Tọa đàm về đổi mới thi cử - khâu đột phá của đổi mới giáo dục

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công tác thi cử chọn lọc đúng đắn sẽ góp phần định hướng nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Đổi mới thi cử là một khâu đột phá của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Mở đầu buổi tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 13-9, tại Hà Nội, PGS,TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, tọa đàm đề cập đến nội dung mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh thông tin nhiều chiều, việc thông tin kịp thời để xã hội hiểu và chia sẻ sẽ tạo động lực cho ngành GD-ĐT đổi mới vững chắc hơn.

Thực tế cho thấy, đích đến của việc học không phải chỉ để thi mà là kiến thức, là kỹ năng, là học đi đôi với hành. Nhưng nếu không thi thì làm thế nào đánh giá được kiến thức thực sự của người học; và đâu là tiêu chí đánh giá chất lượng chung, chất lượng của từng cá nhân làm cơ sở định hướng lựa chọn đào tạo sau phổ thông.

Qua vụ việc gian lận, chỉnh sửa điểm thi dẫn đến sự không công bằng đối với các thí sinh, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng THCS và THPT Marie Curie cho rằng, những tiêu cực vừa xảy ra mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy và học của nhà trường nhưng đã làm cho giáo viên, học sinh, phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Thông qua sự việc này đã cho thấy, những lỗ hổng chính là yếu tố con người, phẩm chất và đạo đức của cán bộ. Vì vậy, cần phải khắc phục những lỗ hổng bằng việc đưa ra các quy trình chặt chẽ hơn, ví như “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.

Trong khi đó, theo PGS,TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, điểm lại từ năm 1975 đến nay, Bộ GD-ĐT đã đổi mới, cải cách về thi cử tổng cộng sáu lần. Cái chưa được của kỳ thi này đã được nói nhiều, đó là đã xảy ra một số tiêu cực, dù công nghệ cao nhưng người trực tiếp tham gia cố tình vi phạm. Do đó, cần phải thay đổi gốc của vấn đề, tuy nhiên để có thay đổi cần thời gian, lộ trình, không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai, tránh xáo trộn.

Đề cập vấn đề nói trên, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện nay giáo dục đang được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục, trong đó xác định rõ học sinh đã học xong chương trình THPT sẽ bước vào kỳ thi, tuy nhiên không quy định kỳ thi tổ chức như thế nào mà đó là thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ GD-ĐT.

Việc đổi mới thi tốt nghiệp và kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy và học phổ thông là yêu cầu cấp thiết, bắt buộc phải làm. Trong những năm vừa qua, Bộ đã có nhiều cố gắng đổi mới hình thức thi THPT, đặc biệt hai năm vừa rồi đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi). Về phía cá nhân, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đổi mới phương thức tổ chức thi như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có nhiều điểm cần lưu ý. Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây, bên cạnh những ưu điểm cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, lỗ hổng trong tổ chức, quản lý kỳ thi này. Quan điểm của chúng tôi là điều gì xác định về phương thức tổ chức cơ bản phù hợp, đáp ứng thì đổi mới. Những gì tồn tại bất cập, lỗ hổng thì khắc phục theo hướng làm cho kỳ thi tốt lên.

Chúng ta cần xác định lộ trình duy trì phương thức kỳ thi này cho đến khi có thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới để tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Kiểm tra đánh giá là khâu cuối cùng nhưng bản chất và yêu cầu là phải đổi mới chương trình, đổi mới cách thức giảng dạy và cuối cùng mới là kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu của xã hội đặt ra.

Từ những sơ hở trong thực thi, những tiêu cực thi cử vừa xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là điều không mong muốn. Dưới góc nhìn của cơ quan xây dựng chính sách, cơ quan giám sát thực thi luật, TS Phạm Tất Thắng cho biết, việc khắc phục các sự cố giúp cho chất lượng kỳ thi tốt hơn thuộc vấn đề kỹ thuật, triển khai.

Đây là kỳ thi mà nhiều người gọi nôm na là kỳ thi “hai trong một”, nhưng thực tế hai mục tiêu khá khác nhau. Với góc độ thi tốt nghiệp THPT, trình độ giáo dục phổ thông là trình độ phổ cập. Kỳ thi này mang tính chất sát hạch thì đúng hơn, để xem học sinh trải qua quá trình học ở trường phổ thông đã nắm được kiến thức trang bị chưa, để có đủ kiến thức văn hóa tối thiểu tiếp tục học lên hoặc là bước ra thị trường lao động. Ở đây không có tính chất sàng lọc nghiêm ngặt mà cứ đạt chuẩn là sẽ tốt nghiệp. Cho nên, thực tế kết quả kỳ thi này thường rất cao, các trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp gần như đạt 99%, hầu như ai thi cũng đỗ, không có mục tiêu sàng lọc.

Mục tiêu thứ hai là để xét tuyển ĐH, CĐ cho nên phải chọn được thí sinh có đầy đủ kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, đầy đủ tư duy để có thể học ở phần cao hơn.

Có thể khẳng định, mục tiêu của kỳ thi hai mục đích rất khác nhau, nếu đạt mục tiêu thứ nhất một cách trọn vẹn thì mục tiêu thứ hai sẽ không như mong muốn. Nghĩa là đề thi không phân hóa thì không sàng lọc được, lựa chọn được thí sinh xuất sắc nhất vào ĐH, CĐ. Còn ngược lại, nếu chọn mục tiêu thứ hai thì mục tiêu xét tốt nghiệp giảm đi số lượng học sinh tốt nghiệp THPT thì cũng không trọn vẹn. Đó là lý do ghép hai khâu này rất khó. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, điều chỉnh từ việc tổ chức, phối hợp, ra đề, coi thi, chấm thi…

Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm.

Về phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những năm tiếp theo, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chính phủ đã đồng ý giữ ổn định phương thức kỳ thi đến năm 2020, những năm tiếp theo trên tinh thần kế thừa kết quả phương án thi các năm trước và khắc phục tồn tại năm 2018.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của kỳ thi năm 2018, Bộ GD-ĐT đã và đang tập trung một số công việc, như: bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng chuẩn hóa, phong phú hơn, chất lượng, bảo đảm mục tiêu đề ra. Hoàn thiện quy chế, khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật để không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để những người có “nghề” về công nghệ thông tin, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các Sở để có kỳ thi chất lượng. Tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi. Đặc biệt, chấm thi cũng có sự điều chỉnh để giáo viên không chấm thi học sinh tỉnh mình, giảng viên đại học địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, bảo đảm khách quan. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo T.Ư và địa phương để chỉ đạo kỳ thi…

QUÝ TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/37608002-toa-dam-ve-doi-moi-thi-cu-khau-dot-pha-cua-doi-moi-giao-duc.html