Tòa 'giơ cao đánh khẽ' với kẻ có hành vi giết nhiều người?

Xuất phát từ việc va chạm giao thông, Vi Khắc Vọng đã dùng dao nhọn thực hiện hành vi giết người đối với hai người, trong đó có một người may mắn thoát chết, nhưng bị thương tật 77%.

Thực hiện hành vi giết người với nhiều người

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Lạng Sơn, khoảng 22g ngày 4-8-2013, Vi Khắc Vọng, SN 1959, trú tại phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn điều khiển xe ô tô từ đường Tông Đản xuống đường Trần Đăng Linh, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn thì xảy ra va quyệt nhẹ với xe ô tô đi ngược chiều, do anh Nguyễn Công Hiệu, SN 1976, trú tại phường Hoàng Văn Thụ điều khiển.

Cả hai người xuống xe và xảy ra cãi vã, xô đẩy nhau. Đúng lúc này, ông Trần Thế Thanh, SN 1968 đi xe máy tới rồi cùng với anh Hiệu chửi bới vì cho rằng Vọng đi sai, phải bồi thường cho anh Hiệu. Thấy căng thẳng, bất lợi, Vọng lên xe đi tiếp thì bị ông Thanh và anh Hiệu ngăn cản không cho đi.

TAND tỉnh Lạng Sơn, nơi diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án giết nhiều người sau va chạm giao thông

Ông Thanh chặn đầu xe nhưng Vọng vẫn cho xe di chuyển khiến ông này phải nhảy lên lắp capo túm vào cần gạt nước. Do bị che khuất tầm nhìn, Vọng chỉ đi được thêm khoảng 20m thì dừng lại. Lúc này, ông Thanh giật mở cánh cửa bên ghế lái, xông vào giằng co với Vọng.

Trong lúc ông Thanh cố kéo Vọng ra khỏi xe ô tô, thì Vọng với lấy con dao nhọn để sẵn trong xe ô tô đâm ông Thanh liên tiếp 3 nhát.

Bị đâm trúng chỗ hiểm, ông Thanh gục ngay tại chỗ. Anh Hiệu thấy vậy xông vào can thiệp, liền bị Vọng đâm vào vùng bụng nên lùi lại phía sau kêu cứu. Sau khi gây án, Vọng không đưa các nạn nhân đi cấp cứu mà còn dùng chân đẩy ông Thanh ngã xuống vỉa hè rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.

Ông Thanh và anh Hiệu được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ông Thanh tử vong ngay sau đó, còn anh Hiệu bị trọng thương được cấp cứu kịp thời nên thoát chết nhưng bị tổn hại sức khỏe tới 77%. Mãi đến khoảng 1g sáng hôm sau (5-8-2013), Vọng mới đến CA tỉnh Lạng Sơn đầu thú và khai nhận về hành vi giết người của mình.

Tòa sơ thẩm đánh giá không đúng bản chất vụ việc

Ngày 5-8-2013, CA tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vi Khắc Vọng về tội “Giết người”. Ngày 11-12-2013, Vọng bị khởi tố bổ sung về tội “Cố ý gây thương tích” vì đã gây tổn hại sức khỏe 77% cho anh Hiệu. Đến ngày 22-7-2014, VKSND tỉnh Lạng Sơn ban hành cáo trạng truy tố Vọng về tội “Giết người” theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 93 và tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3, Điều 104, BLHS.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào cuối tháng 1-2015, đại diện VKSND tỉnh Lạng Sơn giữ nguyên quan điểm truy tố Vọng về hai tội danh trên và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo từ 9 đến 10 năm tù về tội “Giết người” và 4 đến 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Luật sư của bị hại cho rằng, các cơ quan tố tụng ở tỉnh Lạng Sơn điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Vọng về tội “Cố ý gây thương tích” là không đúng với tính chất và hành vi phạm tội của bị cáo mà phải xử lý về tội “Giết người”.

Bị cáo Vi Khắc Vọng (vòng tròn) phạm tội giết nhiều người nhưng lại được nhận mức án khá "nhẹ nhàng"

Song, HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, truy tố bị cáo Vọng về hai tội danh trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan. Tuy nhiên, HĐXX cũng cho rằng, truy tố bị cáo Vọng về tội “Giết người” theo điểm e khoản 1, Điều 93 BLHS là không phù hợp với diễn biến vụ án cũng như hành vi khách quan của vụ án. Hành vi của bị cáo diễn ra liên tục trong thời gian ngắn, trong khi bị cáo vẫn ngồi trong xe ô tô và người bị hại là người có lỗi trong vụ án đã liên tiếp tấn công bị cáo. Do đó, hành vi phạm tội của bị cáo chỉ thuộc tình tiết định khung hình phạt về tội “Giết người” theo khoản 2, Điều 93 BLHS.

HĐXX cũng cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Vọng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Hành vi của bị cáo đã coi thường kỷ cương pháp luật của Nhà nước, gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng xấu trong dư luận quần chúng. Vì vậy, cần xử phạt nghiêm bị cáo mới có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Vọng 9 năm tù về tội “Giết người” và 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt của hai tội bị cáo phải chấp hành là 13 năm tù. Bị cáo và bị hại đều kháng cáo vì cho rằng các cơ quan tố tụng ở tỉnh Lạng Sơn điều tra, truy tố, xét xử bị cáo không đúng tội danh.

“Giơ cao đánh khẽ”

Ngày 20-3-2018, tại TAND tỉnh Lạng Sơn, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Các luật sư của bị cáo và bị hại đều đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Luật sư của bị cáo Vọng cho rằng, bị cáo chỉ phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 95, BLHS. Còn luật sư của bị hại cho rằng, hành vi của Vọng đã phạm tội giết nhiều người theo điểm a khoản 1, Điều 93, BLHS và phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội có tính chất côn đồ.

Luật sư Trần Văn Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho rằng, hành vi và thái độ thực hiện tội phạm của Vọng thể hiện tính chất quyết liệt, côn đồ hung hãn nhằm đạt mục đích loại bỏ đối tượng đã ngăn cản mình, không để mình đi. Sự việc diễn ra trong thời gian chỉ hơn chục giây, Vọng đã đâm liên tiếp 3 nhát vào vùng trọng yếu của ông Thanh nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Liền sau đó, khi anh Hiệu chạy tới, Vọng tiếp tục đâm một nhát vào bụng anh Hiệu. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì mạng sống của anh Hiệu cũng đã bị Vọng tước đoạt.

Theo luật sư Thanh, hành vi phạm tội Vọng diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, tại cùng một địa điểm và đều xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác nhưng lại được các cơ quan tố tụng ở tỉnh Lạng Sơn tách ra, xử lý bởi hai tội danh là chưa đúng bản chất của vụ án. Việc HĐXX cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2, Điều 93, BLHS với lý do phạm tội trong lúc tinh thần bị kích động mạnh để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là quá nhẹ.

Vị đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội giữ quyền công tố cũng cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 13 năm tù cho hai tội danh trên là quá “ưu ái”, đã xem xét, đánh giá tất cả các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Thậm chí HĐXX sơ thẩm còn chuyển từ tình tiết đầu thú sang tự thú để giảm nhẹ thêm hình phạt cho bị cáo. Mặt khác, bị cáo là luật sư, có đầy đủ khả năng nhận thức được hậu quả của hành vi, đáng nhẽ khi xảy ra va chạm giao thông, bị cáo cần phải ở lại đợi CQCA đến giải quyết. Thế nhưng, bị cáo lại cho xe di chuyển khi nạn nhân Thanh đang đứng trước đầu xe, buộc nạn nhân phải nhảy lên lắp capo. Việc làm này của bị cáo cũng đã khiến cho nạn nhân Thanh bức xúc dẫn đến xô xát.

Sau khi nghị án, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định sửa bản án sơ thẩm và tuyên bị cáo Vọng phạm tội giết nhiều người theo điểm a khoản 1, Điều 93, BLHS năm 1999 với định khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Theo một số luật sư, hình phạt về tội giết nhiều người nặng hơn so với hai tội gộp lại mà HĐXX sơ thẩm đã tuyên án. Thế nhưng, bị cáo chỉ bị tuyên phạt 10 năm tù.

Việc HĐXX cấp phúc thẩm tuyên giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo từ 13 năm xuống còn 10 năm đã khiến cho nhiều người tham dự phiên tòa không khỏi bất ngờ, còn gia đình nạn nhân rơi vào tình trạng “sốc nặng”. Phía gia đình nạn nhân cho biết, sẽ tiếp tục gửi đơn đến các cấp tòa cao hơn để đề nghị xử lý đúng người, đúng tội danh.

Quốc Doanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/toa-gio-cao-danh-khe-voi-ke-co-hanh-vi-giet-nhieu-nguoi-112836.html