắn tin xác nhận cho bị cáo. Căn cứ kết quả xổ số thì có NHO thắng được số tiền 300.000 đồng. Do đó hành vi của bị cáo đã phạm tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 248 BLHS 1999”.

Tại tòa, bị cáo Liên cho biết chưa nhận được bất cứ đồng nào của người mua số đề vì khi đó Liên đang làm việc, khi vừa lấy xe ra về là đã bị công an bắt. Liên cũng cho rằng mình chỉ là người được hưởng hoa hồng từ Tú. Hiện Liên đã kháng cáo kêu oan lên TAND TP.HCM.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Cơ quan tố tụng quận 7 cần phải làm rõ bị cáo Liên là chủ đề hay chỉ là người trung gian, tức vai trò đồng phạm giúp sức. Bởi việc xác định chủ đề hay trung gian rất quan trọng vì sẽ quyết định trong việc phân hóa trách nhiệm hình sự.

Theo điểm a mục 5.2 Điều 1 Nghị quyết 01/2010 của TAND Tối cao, “số tiền chủ đề dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề đã nhận của những người chơi số đề và số tiền mà chủ đề phải bỏ ra để trả cho người trúng”. Có thể thấy hướng dẫn này đã chỉ rõ tiền chơi đề phải là số tiền thực tế đã nhận. Nhưng trong vụ án này, cơ quan tố tụng chỉ chứng minh được có ba người mua đã thừa nhận số tiền hơn 1,8 triệu đồng. Riêng O. trúng đề hơn 300.000 đồng thì chủ đề là Tú phải có nghĩa vụ phải trả cho người trúng chứ không phải bị cáo Liên.

Do đó chỉ có thể quy kết Liên đánh bạc với số tiền hơn 1,8 triệu đồng. Việc TAND quận 7 buộc tội bị cáo đánh bạc hơn 8 triệu đồng dựa trên tin nhắn điện thoại mà không chứng minh được người gửi tin nhắn là chưa có căn cứ pháp lý vững chắc. Từ những phân tích trên, căn cứ Điều 248 BLHS 1999, số tiền đánh bạc dưới 2 triệu đồng nên Liên không phạm tội đánh bạc”.

Cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Phước (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) phân tích thêm yếu tố cấu thành tội đánh bạc là bắt buộc phải chứng minh bị cáo Liên “được thua bằng tiền”. Trong khi TAND quận 7 nhận định bị cáo đã tổng hợp các tin nhắn mua số đề từ các con bạc rồi tổng hợp và nhắn tin chuyển đến chủ đề tên Tú. Cạnh đó, Liên cũng khai được hưởng hoa hồng từ Tú, tức Liên chỉ là đồng phạm tội tổ chức đánh bạc do Tú là chủ đề.

Cấp sơ thẩm cũng chỉ chứng minh được có ba người chơi với số tiền hơn 1,8 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 6 triệu đồng do những người khác nhắn tin mua. Tòa chưa làm rõ được những người nhắn tin kia là ai… Do đó luật sư Phước cho rằng việc tòa chỉ dựa vào tin nhắn để buộc tội bị cáo Lưu Mỹ Liên đánh bạc hơn 8 triệu đồng là quá vội vàng, không có cơ sở.

NGÂN NGA

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/toa-ket-toi-chi-dua-vao-tin-nhan-la-thieu-co-so-810557.html